Khi cải lương sóng đôi cùng xiếc

GD&TĐ - Không ai nghĩ sẽ có một ngày, nghệ thuật xiếc và cải lương kết hợp với nhau trên sân khấu. Dự án dài hơi sóng đôi này sẽ kéo dài trong 4 năm, hứa hẹn đem đến cho khán giả những bất ngờ thú vị.

Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát Cải lương Việt Nam đang triển khai thực hiện dự án có sự kết hợp của 2 hình thức nghệ thuật này. Ảnh minh họa
Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát Cải lương Việt Nam đang triển khai thực hiện dự án có sự kết hợp của 2 hình thức nghệ thuật này. Ảnh minh họa

Liên đoàn Xiếc và Nhà hát Cải lương Việt Nam đang triển khai thực hiện dự án có sự kết hợp của 2 hình thức nghệ thuật độc đáo này trong cùng tác phẩm sân khấu “Huyền sử Việt” lần lượt dựng vở diễn về Tứ bất tử: Phù Đổng Thiên Vương, Tản Viên Sơn Thánh, Chử Đổng Tử và Thánh mẫu Liễu Hạnh.

“Luồng gió mới” cho sân khấu

NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam và NSND Tống Toàn Thắng - Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc tin tưởng rằng, dự án dài hơi và mới lạ này sẽ thành công rực rỡ. Điều mà các nghệ sĩ khẳng định khi 2 loại hình nghệ thuật kết hợp với nhau sẽ không tạo nên một sản phẩm sân khấu khiên cưỡng. Bởi bản thân nghệ thuật cải lương được ra đời từ chính những cách tân của thời đại.

Theo một số tài liệu, cải lương từng được pha trộn những cảnh múa, đu bay, diễn võ cốt chỉ để thêm sinh động cho cảnh diễn. Có nhiều vở diễn đã kết hợp đủ các loại hình nghệ thuật. Đặc biệt sáng kiến của soạn giả Thu An - cha đẻ của sân khấu “thi, ca, vũ, nhạc, kịch, cải lương” dưới thương hiệu Hương Mùa Thu do ông gầy dựng từ năm 1960 đã kết hợp các loại hình với nhau một cách hài hòa.

Vở đầu tiên “Chử Đồng Tử - Tiên Dung” dự kiến khởi dựng tháng 7/2020, ra mắt dịp cuối tháng 8, đầu tháng 9/2020. Nghệ sĩ Xuân Hồng, con gái cố tác giả Hoàng Luyện – người từng được Giải thưởng Nhà nước sẽ giúp đơn vị xiếc và cải lương kết nối và tiếp cận kịch bản về Chử Đồng Tử do cố tác giả để lại.

Nội dung của huyền sử được biên tập, dàn dựng phù hợp nhất, theo tinh thần sáng tạo và làm mới phương thức biểu đạt nhưng không làm thay đổi nền tảng cội rễ. Nhà biên kịch Lê Thế Song - người luôn gây bất ngờ với nhiều đột phá trong kịch bản sân khấu đã được “chọn mặt gửi vàng” để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện lại kịch bản sao cho phù hợp các đòi hỏi về tiêu chí, thời lượng của vở diễn.

“Những huyền thoại Việt như Sơn Tinh, Thủy Tinh, Thánh Gióng... chưa được khai thác nhiều, trong khi đó thế hệ trẻ ngày càng xa rời giá trị truyền thống. Tôi nghĩ rằng, những người làm nghệ thuật cần không ngừng đào xới các đề tài lịch sử. Nhà hát Cải lương Việt Nam từng làm nhiều vở về đề tài lịch sử nhưng dường như chúng tôi vẫn cảm thấy chưa đủ. Hơn nữa nhiều vở cải lương hiện nay vẫn chưa thực sự được phổ biến”, NSND Triệu Trung Kiên cho hay.

Khi cải lương sóng đôi cùng xiếc ảnh 1

Đẩy thời lượng, tăng hấp dẫn

Không chỉ là một dự án nghệ thuật phối trộn cách tân mới lạ. Đây còn là cơ hội để các nghệ sĩ xiếc được nâng cao nghệ thuật diễn xuất trên sân khấu, đồng thời các nghệ sĩ cải lương sẽ được bổ sung các kỹ năng phụ trợ mang tính hấp dẫn và giải trí do đơn vị xiếc hỗ trợ tập luyện và biểu diễn.

