Xiếc thú: Hiểm nguy mà sao vẫn… say?

GD&TĐ - Từ câu chuyện diễn viên xiếc thú nổi tiếng thế giới Ettore Weber vừa ra đi mãi mãi vì bị chính những “bạn diễn” (4 con hổ) tấn công, tôi tìm gặp những nghệ sĩ xiếc thú gạo cội của Việt Nam. 

Nghệ sĩ Thu Thủy và bạn diễn Min khi biểu diễn ở Sài Gòn. Ảnh: NVCC.
Nghệ sĩ Thu Thủy và bạn diễn Min khi biểu diễn ở Sài Gòn. Ảnh: NVCC.

Lý giải cảm xúc xót thương nhưng không bất ngờ, các nghệ sĩ bảo: Nghề của chúng tôi là thế - sinh ư nghệ, tử ư nghệ - dẫu hiểm nguy nhưng vẫn… say.

Gấu cắn lìa bắp tay

Đã gần 20 năm trôi qua nhưng đến giờ cánh tay trái của nghệ sĩ xiếc Đặng Đức Đào (Liên đoàn Xiếc Việt Nam) vẫn đau nhức, tê lại mỗi khi trái gió trở trời.

Trầm ngâm giây lát, ông Đào bảo đấy là “sản phẩm” mà “bạn diễn” Hê-li – con gấu ông đã nuôi dạy trong suốt 16 năm - từ lúc nó su lọt lòng - dành tặng cho ông.

Ông Đào vẫn nhớ như in thời khắc ấy: Lúc 8 giờ tối 4/4/1979, Hê-li đã bất ngờ tấn công người huấn luyện của mình, ngay trước khi chuẩn bị ra sân khấu tròn của liên đoàn xiếc biểu diễn.

Đấy là lúc ông Đào can Hê-li đánh con gấu đầu đàn. Nhanh như chớp, Hê-li quay ra lao vào, đè ông Đào xuống và ngoạm sâu tay trái của ông. Xương không bị gãy nhưng cả bắp tay cùng búi dây thần kinh của ông Đào đứt đôi.

Thấy vậy, 2 diễn viên phụ xông vào can ngăn nhưng không nổi vì Hê-li đang say máu. Lúc đó, một con khác trong đàn nhảy tới tấn công Hê-li. Nhân cơ hội Hê-li quay ra chống đỡ, ông Đào đã vùng dậy, thoát chết trong gang tấc.

Được đưa đến Bệnh viện Xanh Pôn cứu chữa kịp thời nhưng cánh tay trái của ông Đào vẫn bị teo cơ và liệt mấy năm. Chỉ đến khi được bác sĩ Nguyễn Tài Thu châm cứu suốt 3 năm, cơ của cánh tay ấy mới phát triển trở lại và hoạt động nhẹ nhàng được.

Sau tai nạn đó, khi quay trở lại làm việc, ông Đào bỏ nghề huấn luyện gấu, chuyển sang huấn luyện chó, khỉ.

“Có người nói tôi đã may mắn vì được con gấu cùng đàn cứu giúp. Nhưng không phải thế đâu. Là người trong nghề, tôi biết lúc đó hai con thú đang tranh nhau mồi. Nếu tôi không bình tĩnh tự mình thoát ra thì không biết hậu quả sau đó sẽ thế nào” – Ông Đào chia sẻ.

Sư tử vồ vào mặt, vào tay

Sau tai nạn, nghệ sĩ Đặng Đức Đào huấn luyện xiếc khỉ nhưng trong ông vẫn không nguôi nỗi nhớ những tháng ngày huấn luyện xiếc gấu. Ảnh: NVCC.
Sau tai nạn, nghệ sĩ Đặng Đức Đào huấn luyện xiếc khỉ nhưng trong ông vẫn không nguôi nỗi nhớ những tháng ngày huấn luyện xiếc gấu. Ảnh: NVCC.

Nhớ lại những tháng ngày biểu diễn và huấn luyện đàn sư tử làm xiếc, nghệ sĩ Thu Thủy (người cuối cùng huấn luyện xiếc sư tử ở Việt Nam) kể rằng đàn sư tử của mình – 5 con rất biết nghe lời.

Hơn mười năm “thầy ” - “trò” gắn bó, cả lúc trên sân khấu lẫn lúc huấn luyện chưa từng khi nào chúng “cãi” hay phản ứng thái quá với bà.

Thế nhưng, nghệ sĩ này cũng đã hai lần gặp nạn, bị sư tử vồ vào mặt, vào tay đến giờ vẫn còn sẹo. Đấy là lần bà Thủy cùng đàn sư tử đi diễn ở Tao Đàn (Sài Gòn). Gặp trời mưa, nhà bạt bị dột. Những chiếc bàn kê để sư tử biểu diễn bị ướt. Giữa lúc đó, nghệ sĩ Thu Thủy thực hiện động tác ngửa người để sư tử nhảy qua.

Vì bàn ướt nên “bạn diễn” của bà trượt chân. Thế là một chân trước của nó vồ vào mặt bà. Thấy “thầy” của mình bị ngã, con sư tử ấy vội phóng thẳng vào chuồng. Bình tĩnh thấm máu chảy ra ở phía trên mắt, nghệ sĩ Thu Thủy vẫn hoàn thành tiết mục.

