Thế nhưng, mấy năm nay Trần Lê Khánh lại khiến người yêu thơ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi liên tiếp xuất bản các tập thơ dày dặn, để lại dấu ấn riêng.
Tìm những mối giao cảm
Trần Lê Khánh sinh năm 1971, quê Kim Bôi, Hòa Bình nhưng sống và làm việc tại TPHCM. Ba năm qua, anh đã ra mắt nhiều tập thơ, như “Lục bát múa” (2016), “Dòng sông không vội” (2017), “Ngày như chiếc lá” (2018), “Lục bát múa trọn bộ” (2018), “Giọt nắng tràn ly” (2019) và dự kiến sẽ xuất bản trong năm 2020 tập thơ “Xứ”.
Ngoài ra, một tuyển tập thơ với tên gọi là “Sự bắt đầu của nước” đã được dịch sang tiếng Anh và dự định xuất bản tại Mỹ.
Trần Lê Khánh chú trọng vào thơ lục bát và thơ ngắn. Tập thơ “Lục bát múa trọn bộ” là 756 cặp thơ lục bát hai câu, mỗi cặp được xem như một bài thơ ngắn và được kết với nhau thành một trường ca. Về thơ ngắn, tới nay, Trần Lê Khánh đã làm hàng trăm bài khác nhau và đã được chọn lọc để xuất bản.
Trần Lê Khánh quan niệm: “Một bài thơ thì tựa chiếm 50% quyết định cái hay dở. Mỗi lần làm thơ xong tôi có quy luật 90 - 10, tức là 90% bài thơ có thể chỉ làm trong vài phút khi ý tưởng xuất hiện, nhưng 10% có thể mất 1 tháng để đặt tựa bài thơ, nhìn lại câu chữ, cân nhắc chỉnh sửa”.
Xuất thân từ nhà kinh tế học rồi gắn vào nghiệp thơ ca, nhiều người đặt câu hỏi, anh thích mọi người gọi mình với danh xưng gì, một nhà thơ giỏi hay một người làm kinh tế tốt? Trần Lê Khánh chia sẻ: “Tôi chỉ muốn những bài thơ khi viết ra có sự đồng cảm và có những tri kỷ. Qua đó, mình có thể tìm thấy những mối giao cảm, tương tác.
Cái lớn nhất là cảm xúc, tâm thức của mình khi mình còn ngồi viết, còn sáng tác được. Bao nhiêu cái danh xưng, bao nhiêu tên gọi cũng không thể nào đánh đổi được”.
Một giọng thơ 7X xuất sắc
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, thơ Trần Lê Khánh có nhiều điều mới mẻ và mang tới “một tinh thần khác, một tư duy khác”. “Thơ của Trần Lê Khánh là kết tinh của tính chính xác ngôn từ, sự độc đáo của hình ảnh, tính đa tầng của cảm xúc, độ sâu thẳm của tinh thần phương Đông...
Mỗi bài thơ của Trần Lê Khánh luôn chứa trong nó một bài thơ khác và cứ thế mở ra và mở ra mãi”.
Có lẽ sự thú vị này đã thôi thúc nhà thơ kiêm họa sĩ Nguyễn Quang Thiều ngồi xuống, lấy bút, toan vẽ ra những bức tranh phụ bản in rất độc đáo, mà ý tứ nảy ra khi đọc thơ Trần Lê Khánh.
Một văn bản khác - văn bản hội họa qua con mắt của Nguyễn Quang Thiều đã in trong tập thơ “Giọt nước tràn ly” của Trần Lê Khánh vừa ra mắt khiến người ta thấy thơ và họa có sự đồng điệu, hay nói cách khác, Trần Lê Khánh đã tìm thấy tri kỷ.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thừa nhận: “Tôi luôn nghĩ đến những bài thơ của Trần Lê Khánh với vẻ đẹp, sự tĩnh lặng, sự bí ẩn và chiều kích vô tận của những hạt cây.
Mỗi bài thơ của Trần Lê Khánh tinh kết tựa một cái hạt cây. Đó là sự chặt chẽ của bố cục, tính chính xác của hình ảnh, phép tối giản của ngôn từ, sự nén chặt của cảm xúc… Và luôn chứa trong đó một cái phôi mầm triết lý. Trong mỗi “hạt cây thơ” ấy là toàn bộ hình ảnh, vẻ đẹp và sự sống của cái cây.
