Nghề xiếc ngày càng… khó sống

Nghề xiếc ngày càng… khó sống

Giữ lửa bằng tình yêu nghề

Xiếc từ lâu được coi là bộ môn nghệ thuật mà người nghệ sĩ phải dày công đổ nhiều mồ hôi nhất. Một vài tiết mục “đinh” chỉ biểu diễn trong vài chục phút có khi theo suốt cả cuộc đời người biểu diễn.

Nếu không có lòng kiên trì và nghị lực bền bỉ thì nghệ sĩ không thể chung thủy suốt đời với nghề xiếc được. Bên cạnh đó, tinh thần dũng cảm, ý chí khuất phục đỉnh cao nghệ thuật cũng là đòn bẩy để nâng tầm vóc của diễn viên xiếc.

Mặc dù trên sàn tập có đủ lưới, dây, cọc là dụng cụ “bảo hộ lao động” nghiêm ngặt nhưng chuyện “sứt đầu, mẻ trán” gần như là cơm bữa đối với anh em mới vào nghề.

Một lần tại sân khấu xiếc Công viên Gia Định, Q. Gò Vấp, nhiều người đã hoảng hồn và hét lên khi chứng kiến nữ nghệ sĩ H.T té từ độ cao 3 mét trong tiết mục đu dây bằng dải lụa khi biểu diễn. May thay nữ nghệ sĩ của đoàn xiếc Mặt Trời Đỏ chỉ ngất xỉu một lúc rồi sau đó đành phải bỏ buổi tập với đồng nghiệp.

Không chỉ ở trên cao ngay ở dưới mặt đất, những cú trượt, té ngã luôn rình rập các nghệ sĩ trong thời gian tập luyện hay chạy chương trình.

Khi nghe câu hỏi thắc mắc: “Nghề xiếc bán mạng cho nguy hiểm mà nhiều anh em vẫn đeo đuổi”? Nghệ sĩ Phi Sơn – Trưởng đoàn xiếc Bầu Trời Xanh đáp: “Khi chọn nghề, anh em coi đó là cái nghiệp và chấp nhận tất cả. Trong nghề này, vinh dự và gian nan ngang bằng nhau. Thế nhưng được biểu diễn là niềm vui lớn lao nhất của người nghệ sĩ”.

Rõ ràng niềm đam mê chính là chiếc chìa khóa vạn năng để người nghệ sĩ xiếc mở tung cánh cửa nghệ thuật, chấp nhận cuộc đời biểu diễn đầy cam go. Tình yêu nghệ thuật đã trở thành liều thuốc tinh thần giúp họ vượt qua tất cả, chấp nhận sống chung với những rủi ro mà ai cũng có thể tiên liệu trước.

Trong bối cảnh chung các phương tiện giải trí từ CNTT hiện đại lấn lướt, hầu hết các bộ môn nghệ thuật khác đành phải “tự thân vận động” để tìm chỗ đứng trong nhu cầu thưởng thức và giải trí của khán giả. Tuy nhiên so với ca nhạc, kịch, sân khấu, con đường đi của xiếc trắc trở và gập ghềnh hơn nhiều.

Xiếc là môn nghệ thuật đòi hỏi nhiều yếu tố phức tạp, như phải có sân khấu tròn, âm thanh, ánh sáng chỉn chu mực thước, đặc biệt phải có bảo hiểm cho người nghệ sĩ khi thực hiện những động tác nguy hiểm.

Trước đây, nhìn các bộ môn nghệ thuật khác như ca nhạc, múa, kịch tách nhóm đi lưu diễn nhiều nơi để giữ nghề, anh em trong đoàn xiếc đều thèm thuồng. Tuy nhiên với yêu cầu của bộ môn đặc thù, xiếc không thể “đồng bộ hóa” như thế được.

Tìm kế mưu sinh

Được biểu diễn là niềm vui lớn lao của nghệ sĩ xiếc.
Được biểu diễn là niềm vui lớn lao của nghệ sĩ xiếc. 

Xiếc không bao giờ chấp nhận sân khấu bình dân và đơn giản hóa. Những yếu tố mạo hiểm khi trình diễn là nét riêng của nghệ thuật này. Nhà thi đấu, nhà văn hóa, sân trường học không phải là địa điểm lý tưởng cho sân khấu xiếc.