Hay như lần biểu diễn ở Tân Bình (Sài Gòn), nghệ sĩ Thu Thủy đã bất ngờ bị con sư tử chồm tới, móng vuốt của nó móc rách một đoạn dài ở cánh tay – khâu đến 9 mũi.

Sau buổi diễn, điều tra ra thì bà Thủy mới biết, một khán giả nhí thấy cái đuôi sư tử ngoe nguẩy sau song sắt liền lại gần túm và giật. Sư tử giật mình chồm tới, giữa lúc huấn luyện viên đang đứng rất gần, chuẩn bị cho tiết mục mới.

“Đấy là hai lần tôi gặp tai nạn trong nghề, những tai nạn mà chính các “bạn diễn” của tôi không mong muốn” – nghệ sĩ Thu Thủy nói.

Vẫn luôn yêu, luôn say

Dẫu hiểm nguy luôn rình rập, bất chấp tính mạng được đánh cược vào bản năng của con thú như thế nhưng những nghệ sĩ xiếc thú này chia sẻ rằng chưa khi nào vì một lần sợ hãi mà bỏ nghề, trái lại họ vẫn luôn yêu, luôn say…

Đến giờ, nghệ sĩ Đức Đào vẫn rong ruổi trên khắp nẻo đường với đàn chó, đàn khỉ - dù ông đã ở tuổi 75.

Ông bảo, sau tai nạn, vì không còn đủ sức khỏe để huấn luyện xiếc gấu thì ông mới chuyển sang huấn luyện khỉ, chó. Chứ còn với ông chẳng bao giờ ông quên quãng thời gian ăn ngủ cùng đàn gấu 5 con thuở ấy – nhất là con Hê-li. Và nếu được lựa chọn lại, ông vẫn chọn xiếc gấu.

Với nghệ sĩ Đức Đào, ông chưa từng trách Hê-li vì ông hiểu, lúc đó Hê-li đã trưởng thành – 16 tuổi và đang khát khao thể hiện bản năng: Chiến đấu để tranh ngôi đầu đàn. Với thú, khi con người gắn bó với chúng thì chúng cũng coi luôn người đó là cùng… đàn. Ông Đào cũng được đàn gấu của mình coi là cùng hội cùng thuyền, không phải trường hợp ngoại lệ.

Điều này nghệ sĩ Đào đã dự liệu trước và đã từng đề xuất với lãnh đạo liên đoàn là cho Hê-li về vườn thú. Thế nhưng, được lãnh đạo liên đoàn truyền cho quyết tâm phải vượt khó, ông đã cố gắng biểu diễn cùng Hê-li thêm 8 năm nữa để rồi cuối cùng hứng chịu tai nạn.

“Không thể trách Hê-li được. Nó chỉ là con thú và đã đến lúc nó cần sống đúng bản năng. Có chăng là trách chính mình cứ cố nêu cao tinh thần vượt khó… Với những vụ tai nạn xảy ra với các nghệ sĩ khác cũng vậy, tất cả đều có nguyên do hoặc con người không tinh ý nhận ra hoặc do con người cố tình lờ đi để cuối cùng con thú phải phản kháng” - Nghệ sĩ Đức Đào chia sẻ.

Nghệ sĩ Thu Thủy kể rằng, bà đặt tên cho các bạn diễn của bà là: Tùng – Bách – Zan – Trốc – Min. Đấy là đàn sư tử bà đón tay từ lúc mới sinh ra. Ngày ngày bà chăm cho chúng từ bữa ăn cho đến giấc ngủ hơn cả bản thân mình.

Việc vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thơm tho bà cũng đảm tất. Khi đi biểu diễn lưu động, bà không bao giờ vào nghỉ trong khách sạn hay nhà nghỉ mà thú ở đâu bà ở đó. Đêm đêm nằm ngủ trong bạt giột hay trên chiếc võng được dựng, được mắc vội bên chuồng thú bà mới an tâm.

Vậy nhưng, chỉ có Tùng – Zan – Trốc – Min là theo bà đi biểu diễn khắp các tỉnh thành trong cả nước trong hơn 10 năm còn Bách bị ngã bệnh, ốm chết giữa chừng.

“Lúc Bách chết tôi đã khóc, khóc như mất một người bạn thân thiết. Cũng không hiểu vì sao nữa” – Vẫn mang bao niềm xúc động, nghệ sĩ Thu Thủy nói.

Khi Liên đoàn Xiếc không còn được bao cấp thì xiếc sư tử cũng bị giải thể (vì không đủ điều kiện chăm nuôi). Đàn sư tử do nghệ sĩ Thu Thủy huấn luyện được đưa về công viên Thủ Lệ.

Cũng từ đấy, dù định chuyển sang biểu diễn thú nhỏ nhưng cuối cùng nghệ sĩ Thu Thủy đã xin nghỉ mất sức, khi mới ngoài 30 tuổi. Những lúc rảnh, bà vẫn qua vườn thú để gặp những người bạn của mình…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