Sự gợi mở, sức lan tỏa và sự bùng nổ cảm xúc cùng tính đa tầng triết lý của những bài thơ ấy lại đi theo cách mở cánh của bông hoa mà vẻ đẹp và hương thơm của nó là phi biên giới…”.
Nói về sự khác biệt trong cách làm thơ của từng thế hệ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thừa nhận: “Trần Lê Khánh có cách nhìn khác chúng tôi, nhưng chúng tôi tôn trọng cách nhìn đó, cách nhìn của tương lai thì thuộc về tương lai. Mỗi thế hệ nhà thơ sẽ mang ngôn ngữ, tư cách, thái độ, nỗi giày vò, cơn mơ... của thế hệ đó".
Trong khi đó, nhà thơ - nhà phê bình Nguyễn Việt Chiến cho rằng, chỉ có những nhà thơ giàu phẩm chất thi sĩ mới mang lại cho thơ lục bát một trường mỹ cảm mới...
“Những nhà thơ trẻ gần đây tôi đặc biệt thấy sự xuất hiện của Việt Anh - nhà thơ khiếm thị lấy thơ lục bát cứu rỗi đời sống tinh thần của mình và Miên Di, Nguyễn Tuấn, Nguyễn Thùy Linh, Trần Lê Khánh...
Có thể nói, họ tìm thấy thi điệu mới, nhạc cảm mới, thi ngôn mới, thi tứ mới, thi ảnh mới, thi hình mới trong thơ lục bát hôm nay. “Ở Trần Lê Khánh với những câu thơ: Chiều nay con phố tàng hình/ Em phun sương khói nghi binh quỷ thần/Vòng tròn ai vẽ vô tâm... Ở đó ta thấy hơi thơ đương đại nhưng mượn vỏ lục bát trữ tình để làm nên một Trần Lê Khánh.
Tôi muốn nói với Trần Lê Khánh: Thơ tự do, thơ ngắn của bạn mới làm nên cái đổi mới. Đến thơ tự do, chúng ta mới thấy Trần Lê Khánh hiện lên với tất cả những chiều kích mới của suy tưởng, mang tâm thức lớn của thời đại, mang đời sống đổi mới về thi ca đương đại hôm nay” - nhà thơ Việt Chiến nhấn mạnh.
Còn nhà thơ - nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn chia sẻ: “Trần Lê Khánh là gương mặt xuất sắc trong thế hệ chúng tôi - thế hệ 7X tại Sài Gòn”.
Anh kể, cách đây 3 năm, Trần Lê Khánh có tặng tập thơ và khi đọc anh rất nhớ hai câu thơ: Người đi bỏ lại bầu trời/Ai đem kim chỉ khâu lời gió bay.
“Tôi nói với Trần Lê Khánh chỉ với hai câu thơ này tôi thấy anh là một nhà thơ rồi. Nhưng tôi cũng nói anh là người thông minh và đừng để những câu thơ lục bát kìm hãm, hãy để cho nó tự do thể hiện suy nghĩ, khả năng, sức tưởng tượng của anh. Anh chuyển sang làm thơ ngắn và tôi không thất vọng khi đọc...” - nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nói.
Là người dịch thơ Trần Lê Khánh sang tiếng Anh, nhà thơ người Mỹ Bruce Weigl cho biết: “...Thơ Trần Lê Khánh không thuộc một thể loại nào đã có trước đây. Thế nhưng, người ta lại rất dễ dàng thấy được các vẻ đẹp tầng tầng lớp lớp trong đó, và đặc biệt là cách mà kiểu thơ này dạy cho ta thưởng thức hết được các vẻ đẹp đó.
Sức mạnh của trí tưởng tượng cộng với các ngữ cảnh kịch tính buộc người đọc bước vào thế giới suy tưởng riêng biệt tuỳ theo tâm thức của mỗi người. Và, khi tôi dịch sang tiếng Anh, rất nhanh tôi đã nhận ra rằng thơ anh hoàn toàn phi truyền thống dù đó là truyền thống của Đông hay Tây và hoàn toàn phi giáo điều…”.