Vợ lính biển chờ chồng

Đâu phải chiến tranh mới có đợi chờ, mà ngay cả thời bình lặng im tiếng súng, những người vợ lính DK1 vẫn vò võ chờ chồng trong thương nhớ triền miên.

Vợ lính biển chờ chồng

Làm chồng, làm cha, làm cả chủ nhà

Họ cũng như những "vọng phu" thời chiến, chỉ khác sự chờ đợi có định ước thời gian hẹn ngày sum họp. Dẫu thiệt thòi thầm lặng hi sinh, nhưng họ luôn kiêu hãnh vì đang là hậu phương vững chắc để những phu quân vững chắc tay súng giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc giữa ngàn khơi...

Gần 17 năm lấy nhau, chị Nguyễn Thị Minh - Vợ của Thiếu tá chuyên nghiệp Lê Hữu Toàn hiện đang công tác tại nhà giàn DK1/16 thời gian gần chồng "gói" lại chừng 2 năm.

Chị Minh không nhớ mình bao lần tiễn chồng đi biển, bao lần cô đơn trào nước mắt, song mỗi lần con trai, con gái hỏi sao bố đi biển lâu về thì không thể nào quên.

Vốn hai vợ chồng đều là quân nhân, thời gian làm việc siết chặt theo qui định của quân đội. Những ngày anh Toàn ngoài nhà giàn, một mình chị Minh vừa làm cha, làm mẹ, vừa làm chủ nhà.

Thức dậy từ 5 giờ sáng, chuẩn bị bữa sáng cho con ăn rồi cho chúng đi học. Trước khi đi làm, cắm sẵn nồi cơm. Chiều về, ba mẹ con quây quần bên mâm cơm của lính, tối vào cơ quan đi trực.

Đại úy Nguyễn Thị Minh nghiên cứu bản thuyết minh trước giờ lễ ra quân huấn luyện năm 2017 của Lữ đoàn 171.

"Tết vừa qua anh Toàn về không?" - Tôi hỏi. “Đón Tết một mình quen rồi. Bốn năm liên tục anh Toàn tết không về. Đêm 30 tết vừa qua, em trực trong đơn vị về đến nhà đã gần sang canh. Anh Toàn gọi điện về, em nghe cả tiếng sóng. Có lúc anh nghẹn lại. Em hiểu, anh đang xúc động nhớ vợ con” - Chị Minh, nói.

Tổ ấm của vợ chồng chị Minh là căn nhà khá khang trang ở giữa hẻm đường Đô Lương (phường 11, TP Vũng Tàu). “Tổ ấm” này anh chị xây từ tiền lương đi biển của anh Toàn tích cóp 17 năm lấy nhau.

Đặt cạnh chiếc ti vi chị Minh mới sắm là hình hai trái tim mầu hồng làm bằng tăm tre lồng ghép vào nhau. Tôi hỏi ai làm đẹp thế? Chị Minh cho biết, đó là quà của anh Toàn gửi về từ nhà giàn nhân kỷ niệm 15 năm ngày cưới hồi cuối năm 2016.

Khi đó anh Toàn công tác ngoài biển không về được. Để động viên vợ và hai con, trước hai tháng tàu thay trực, anh Toàn gọi điện về đất liền nhờ đồng đội mua tăm tre rồi gửi theo tàu thay trực.

Chuyến tàu về đất liền, ngoài cá kìm khô và 2 can cá mắm, món quà đặc biệt anh gửi chị Minh là hai trái tim lồng ghép vào nhau được làm bằng que tăm.

Trên hình hai trái tim đặc biệt ấy có 5 chữ: “Toàn love Minh, Hòa Thuận” (tên của hai vợ chồng chị và con trai đầu Lê Hữu Thuận, con gái thứ hai Lê Thu Hòa).

Nhà giàn DK1 nhìn qua ô cửa tàu- nơi các phu quân của vợ lính DK đang ngày đêm trấn giữ.

