Trường Mầm non An Bình nằm trên địa bàn xã An Bình, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, nơi có nhiều dân tộc sinh sống như Kinh, Dao, Tày...
Trong chương trình giáo dục kỹ năng sống, nhà trường thường xuyên tổ chức các đợt trải nghiệm về văn hóa, cuộc sống sinh hoạt thường ngày của các dân tộc trên địa bàn, đặc biệt là dân tộc Dao.
Thông qua chương trình, nhà trường sẽ dạy các em nhiều kỹ năng sống phù hợp với điều kiện thực tế của các em; đồng thời, giúp các em mở rộng hiểu biết về phong tục, tập quán, văn hóa của của mỗi dân tộc.
Các em được người dân địa phương hướng dẫn, giải thích và cùng thao tác vào quá trình tạo ra vải để may quần áo.
Các cháu rất thích thú.
Cùng dệt vải, các em còn tận mắt được chứng kiến các bà con người Dao tạo ra những bộ trang phục truyền thống.
Được hướng dẫn cách luồn chỉ qua lỗ kim, cách cầm kim an toàn.
Đối với rất nhiều cháu, đây là lần đầu tiên được nhìn thấy cách thêu may truyền thống nên không rời mắt khỏi đôi tay của chị em phụ nữ Dao.
Một cháu nhỏ được diện trang phục truyền thống của dân tộc Dao thu hút sự tò mò của nhiều em khác.
Cũng nằm trong chương trình giáo dục kỹ năng sống của trường Mầm non An Bình, các cháu được trải nghiệm làm bánh gù của người Dao.
Đây là loại bánh không thể thiếu trong mỗi dịp lễ Tết hay các sự kiện quan trọng của đồng bào.
Một em nhỏ thích thú với sản phẩm vừa được góp công tạo ra.
Các cô hướng dẫn các cháu cách bóc bánh mật, cũng là một loại bánh truyền thống của người Dao khỏi bị dính tay.
Giới thiệu cho các cháu biết xôi màu được tạo ra từ những lá, củ an toàn quanh ta như: màu vàng từ nghệ, tím từ cây lá cơm tim, đỏ từ cây lá cơm đỏ.
Sau khi được giới thiệu, các cô chia cho các cháu thưởng thức những sản phẩm chính mình vừa cùng làm ra.
Cháu nào cũng vui tươi, phấn khởi thưởng thức.
Với chủ đề "Quê hương, đất nước, Bác Hồ", các dụng cụ trong lao động, sản xuất cũng được nhà trường đưa vào chương trình giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em.
Mỗi em gọi một kiểu nhưng các cháu đều thích thú và tò mò với giỏ đựng cá suối, đựng thóc giống để tra lúa nương của người Dao.
Các điệu múa, làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc thiểu số cũng được nhà trường đưa vào giới thiệu cho các em.
Qua đó, giúp các cháu thêm đoàn kết, yêu thương nhau hơn. Góp phần vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho các cháu là con em thiểu số thêm tự hào về cội nguồn.