Cô giáo "3 trong 1": Ký ức thời hậu chiến của người vợ lính

GD&TĐ - Tôi đến chơi với em Linh, con gái út dì Lê Thị Binh vừa từ Đức trở về, thế mà tôi lại bị cuốn vào câu chuyện của dì, một cựu giáo chức tuổi đã ngoại 70.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Dì không chỉ là một cô giáo (từng dạy tại Trường THCS Phúc Lâm, Mỹ Đức, Hà Nội) có thâm niên ba chục năm đứng lớp gõ đầu trẻ, mà còn hơn thế nữa. Dì Binh là vợ lính trong thời chiến tranh khốc liệt chống Mỹ, lại vừa là một thương nhân xuôi ngược Bắc Nam trước và thời gian sau giải phóng.

Trước khi kể về câu chuyện làm thương nhân của một cô giáo – vợ bộ đội - trong thời chiến và sau giải phóng, thì tôi phải cảm ơn chương trình Quán thanh xuân (VTV1) với chủ đề ƠI CUỘC SỐNG MẾN THƯƠNG tháng 6/2020, bởi những chia sẻ của khách mời trong chương trình này đã khiến tôi chú ý hơn tới câu chuyện của dì Binh mà tôi ngẫu nhiên được nghe.

Bà Binh và cháu ngoại.
Bà Binh và cháu ngoại.

Tôi đã thấy mình cần ôn lại câu chuyện của dì, để nó không bị trôi vào lãng quên giữa bộn bề cuộc sống hôm nay. Tôi biết rõ rằng, câu chuyện của dì Binh, những trải nghiệm thời thanh xuân của dì, là bất tử, không chỉ với riêng dì. Dẫu có muốn, lứa chúng tôi, lứa con cái của dì, dẫu có trả trăm vàng ngàn bạc, cũng không thể có được những cảm xúc, trải nghiệm đặc biệt ấy.

Thập niên 60, thời chiến tranh dì Binh lấy chồng, nhưng sau đó, chồng dì nhập ngũ, chỉ thỉnh thoảng mới được về thăm nhà. Dì thậm chí còn không biết chồng mình đang chiến đấu ở mặt trận nào. Dù luôn hướng tới điều may mắn nhưng không khỏi có những lúc, dì bị nỗi sợ ám ảnh. Nơi chiến trường, bom đạn vãi như mưa, liệu rằng chồng dì có thể nguyên vẹn trở về với dì và con hay không?

Những lúc không nhận được thư chồng, không tin tức từ mặt trận, là những lúc dì bồn chồn khủng khiếp. Lần ấy, khi dì Binh sinh con trai thứ hai, năm 1969, khi ngoài mặt trận, những trận đánh ác liệt xảy ra hàng ngày, biết bao người hy sinh, dì lại bặt tin chồng.

Trong lúc đang lo lắng nhường ấy, thì một buổi, đi dạy học về, dì Binh thấy một người lính đeo ba lô nặng trĩu, tay cầm một tờ giấy, đang ngơ ngác tìm nhà ai đó ở ngõ vào nhà dì. Dì Binh bỗng hoảng sợ, phải chăng đó là đồng đội của chồng dì, đang tìm đến nhà dì báo tin dữ.

Dì vừa muốn lao đến gần người lính để hỏi, vừa muốn đi trốn để khỏi phải nghe tin dữ có thể tới. Định tâm một lúc, dì mới dám tiến lại gần người lính kia để hỏi, thì quả nhiên, người lính cần tìm đến nhà dì Binh.

“Chồng tôi đang ở đâu?” – dì Binh hồi hộp hỏi.

“Chị yên tâm, chồng chị vẫn đang chiến đấu ngoài mặt trận” – người lính đáp.

“Thư của anh ấy gửi tôi đâu?”- dì Binh hỏi tiếp.

“Tôi không mang thư của anh ấy về cho chị. Nhưng tôi cần chị ký giấy tờ này” – Nói rồi người lính mở ra một văn bản viết tay trên giấy học trò, hơi nhàu nát, anh vuốt thẳng tờ giấy rồi đặt lên mặt bàn, trước mặt dì Binh.

Dì Binh run bắn người. Phải chăng giấy này là báo tử? Hay là chế độ Nhà nước dành cho vợ con liệt sĩ?

Cuối cùng, dì Binh đành cầm tờ giấy lên đọc. Hóa ra đó là giấy trợ cấp cho vợ bộ đội vừa sinh con. Chắc là chồng dì báo việc vợ mình vừa sinh đứa con thứ hai cho tổ chức, nên tổ chức cử người tìm về tận nhà dì Binh để đưa giấy cho dì ký.

