Qua đó góp phần vừa tuyên truyền, vừa chứa đựng những tình cảm thiết tha sâu lắng gửi người chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch để “hò dô” tống tiễn... Covid-19.
Từ xẩm... “chanh chua”
“A á a à, lệnh truyền hỏa tốc/ thời hỡi các cấp hãy mau mau/ giặc Corona đã đến nước Nam thì phải diệt cho bằng hết/ Phải diệt cho hết virus Corona, chặn không cho chúng nó lan/ kẻo toang đất này...”.
Đấy là những câu hát xẩm sai nghe giống như... văn tế hòa trong tiếng kèn, tiếng nhị, tiếng trống, tiếng phách được Nhóm xẩm Hà Thành xướng lên trong MV “Tiêu diệt Corona”.
Chẳng có chút gì phải kiêng dè, hay nao núng, là người hát lời xướng đầu, nghệ sĩ Văn Phương gọi Corona là “cái chị sồn sồn” rồi cùng dàn đế “chanh chua” xua đuổi: “Corona - xa ta ra...”.
Trong khi đó, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa hát lời xướng 2 đi theo dòng riêng – dòng tuyên truyền với đủ những thông tin phòng dịch, từ rửa tay thế nào, giãn cách xã hội ra sao, nghiêm túc khai báo y tế... thế mà nghe vẫn tưng tửng kiểu... xẩm.
Những câu, từ đang “thịnh hành” trong cộng đồng – nhất là giới trẻ như: “Toang”, “vãi”, “sồn sồn”, “Corona xa ta ra...” được tác giả Quang Long bắt “trend” vào bài hát vừa hợp thời vừa khiến đem đến cho bài xẩm những sắc màu trẻ trung nên thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng khi MV đạt tới hàng chục nghìn lượt thưởng thức.
Bên cạnh MV “Tiêu diệt
Corona” rất “chanh chua” của nhóm Xẩm Hà Thành, nghệ sĩ Duy chèo cũng soạn cho mình bài xẩm “Chung tay phòng chống Covy” với những câu hát rộn ràng đếm một, hai, ba... để dặn dò người dân “những việc làm ngay” phòng chống dịch theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế.
Tốp nữ của Nhà hát Chèo Hải Dương thì hát điệu xẩm xoan “Bài ca chống dịch nCoVy” do soạn giả Mai Văn Lạng soạn lời cũng đầy vui tươi, rộn rã...
Đến rưng rưng câu hát tri ân
“Con ơi đóng cửa cài then/ Đêm khuya leo lắt ánh đèn trong mưa/ Giờ này con ngủ hay chưa?/ Mẹ trong bệnh viện bố nơi chiến hào...”. Nghe những câu hát trong bài “Ngủ đi con, mẹ chưa về vì Covid” (Thích Tiến Kiên soạn lời theo làn điệu chèo cổ) được nghệ sĩ Minh Duy thể hiện hẳn rằng không ít người sẽ rưng rưng.
Giữa làn điệu chèo mượt mà được cất lên bằng giọng hát thiết tha, hình ảnh người mẹ cũng là người chiến sĩ áo trắng đang xông pha nơi tuyến đầu chống dịch sao mà mạnh mẽ, kiên trung.
Nối tiếp đó, nghệ sĩ Nhật Hoa cất lời hát theo làn điệu chèo cổ luyện năm cung để tiếp tục ngợi ca các y, bác sĩ trong “Khúc hát tặng người chiến binh áo blouse trắng” do NSND Trương Hải Thọ soạn lời. Hay NSƯT Ngọc Sơn bổng trầm trong câu hát văn gửi tới những người lính áo xanh trong bài hát văn “Tự hào người lính cụ Hồ”, soạn lời: Trần Quang Đẩu.
Đặc biệt, làng chèo Thái Bình không chỉ có bài hát chèo: “Chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid” (Trương Công Đỉnh soạn lời theo làn điệu đào liễu) mà còn dựng ca cảnh “Chống dịch như chống giặc” (tác giả Hồng Vân) được các nữ sinh đang sinh hoạt tại CLB Chèo của Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh Thái Bình thể hiện.