“Em sợ nhất là ngày lễ, tết, hoặc tối thứ bảy. Nhìn gia đình họ vợ chồng con cái chở nhau trên xe máy đi chơi, em tủi thân lắm. Thằng Thuận cứ hỏi em sao bố đi lâu thế.

Em chỉ biết trả lời bố ngoài biển sắp về. Con học giỏi, ngoan, bố về sẽ mua quà cho. Nó lại hỏi, quà gì? Em bảo lương khô, cá kìm khô. Nó bĩu môi, không, con chỉ muốn bố chở đi chơi tắm biển cơ. Lúc đó em chỉ muốn khóc” - Chị Minh chia sẻ.

Tôi gặp chị Minh hỏi chuyện về ngày 8/3, chị bảo: “Năm nào em chẳng nhận được quà của anh Toàn gửi về”. "Quà gì thế?" - “Thì bông hồng trong điện thoại thôi anh. Ngoài đó làm gì có hoa thật mà gửi. Nói vậy chứ, động viên nhau là vui lắm rồi” - Chị Minh, nói.

Chị Minh cho tôi xem bài thơ viết trong cuốn Sổ tay chiến sĩ Trường Sa. Trong sâu thẳm của người vợ lính nhà giàn, chị Minh gói nỗi cô đơn, niềm mong đợi ngày gặp chồng bằng những vần thơ chứa chan cảm xúc:

Chẳng bao giờ anh hiểu hết được đâu/ nỗi vất vả của người mẹ vừa làm cha, vừa làm chủ nhà, chủ hội/ của người lính thông tin trực ca sớm tối/ của những đứa con chỉ biết học biết chơi…

Quà biển ngày 8 tháng Ba

Mẹ con chị Lê Thị Ngân, vợ của thiếu tá Phạm Văn Bảy

Cũng như nhiều vợ lính DK1 khác, chị Lê Thị Ngân - Vợ của thiếu tá Phạm Văn Bảy thường xuyên nhận được “quà tinh thần” của chồng từ biển gửi về.

“Lần nào có tàu thay trực anh Bảy cũng gửi cá kìm khô hoặc vài can cá mắm. Dù không giá trị nhiều về vật chất, nhưng thể hiện sự quan tâm. Hai đứa con tôi, mỗi lần nhận được quà của bố, nó vẫn thích, dù các kìm khô nó chẳng ăn được.

Thằng nhóc ngày nào cũng bập bẹ hỏi bố Bảy đâu mẹ, tôi lấy ảnh cưới chỉ cho nó nhìn. Nhờ vậy mà khi anh Bảy về đất liền, dù đi cả năm, khi đưa tay bế con, nó vẫn theo” - Chị Ngân cho biết.

Bận với công việc như vậy nhưng chồng chưa bao giờ quên ngày 8-3. “Hôm bữa tàu về, anh ấy gửi về hai can cá mắm. Biết tôi thích ăn cá kìm khô chấm me chua, nên lần nào anh ấy cũng gửi, kèm theo gói lương khô cho con nữa. Ngoài biển, quà vậy là quí rồi”.

Chia sẻ chuyện tình yêu của vợ chồng sau những ngày anh Bảy công tác ngoài nhà giàn trở về đất liền, chị Ngân kể: “Có lần anh Bảy chở hai mẹ con đi vòng một vòng bãi biển Vũng Tàu, rồi vào siêu thị cho con ăn kem. Hai vợ chồng ngồi uống cà phê.

Bỗng dưng anh ấy bất ngờ rút trong túi áo ra bông hồng đỏ tặng tôi rồi bảo: “Bù lại những ngày tháng xa nhau”. Mặc dù ngượng chín mặt nhưng vẫn thích nhận. Mới đó mà giờ đã có thêm một thằng nhóc này nữa rồi đấy” - Chị Ngân cười đưa tay bế nựng bé trai giống bố như khuôn

Chuyện tình của chị Ngân và anh Bảy lãng mạn như sóng biển. Chín năm trước, chị Ngân từ Tĩnh Gia (Thanh Hóa) vào Vũng Tàu lập nghiệp cùng người chị gái công tác ở Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân.