Ấm lòng hơn, dì Binh ký vào tờ giấy. Người lính gấp lại tờ giấy dì vừa ký, sau đó mở ba lô, rút ra một xấp tiền, đếm cẩn thận, rồi giao cho dì 12 đồng.

- Từ nay, mỗi tháng chị sẽ được lĩnh tiền như thế này để nuôi con. Đây là chế độ trợ cấp cho vợ lính mới sinh con – người lính nói và mỉm cười với dì Binh, trong lúc cất tờ giấy gấp gọn vào ba lô.

Khi người lính đã đi rồi, dì Binh bỗng vỡ òa trong vui sướng. Cả đời dì chẳng bao giờ được cầm một lúc nhiều tiền đến thế! Tiền này, dì sẽ mua sữa cho con, mua hộp sữa để bồi dưỡng cho bố đẻ dì đang ốm yếu, sẽ mua tã lót, thịt làm ruốc, mua đường… biết bao thứ cần mua sắm cho một gia đình thiếu thốn.

Hai niềm vui cùng òa đến một lúc, khiến dì Binh như đang ở trong mơ. Chồng dì vẫn đang sống và chiến đấu ngoài chiến trường, không những vậy, anh còn được hưởng chế độ của quân đội trợ cấp cho vợ con ở nhà. Dì thấy biết ơn, hạnh phúc, tự hào… Biết bao cảm xúc mạnh mẽ ùa đến khiến dì vừa khóc vừa cười. Dì chạy ngay đến với bố đẻ, kêu lên: “Bố ơi, nhà mình giàu rồi! Con vừa được Nhà nước cho bao nhiêu là tiền!”.

Tới khi đất nước giải phóng, dì Binh sinh con thứ ba, chồng dì Binh (Đại tá quân đội Phạm Viên) tiếp tục ở xa nhà, dì có được nhận trợ cấp nhưng thường không đủ và đến trễ, dì Binh tính việc đi buôn bán ngược xuôi để thêm đồng ra đồng vào nuôi con và phụng dưỡng cha mẹ già hai bên.

Chồng ở xa, mọi việc với biết bao người trong hai gia đình nội ngoại trông cả vào dì, dì không thể không có tiền. Dì thấy ở đâu sẵn món hàng nào, thì đều mua về đem bán ở nơi khác không có hàng đó. Nào là chè Thái Nguyên, sắn, khoai, gạo, thuốc lá, muối, đường… Nào là vải vóc, quần áo, chăn, gối, khăn, giày dép, túi xách từ miền Nam ra Bắc.

Cứ hàng thực phẩm thì dì mua từ Bắc mang vào miền Nam bán, hàng gia dụng, nhu yếu phẩm thuộc mặt hàng công nghiệp nhẹ thì mua từ miền Nam mang ra Bắc. Cũng có lần, dì bị công an bắt, họ định tịch thu hàng và phạt, thì dì mếu máo, kể rằng dì là vợ bộ đội, nhà đông con, cha mẹ hai bên già yếu, chỉ biết trông cậy vào việc buôn bán của dì, nếu dì bị mất món hàng này, cả nhà nhịn đói. Người công an nghe thế mủi lòng, lại thả cho dì đi.

Dì Binh tranh thủ buôn bán lúc được nghỉ hè, nghỉ mùa. Dì sinh thêm con gái út là em Linh sau giải phóng, như vậy dì có 4 đứa con phải lo. Dì càng phải tần tảo sớm hôm dạy học, làm thêm việc vặt, và chờ khi được nghỉ dài ngày thì đi buôn bán.

Tần tảo lo toan như thế, dì Binh đã cùng đất nước vượt qua được giai đoạn vô cùng khó khăn thời sau giải phóng. Dì tự tin bảo, chồng dì đã lo việc cứu nước, thì dì làm tất cả những điều đó là để cứu nhà. Và dì đã cứu nhà thành công.

Tôi hay bất cứ ai, mà gặp dì Binh, được dì tin tưởng, thì dì luôn kể đi kể lại câu chuyện dì vừa dạy học, vừa buôn bán Nam - Bắc để “cứu nhà” sau giải phóng. Đó là thời thanh xuân rực rỡ của dì, ghi dấu ấn sâu đậm, mà dì tự hào và muốn kể lại mãi.

Sau này, dù các con dì có phụng dưỡng dì Binh bằng cách đưa dì đi chơi khắp nơi, kể cả nước ngoài, ăn những món ngon ngất, ở những nơi đẹp nhất, thì vẫn không thể nào sánh được với ký ức thanh xuân của dì, một thời thanh xuân vất vả, nhọc nhằn mà vẫn đầy ắp mến thương. Dì Binh chính là một trong những người mẹ Việt Nam thời hậu chiến mà tôi, em Linh, hay bất cứ ai thuộc lứa chúng tôi có thể tự hào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.