Ban tổ chức cũng cho biết, việc chú trọng sử dụng các ứng dụng công nghệ hiện đại cho sân khấu. Đạo cụ âm thanh, ánh sáng và lựa chọn các phần diễn mang tính kỹ năng, kỹ thuật cao của cả hai loại hình sẽ được sắp xếp để tạo nên những màn trình diễn độc đáo chưa từng có.

Theo dự kiến sẽ có 20 diễn viên, nhạc công cải lương và 25 diễn viên xiếc tham gia chương trình. Sân khấu trang trí theo từng cảnh của vở, sử dụng không gian, các sân khấu phụ kết hợp tương tác cùng khán giả.

NSND Triệu Trung Kiên nói rằng, Nhà hát Cải lương và Liên đoàn Xiếc đều chung mục đích đổi mới, sáng tạo. Trên con đường tìm tòi ấy họ đã gặp nhau, bàn bạc kỹ lưỡng và đề ra kế hoạch cụ thể để ý tưởng thành hiện thực. Vì xiếc và cải lương chưa bao giờ kết hợp trong thời hiện đại nên chắc chắn không tránh khỏi nghi hoặc, e ngại từ phía khán giả cũng như giới chuyên môn.

“Trên thế giới người ta không còn xa lạ với việc kết hợp nhạc kịch với xiếc. Sân khấu cải lương ở phía Nam ngày xưa cũng từng đưa một số kỹ thuật xiếc lên sân khấu. Tuy nhiên, sau những thăng trầm lịch sử thì sự phối trộn ấy dần bị quên lãng. Chúng tôi không chỉ muốn khơi lại, mà còn muốn sáng tạo, mạnh mẽ và thu hút hơn”, NSND Triệu Trung Kiên cho biết.

Vở “Ngàn năm mây trắng” ra mắt năm 2019, nghệ sĩ Trung Kiên từng thử đem chèo kết hợp với cải lương, và ít nhiều tạo được hứng thú cho khán giả. Xiếc lần này cũng được tiết lộ chiếm 50% thời lượng xuất hiện trong vở diễn. Việc của đạo diễn là đưa xiếc và cải lương hòa hợp với nhau. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào kịch bản, kỹ năng xiếc của nghệ sĩ cải lương.

NSND Tống Toàn Thắng thì tự tin cho rằng, đây là cơ hội giúp nghệ sĩ xiếc nâng cao nghệ thuật diễn xuất trên sân khấu, còn nghệ sĩ cải lương được hỗ trợ thêm yếu tố giải trí hấp dẫn. Tất cả vì khán giả, vì nghệ thuật và sự sáng tạo là cần thiết, nhất là trong thời buổi nhu cầu thụ hưởng văn hóa của công chúng dần bị thu hẹp.

Theo ban tổ chức, để phù hợp với khán giả, vở cải lương xiếc sắp tới được cắt gọt theo khung thời lượng khoảng 90 phút. Thời lượng này đòi hỏi các đạo diễn chắt lọc tình tiết, lời thoại, câu hát. Trò diễn cũng như tiết tấu của vở diễn vì thế cũng phải đẩy nhanh, phù hợp với khán giả hiện đại. Tuy nhiên, không phải vì thời lượng ngắn mà việc diễn xuất mang tính vắn tắt, vội vàng. Mỗi nhịp điệu phù hợp với lời hát và kịch bản để khán giả dễ mường tượng về nội dung cũng như thông điệp. Từ đó, vở diễn sẽ gây được xúc cảm, tăng sự hấp dẫn trên sân khấu.

“Dù hai loại hình có vẻ khác xa nhau về ngôn ngữ thể hiện, nhưng nếu xử lý khéo léo sẽ giúp tôn lên vẻ đẹp riêng của từng loại hình và tạo ra những bất ngờ thú vị”. - NSND Triệu Trung Kiên (Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