Đây chính là bài toán không có lời giải cho lối thoát của nghệ thuật xiếc trong thời kỳ sân khấu lớn ế ẩm hàng đêm. Cái khó ló cái khôn, nhiều nhóm xiếc đã tự “ra riêng” để mưu sinh theo kiểu lấy ngắn nuôi dài. Đây là tình trạng có nhiều nhóm xiếc dân lập về các miền quê hẻo lánh, đến các địa bàn dân cư nhỏ lẻ để biểu diễn.

Thay vì quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thống, họ lại thuê nhân viên mặc áo hề xiếc chạy xe máy vòng vòng để phát rải tờ rơi tận tay người dân. Sân khấu chủ yếu là nhà văn hóa, nhà thi đấu các quận, huyện với các tiết mục đơn giản như đi xe đạp một bánh, ảo thuật, xiếc thú, uốn dẻo, thăng bằng trên thang. Các tiết mục ở độ cao hoặc cần một sân khấu tròn thì đành cất lại ở nhà.

Tại Nhà văn hóa Phụ nữ, Q.7, TPHCM, để có tiết mục thiếu nữ đi trên dây, đoàn xiếc M. đã giăng dây một cách sơ sài giữa hàng ghế đầu của khán giả mà không hề có bảo hiểm. Sau tiết mục xiếc trăn, xiếc cá sấu khán giả tràn lên xem trong đó có cả trẻ em rất nguy hiểm.

Những buổi biểu diễn đánh lẻ này, các nghệ sĩ xiếc phải vào hai vai, không chỉ biểu diễn trên sân khấu, mà còn phải làm nhân viên phục trang, đạo cụ, dựng sân khấu, bán vé và cả bán... đồ ăn.

Sau mỗi tiết mục biểu diễn, một vài nghệ sĩ nữ để nguyên trang phục xiếc ra phía bên hông sân khấu bán nước ngọt, bán cá viên chiên, mỳ xào... như người bán hàng rong ngoài chợ. Nữ nghệ sĩ M. B chia sẻ: “Ban đầu cũng hơi e ngại nhưng sau quen dần. Có như vậy mới được đi biểu diễn, chứ ở nhà nằm một chỗ chán lắm”.

Theo chị, đây cũng là cách giữ lửa nghề cho xiếc. Tuy nhiên, gần đây cách làm này đang bị khán giả xa lánh vì bị nhiều “gánh xiếc rong” mạo danh, lừa đảo lấn lướt.

Theo tâm sự của các nghệ sĩ, do lỡ “kết duyên” nhiều năm với xiếc nên chuyện chia tay với bộ môn nghệ thuật này không hề đơn giản. Đó là một quá trình đào tạo lâu dài từ lúc tuổi vị thành niên mà không phải lúc nào cũng được gia đình chấp thuận ngay từ đầu.

Nghệ sĩ Vương T. phải lấy vợ cùng nghề ở trong đoàn vì các cô gái khác từng quen trước đó không muốn chồng mình làm nghề xiếc(!). Nghệ sĩ xiếc rõ ràng là những người phải chịu thiệt thòi theo cấp số cộng so với các bộ môn khác.

Gần đây, nghệ thuật xiếc tại TPHCM đã có nhiều tín hiệu vui khi sân khấu xiếc Công viên Gia Định đã được nâng cấp với kinh phí hàng chục tỷ đồng để phục vụ tốt hơn cho khán giả. Một rạp xiếc mới tại sân vận động Phú Thọ đã được khởi công, dự kiến năm 2025 có thể đi vào hoạt động để anh em có một “ngôi nhà chung” trổ tài.

Xiếc là loại hình nghệ thuật đồng nghĩa với sức lao động vất vả và đầy rủi ro của người nghệ sĩ. Sự tỏa sáng của nghệ sĩ xiếc là bằng chứng cao đẹp của lòng dũng cảm và sự kiên trì. Đó còn là khát khao của người biểu diễn muốn quảng bá rộng rãi nét đẹp của xiếc tới công chúng thưởng ngoạn. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.