Vận động viên sinh năm 2005 đã tiến bộ vượt bậc để trở thành nhân tố quan trọng của đội tuyển bơi quốc gia, sẵn sàng gánh vác trọng trách huy chương từ “tiểu tiên cá” Nguyễn Thị Ánh Viên để lại.
Nhiều lần đánh bại… Ánh Viên
Trong khoảng 2 năm gần đây, Phạm Thị Vân là phát hiện lớn nhất của làng bơi Việt Nam. Cô gái xinh xắn quê Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đã khiến cho đối thủ, các nhà chuyên môn đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Trên hành trình đó, từ gương mặt mang tính hiện tượng, Vân đã trở thành vận động viên được ngành Thể thao đầu tư trọng điểm cho SEA Games 31, đặc biệt là ASIAD 2022 diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc). Đáng chú ý, trong 3 giải đấu liên tiếp trong thời gian qua, Phạm Thị Vân đánh bại “cô gái thép” Ánh Viên đến 4 lần.
Năm 2020 đánh dấu bước ngoặt quan trọng về chuyên môn của cô gái mới 15 tuổi. Lần đầu tiên, kình ngư trẻ sinh năm 2005 đã đánh bại tượng đài Ánh Viên ở giải Bơi lặn vô địch quốc gia, nội dung 50m bướm.
Đáng chú ý, tại giải đấu này, một mình Phạm Thị Vân đã giành cả 5 huy chương cho đoàn Thanh Hóa, gồm 1 Huy chương Vàng 50m bướm; 3 Huy chương Bạc ở các nội dung 100m bơi tự do, 50m bơi tự do, 50m bơi ngửa và Huy chương Đồng ở nội dung 100m bơi ngửa.
Cũng trong năm 2020, cô gái 15 tuổi người xứ Thanh còn lập kỷ lục giành 7 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng tại Giải trẻ vô địch quốc gia, giúp đoàn Thanh Hóa xếp thứ 3 toàn đoàn.
Thành tích của Phạm Thị Vân được xem là một kỳ tích đầy ấn tượng mà trước đây chưa có vận động viên nào của Thanh Hóa giành được tại Giải trẻ vô địch quốc gia. Vào tháng 6/2020, Vân còn giành 6 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc, phá 2 kỷ lục quốc gia lứa tuổi 14 - 15 tại giải vô địch bơi - lặn các nhóm tuổi quốc gia.
Điều đặc biệt, Phạm Thị Vân sau đó đã chứng tỏ, cú bứt phá đánh bại Ánh Viên của cô tại giải vô địch quốc gia năm 2020 không phải là “ăn may”, hay mang tính thời điểm. Vận động viên bước sang năm 2021 tiếp tục lặp lại thành tích ấn tượng. Tại giải Bơi bể 25m vô địch quốc gia hồi tháng 4/2021 tại Huế, Phạm Thị Vân 2 lần khiến Ánh Viên ngậm ngùi về nhì ở các nội dung 50m tự do và 50m ếch.
Vân là người duy nhất đánh bại Ánh Viên ở giải đấu này tại các nội dung cá nhân. Và thống kê quen thuộc lặp lại, Vân là gương mặt giành cả 2 Huy chương Vàng (50m bơi ếch và 50m bơi tự do) và 4 Huy chương Bạc (100m bơi ngửa, 100m bơi tự do, 50m bơi bướm và 50m bơi ngửa) cho đội bơi Thanh Hóa.
Đến cuối năm 2021, tại giải Bơi vô địch quốc gia tại Đà Nẵng, cô gái trẻ quê Thanh Hóa một lần nữa khiến Ánh Viên “khóc hận” trên đường đua 50m tự do nữ. Ở nội dung này, kình ngư đoàn Quân đội về nhì với thông số 26 giây 54 (26.54), kém đàn em Phạm Thị Vân 0,10 giây (26.44).
Và theo thống kê, một lần nữa, vận động viên sinh năm 2005 đã gánh cả huy chương cho xứ Thanh, với thành tích 2 Huy chương Vàng (50m bơi tự do và 50m bơi bướm), 2 Huy chương Bạc (50m bơi ếch và 100m bơi tự do) và 2 Huy chương Đồng (50m bơi ngửa và 200m bơi ngửa).
Phạm Thị Vân lớn lên ở huyện miền núi Ngọc Lặc, nơi sản sinh ra nhiều nhân tài cho thể thao nước nhà như anh em nhà Quách Thị Lan, Quách Công Lịch hay anh em thủ môn Bùi Tiến Dũng, Bùi Tiến Dụng.
Ông Trịnh Văn Sáng, Trưởng bộ môn bơi lội Thanh Hóa, cho biết: “Năm 2015, vào dịp tuyển sinh, chúng tôi lên Ngọc Lặc, đi đến các trường tiểu học để tìm kiếm vận động viên. Khi thấy Vân, chúng tôi liền ưng ý bởi thể hình của cháu rất phù hợp với môn bơi. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, nhiều cháu có thể hình đẹp, phù hợp môn bơi nhưng gia đình không cho đi vì suy nghĩ con em mình còn bé lắm. Lúc đó, bố mẹ Vân không cho đi vì còn nhỏ quá”.
Với quan điểm xuyên suốt không bỏ sót nhân tài, những người làm thể thao Thanh Hóa đã tìm nhiều cách để thuyết phục gia đình Phạm Thị Vân. “Ở Ngọc Lặc có nhiều em theo nghiệp thể thao nên chúng tôi dùng đó để thuyết phục.