Chưa có việc làm, chị mở quán bán thẻ điện thoại và sửa quần áo. Một buổi chiều, anh Bảy ra mua thẻ điện thoại, thấy cô bán hàng duyên dáng bèn nán lại “tán”, vậy là họ bén duyên.

Vững tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Sau một năm yêu nhau qua điện thoại và thư, họ về chung sống một nhà. Cưới xong, anh Bảy nhận nhiệm vụ ra nhà giàn, còn chị Ngân ở nhà mở tiệm may và bán sim, thẻ điện thoại.

Khi chị Ngân sinh con gái đầu lòng, anh Bảy ngoài biển. Lúc sinh con thứ hai, anh Bảy không về được vì nhường suất cho đồng đội khác về đất liền cưới vợ.

Sau nhiều năm dành dụm, tích cóp, họ mua được mảnh đất nhỏ để dựng xây tổ ấm. Căn nhà ba buồng “kiểu lính” chưa hoàn chỉnh, còn thiếu phòng khách luôn trống vắng vì anh Bảy biền biệt ngoài nhà giàn. Hiện tại anh Bảy đã công tác ngoài nhà giàn DK1/11.

“Đầu tháng Ba này là tròn một năm. Nhà chỉ có ba mẹ con nhiều lúc cũng tủi thân. Nhất là ngày lễ, tết. Nhìn gia đình hàng xóm sum vầy, còn mình thui thủi một mình chạnh lòng quá.

Được cái anh nhà tôi rất tình cảm. Ngày nào cũng gọi điện về nhà bố con nói chuyện với nhau, nhờ vậy mà sự thiếu thốn phần nào cũng được bù đắp” - Chị Ngân chia sẻ

Niềm đau vô vọng

Thượng úy Dương Văn Bắc (bên phải) đang cùng đồng đội trực chiến trên Nhà giàn DK1/11. Ảnh: Báo Nghệ An

Khác với niềm mong đợi ngày chồng hoàn thành nhiệm vụ trở về, chị Vương Thị Trâm gạt nước mắt thẫn thờ trong niềm vô vọng. Dẫu vẫn hiểu, chồng chị - Liệt sĩ Dương Văn Bắc đã hi sinh, chị có quyền đi bước nữa, nhưng hai con còn nhỏ, phần vì còn nặng tình với chồng nên không thể.

“Ngày anh Bắc còn sống, cứ dịp ngày 8-3 là gọi điện về chúc mừng mẹ con em. Anh nói đùa “Anh đi xa đừng nhận hoa của người khác nhé”. Anh còn gửi tin nhắn là bông hồng trong điện thoại tặng em”.

Chị Trâm bật khóc. Giọt nước mắt của người vợ trẻ chứa đầy niềm đau, nhưng cũng long lanh niềm kiêu hãnh. Bởi sự hi sinh của chồng chị là sự hi sinh cao đẹp, là nghĩa cử của người lính cống hiến cho biển, đảo của Tổ quốc.

Nhìn lên di ảnh chồng, cạnh đó có bìa giấy in dòng chữ chữ “DK1 mãi nhớ tên anh” của cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn DK1 kính viếng, thêm môt lần nữa, chị Trâm bật khóc cúi đầu trước bàn thờ chồng.

Hai con trai của chị còn nhỏ, nó chưa hiểu được nỗi cô đơn trong lòng mẹ, nhưng cũng đủ nhận biết được cha đã hi sinh. Cháu Dương Nguyên Khôi, nói: “Ba Bắc đã mất ngoài biển rồi”.

Vợ cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1 đều có một điểm chung là chung thủy đảm đang gánh vác công việc gia đình, lo dạy con cái học tập đàng hoàng, là điểm tựa vững chắc để chồng yên tâm công tác.

Tiểu đoàn DK1 luôn làm tốt công tác động viên tư tưởng, thăm hỏi, tặng quà vào những dịp lễ, tết, giúp chị em yên tâm để chồng làm nhiệm vụ.

Thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh - Chính trị viên Tiểu đoàn DK1

Theo CAND

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.