Kình ngư Ánh Viên chia tay đội tuyển quốc gia: Mặt trái của vinh quang

GD&TĐ - Kình ngư số 1 Việt Nam không còn muốn gắn bó với đường đua xanh là thông tin gây sốc nhất của thể thao Việt Nam trong những ngày đầu tháng 10.

Kình ngư Việt Nam nhận Huy chương Vàng tại SEA Games 2019.
Kình ngư Việt Nam nhận Huy chương Vàng tại SEA Games 2019.

Một lần nữa, đằng sau ánh hào quang rực rỡ của những chiếc huy chương còn có nhiều góc khuất mà ngay cả “cô gái thép” cũng không thể vượt qua.

Trăm dâu đổ đầu tằm

Ngày 1/10, Ánh Viên đã có đơn xin thôi tập trung đội tuyển bơi quốc gia dù đang trong quá trình tập luyện chuẩn bị cho SEA Games 31 vào tháng 5/2022. Lý do lần này nữ kình ngư sinh năm 1996 đưa ra là muốn hoàn thành xong chương trình tại Đại học TDTT TP Hồ Chí  Minh, có thời gian chăm lo cho cá nhân và gia đình mình.

Hiện, Tổng cục Thể dục Thể thao và ngành thể thao quân đội chưa thể tổ chức cuộc họp để trao đổi, giải quyết nguyện vọng của Ánh Viên. Hai bên tạm thời thống nhất để nữ vận động viên quê Cần Thơ có thời gian suy nghĩ lại.

Ngành thể thao quân đội cho biết quan điểm, sẽ động viên Ánh Viên tiếp tục tập luyện và thi đấu cho đội tuyển quốc gia ít nhất đến hết SEA Games 31.

Là người lính, đây là vinh dự và cũng là nhiệm vụ mà Ánh Viên được giao. Sau SEA Games 31, nếu rời đội tuyển Việt Nam thì cô có thể vẫn tiếp tục thi đấu trong màu áo của quân đội. Theo tìm hiểu, sau 8 năm cống hiến và giành nhiều thành tích thể thao về cho Tổ quốc và Quân đội, hiện Ánh Viên mang quân hàm Thiếu tá Quân nhân chuyên nghiệp, và được cho là người trẻ tuổi nhất có được vinh dự này.

Tuy nhiên, có thể thấy Ánh Viên đang phải đối mặt với giai đoạn khó khăn nhất trong sự nghiệp và cuộc đời.

Ở tuổi 25, kình ngư nữ số 1 Việt Nam tiếp tục rơi vào trạng thái tâm lý mất tự tin về việc không thể nâng cao thành tích và không còn động lực thi đấu. Đặc biệt, tại Olympic Tokyo vừa qua, Ánh Viên thi đấu ở nội dung 200m tự do, 800m tự do và kết quả thi đấu thua xa những gì kình ngư này đã đạt được trong quá khứ.

Ở nội dung 200m tự do, Ánh Viên đứng thứ 26/29. Còn ở đường bơi 800m tự do, Ánh Viên về cuối trong số 31 vận động viên tham dự.

Ánh Viên có thể sẽ tham dự SEA Games 31 tại Việt Nam.

 Ánh Viên có thể sẽ tham dự SEA Games 31 tại Việt Nam.

Trở về từ Nhật Bản, truyền thông và các nhà chuyên môn không chỉ trích Ánh Viên, song “tiểu tiên cá” luôn được nhắc đến như là “nạn nhân”, “nhân chứng sống” sinh động cho sự thất bại của chương trình đầu tư trọng điểm của thể thao Việt Nam. Trong đó, dù được tập huấn dài hạn ở nước ngoài để hướng tới các đấu trường lớn như ASIAD và Olympic, nhưng thông số chuyên môn của Ánh Viên lại thất thường, không có sự đột phá, thậm chí là đi xuống.

Vậy nên, dù muốn hay không, gần như tất cả các bài báo, ý kiến xoay quanh thành tích của thể thao Việt Nam tại Olympic 2020 đều được nhìn qua thất bại của Ánh Viên. Đó là thứ áp lực khủng khiếp đổ lên đầu cô gái mới bước sang tuổi 25 sau rất nhiều biến cố.