Chúng tôi đưa phụ huynh xuống ăn, ở sinh hoạt chung cùng các cháu. Sau đó, các cháu nếu có nguyện vọng ở lại thì ở lại. Trong những ngày đầu tiên, các huấn luyện viên phải sắm vai vừa là thầy, vừa là bảo mẫu; dạy bảo từ những việc nhỏ nhặt nhất như sử dụng nhà vệ sinh, giặt quần áo ra sao…”, ông Sáng chia sẻ.
Trọng trách trên vai kình ngư trẻ
Vượt qua những khó khăn ban đầu, và với tố chất sẵn có cùng sự đam mê, Phạm Thị Vân thăng tiến chóng mặt. Năm 2015 mới chập chững làm quen với môn bơi, nhưng đúng 1 năm sau, Vân bắt đầu bước ra tranh tài và giành… huy chương.
Giống như đàn chị Ánh Viên, kình ngư sinh năm 2005 tham dự các giải trẻ, cứ xuống nước là có Huy chương Vàng. Mỗi giải đấu, vận động viên quê Thanh Hóa giành từ 3 - 4 hoặc 7 Huy chương Vàng. Đến năm 2019, Vân giành 3 Huy chương Vàng ở giải Bơi vô địch quốc gia, song giải đấu lần này, không có Ánh Viên tham dự.
Những tấm huy chương từ giải trẻ cho đến giải vô địch quốc gia, đặc biệt là 4 lần đánh bại Ánh Viên đã giúp Phạm Thị Vân “mở toang” cánh cửa các đội tuyển quốc gia. Trong lần đầu tham dự giải vô địch bơi các nhóm tuổi Đông Nam Á năm 2018, Phạm Thị Vân đã xuất sắc giành được 1 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc, góp công lớn vào vị trí nhất toàn đoàn của đội tuyển Việt Nam.
Và chỉ 2 năm sau, kình ngư trẻ quê Thanh Hóa chính thức trở thành thành viên của đội tuyển bơi quốc gia, nằm trong nhóm những tài năng trẻ được đầu tư trọng điểm.
Mặc dù vậy, nữ tuyển thủ bơi số 1 Việt Nam Ánh Viên đã được chấp nhận nguyện vọng xin rời đội tuyển quốc gia để toàn tâm tập luyện tại đơn vị chủ quản Quân đội và đội tuyển bơi Việt Nam phải chuẩn bị phương án thay thế, trong đó có phần trọng trách được trao cho Phạm Thị Vân.
Không chỉ là số lượng huy chương, trong lịch sử, Ánh Viên đang là tuyển thủ duy nhất của bơi nữ Việt Nam giành được Huy chương Vàng trong các kỳ SEA Games. Áp lực tâm lý không hề nhỏ đang bủa vây vận động viên trẻ xứ Thanh.
Trưởng bộ môn bơi lội Thanh Hóa, ông Trịnh Văn Sáng, cho biết thêm: “Vân có sức nhanh mà sức nhanh chỉ di truyền mới có. Tập luyện cũng có nhưng sức nhanh chủ yếu từ bẩm sinh. Sức mạnh, khả năng mềm dẻo, sức bền thì phải tập luyện mới có.
Mục tiêu trước mắt của chúng tôi là tập trung để Vân tham dự SEA Games 31 ở Việt Nam. Nếu đúng với các thông số mà Vân từng đạt được, cháu có thể tranh chấp huy chương. Tuy nhiên, Vân còn trẻ, thiếu kinh nghiệm, cọ xát ít, bản lĩnh thi đấu hơi thiếu”.
Phạm Thị Vân và Lê Thị Mỹ Thảo là 2 gương mặt nữ duy nhất trong nhóm 9 kình ngư của đội tuyển bơi Việt Nam tham dự chuyến tập huấn dài ngày ở Hungary, tháng 11/2021. Sau chuyến đi này, với Phạm Thị Vân, ban huấn luyện đội tuyển quốc gia nhận định tuyển thủ quê Thanh Hóa ở độ tuổi trẻ vẫn đang cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng để không bị ngợp tâm lý trước khi ra đấu giải quan trọng như SEA Games 31 hay giải quốc tế khác.
Ngoài ra, bài học về thất bại của Ngô Thị Ngọc Quỳnh, Nguyễn Diệp Phương Trâm từng được kỳ vọng đủ sức gánh trọng trách tranh huy chương quốc tế sau Ánh Viên vẫn còn đó.
Sau những cú vấp ở sân chơi châu lục và thế giới, bơi lội Việt Nam đã có những bài học quý giá, rút kinh nghiệm hướng tới những mục tiêu tiếp theo. Phát hiện tài năng là chuyện không khó, nhưng để phát triển và khơi dậy đỉnh điểm của tài năng là cả một sự kỳ công.
Nên việc tạo điều kiện cho những vận động viên tài năng phát triển tối đa năng lực là điều cần thiết trong việc hoạch định chiến lược của thể thao Việt Nam nói chung và bơi lội nói riêng trong thời gian tới.
Tại SEA Games 30, đội tuyển bơi lội Việt Nam từng giành 11 Huy chương Vàng, trong đó Ánh Viên đoạt 6 Huy chương Vàng. Đến SEA Games 31, không còn Ánh Viên nên áp lực thành tích lên đội tuyển bơi Việt Nam, trong đó có gương mặt 17 tuổi Phạm Thị Vân là rất lớn.