Khi ấy, những làn điệu chèo cổ xẩm xoan, cách cú, ngũ phúc được soạn lời mới đã khuyên toàn dân đủ chuyện như: Không được tụ tập đông người, rửa tay thường xuyên... thật sinh động, truyền đến cho người xem tinh thần phơi phới chống dịch.
Theo nghệ sĩ Hằng Nga, Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh Thái Bình, lúc dạy và thu thanh ca cảnh rất thuận lợi vì dịch chưa bùng phát nhưng khi ghi hình gặp rất nhiều khó khăn – vào thời điểm “Ai ở đâu, ở yên đó”. Thế nhưng bằng quyết tâm, sự hào hứng muốn góp một chút nhỏ để tuyên truyền cho người dân đặc biệt là các bạn thanh thiếu niên chống dịch, mỗi “nghệ sĩ” ai ở nhà nấy, tự biên, tự diễn và cả tự... ghi hình.
Cùng với nghệ sĩ chèo, nghệ sĩ cải lương cũng đưa khán giả bước vào biết bao cung bậc cảm xúc khi nghe những câu vọng cổ... tỏ lời tri ân đến người chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch.
“Tình riêng gác lại em ơi/ Để anh giữ trọn tình người lương y/ Giờ chia tay anh phải cách ly để ngày thắng dịch anh lại về bên em.../ Em hãy vững niềm tin ngày mai Việt Nam chiến thắng/ Những lời anh hòa tiếng lòng em đó, kìa ánh dương soi đang ló rạng phía chân trời...” – NSƯT Hoàng Tùng và nghệ sĩ Xuân Hồng đã ca bài tân cổ “Thiên thần áo trắng” của soạn giả Lê Thế Song bằng cả lòng mến yêu, cảm phục và tri ân với các y, bác sĩ đang ngày đêm gác tình riêng để bước vào chống dịch như thế.
Trong khi đó, nghệ sĩ Hoàng Việt Trang soạn và thể hiện liên khúc chống dịch Covid theo điệu vọng kim lang. Có lẽ, sau ngại ngần khi nghe những chuyện đổi trao lợi danh, chuyện câu view, chuyện tích khẩu trang đầu cơ... được nhắc đến trong câu ca thì khán giả lại bùi ngùi bởi lời nhắn nhủ: “Nguy biến nào thử thách nào chung sức đồng lòng toàn dân đẩy lùi/ Để em thơ đến trường tiếng cười rộn vang...”.
Cứ sâu lắng và rộn ràng như thế, xẩm, chèo, cải lương cùng “hò dô” tống tiễn... Covid-19 theo cách của riêng mình. Cũng thật ngạc nhiên khi những làn điệu xẩm, chèo hay cải lương tưởng rất cổ, rất xưa ấy khi được đặt lời mới vẫn luôn tươi mới, tạo hiệu ứng lan tỏa vừa dễ nhớ, dễ hiểu và luôn luôn dí dỏm như thế.
Không riêng gì xẩm, chèo, cải lương, nhiều loại hình âm nhạc dân gian khác cũng tham gia soạn lời mới chống dịch Covid-19 rất mạnh mẽ. Nghệ sĩ đàn tính Xuân Hữu đã đặt lời theo điệu hát Then thành “Lời Then chống dịch Covid”, cộng đồng những người yêu hát văn thì viết 10 lời khuyên phòng dịch, bạn nhỏ Bảo Châu (lớp 3A Trường Tiểu học Thanh Lương – Hà Nội) cũng soạn lời mới chống dịch Covid-19 cho hai bài quan họ “Mười nhớ” và “Cây trúc xinh”...
Ngay cả nghệ sĩ Kyo York cũng chuyển thể bài dân ca Bắc Bộ “Trống cơm” thành “Trống cơm chống dịch Covid-19” cả tiếng Việt và tiếng Anh. “Như Bác Hồ đã dạy, mỗi văn nghệ sĩ như những người chiến sĩ. Vậy nên trước đại dịch Covid-19, chúng tôi cũng cần chung tay đẩy lùi dịch bệnh qua những lời ca, tiếng hát để cổ vũ cộng đồng cùng có trách nhiệm, tình yêu thương để thắp sáng niềm tin chiến thắng” – soạn giả Mai Văn Lạng nói.