Vấn đề ở chỗ, ngành thể thao không hiểu vô tình hay cố ý, cũng luôn đặt thất bại của Ánh Viên ra “che chắn” cho mình, khỏa lấp đi những hạn chế trong vai trò của người quản lý, đồng thời né tránh trách nhiệm trong việc xây dựng kế hoạch và thực hiện.

Vô hình trung, Ánh Viên và thành tích kém cỏi của cá nhân cô ở những sân chơi lớn như ASIAD hay Olympic gần đây trở thành nguyên nhân chính cho những thất bại của thể thao Việt Nam. Trong khi đó, sau kỳ Olympic 2020 ngành thể thao cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại chiến lược phát triển.

Riêng với Ánh Viên, họ cần động viên và chia sẻ, thay vì để cô hứng chịu thêm những nỗi đau vốn âm ỉ trong nhiều năm qua.

Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, thực trạng đầu tư theo kiểu nửa vời và bệnh thành tích ở sân chơi khu vực ăn vào máu khiến chúng ta không thể cải thiện được thành tích ở ASIAD hay Olympic. Ánh Viên là trường hợp đặc biệt của thể thao Việt Nam, nhưng sự đầu tư không đúng định hướng khiến cho cô gái vàng cứ mãi ngụp lặn trong “ao làng”.

“Ánh Viên năm nay 25 tuổi (qua đỉnh cao). Trong nước, có những giải đấu cô phải tham gia tới 25 - 27 nội dung. Còn tại SEA Games, Ánh Viên cũng phải tham dự hơn 10 nội dung. Như vậy, chúng ta đang bị trải dài về thành tích chứ không biết cách tập trung cho Olympic” – ông Minh chia sẻ.

Những người trong cuộc tin rằng, nếu lãnh đạo ngành thể thao có sự đồng cảm, thấu hiểu tâm tư, tình cảm của Ánh Viên thì sẽ không có lá đơn xin chia tay đội tuyển quốc gia.

Khoảng 1 năm trước, Ánh Viên đã chia tay đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, sau khi nhận được sự động viên của lãnh đạo, Ánh Viên tiếp tục thi đấu cho đội tuyển bơi lội Việt Nam. Và lần này, Ánh Viên chia sẻ cô đã suy nghĩ về việc chia tay sự nghiệp thi đấu đỉnh cao rất lâu, chứ không phải bồng bột. Năm nay, cô đã 25 tuổi, độ tuổi không còn trẻ với một vận động viên bơi lội trong khi thành tích của mình lại đi xuống.

Điều quan trọng, cả gia đình Ánh Viên đều đứng sau ủng hộ quyết định của cô. Phát biểu với báo chí, ông Nguyễn Văn Tác, bố của Ánh Viên, cho biết, việc này cô có bàn với gia đình từ năm ngoái và cả nhà hoàn toàn ủng hộ.

“Viên đã thi đấu, cống hiến nhiều năm liền cho nền bơi lội nước nhà, đã đến lúc nên dừng lại để Nhà nước có thể đầu tư vào những vận động viên trẻ có tiềm năng hơn”, ông Tác chia sẻ.

Theo gia đình Ánh Viên, cô đã phục vụ cho ngành thể thao mười mấy năm, thời gian thi đấu đỉnh cao đã không còn nhiều nên gia đình hoàn toàn ủng hộ việc cô nghỉ thi đấu ở đội tuyển và chuyên tâm vào học tập.

Ánh Viên lần đầu được phong quân hàm Thượng úy năm 2013.

Ánh Viên lần đầu được phong quân hàm Thượng úy năm 2013.

Nỗi đau kéo dài

SEA Games 2011 được coi là bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của Ánh Viên. Với 2 Huy chương Bạc nội dung 100m ngửa và 400m hỗn hợp chính thức đưa cô gái mới 15 tuổi trở thành vận động viên được Tổng cục TDTT và ngành thể thao Quân đội đầu tư đặc biệt. Cô gái trẻ quê Cần Thơ và huấn luyện viên Đặng Anh Tuấn lên đường tập huấn dài ngày tại Mỹ, với sự kỳ vọng bơi lội Việt Nam sẽ có huy chương ở sân chơi châu lục, và tiếp cận thành tích bơi lội thế giới.

Mặc dù vậy, có rất nhiều vấn đề xung quanh chuyến tập huấn kỷ lục của Ánh Viên đã được chỉ ra nhưng không được những người có trách nhiệm giải quyết, hoặc thờ ơ bỏ qua một cách dễ dàng.

Ở vào độ tuổi mới lớn, với rất nhiều thay đổi về tâm sinh lý, cũng như nhu cầu tìm hiểu và khám phá cuộc sống xung quanh, song Ánh Viên luôn phải tuân thủ chế độ tập luyện hà khắc trên đất khách. Một tay huấn luyện viên Đặng Anh Tuấn lo “tất tần tật” cho cô gái trẻ, trong khi nhiều thứ của Ánh Viên cần bàn tay phụ nữ hơn.

7 năm tập huấn trên đất Mỹ, xen kẽ vẫn là những chuyến trở về Việt Nam thi đấu, chỉ có ông Tuấn chăm lo cho Ánh Viên. Cô gái trẻ người Cần Thơ luôn coi huấn luyện viên Đặng Anh Tuấn như người cha thứ 2.

Nhưng những vấn đề phát sinh cũng từ đây. Một mình ông Tuấn bên Ánh Viên giống như cảnh “gà trống nuôi con”. Dù cố gắng và yêu thương đến đâu thì ông Tuấn cũng không thể mang đến cuộc sống đủ đầy, ý nghĩa cho Ánh Viên.

Trong khi đó, những người có trách nhiệm dường như bỏ qua vấn đề tâm lý, những nhu cầu rất con người của Ánh Viên. Với họ, mối quan tâm chỉ là đếm huy chương, so sánh số huy chương của cô qua từng giải đấu.

Phòng trưng bày hàng trăm huy chương cũng như bằng khen của Ánh Viên.

Phòng trưng bày hàng trăm huy chương cũng như bằng khen của Ánh Viên.

Chính những đòi hỏi về thành tích, và lối sống một thầy một trò từ những năm đầu thiếu nữ trở thành nguyên nhân khiến Ánh Viên rơi vào trầm cảm, cô đơn trong sự vô tình của rất nhiều người.

Phải đến khi trước ASIAD 2018, trong lần trở về Việt Nam chuẩn bị tham dự đại hội, huấn luyện viên Đặng Anh Tuấn dường như phải tiết lộ thông tin rằng “có thời gian Ánh Viên bị trầm cảm” và ông từng phải cho cô dùng thuốc an thần mới có thể ngủ được.

Ánh Viên sau đó chia sẻ rằng, cô bị mất ngủ một thời gian dài vì áp lực thành tích. Và rồi kết quả thi đấu của Ánh Viên “rất tệ” khi được soi chiếu ở góc độ được đầu tư trọng điểm và kỷ lục, trong đó có cả Olympic 2020.

Câu chuyện “Ánh Viên trầm cảm” gây xôn xao làng thể thao cũng dần được hé mở. Theo đó, từ đầu năm 2018, huấn luyện viên Đặng Anh Tuấn bất ngờ xao nhãng huấn luyện và nhiều vấn đề khác của Ánh Viên trên đất Mỹ.

Ánh Viên đã trao đổi với ông Tuấn để trở về Việt Nam tập huấn, song ông này không đồng ý. Gánh nặng thành tích quá lớn, đặc biệt là các giải châu lục và thế giới, trong khi chế độ tập luyện khoán trắng cho ông Tuấn khiến cho Ánh Viên không thể bơi ra biển lớn, trong khi cô đã “chạm trần về chuyên môn”.

Và rồi sau những thông tin âm ỉ, đến sát Tết Nguyên đán 2020, vụ việc huấn luyện viên Đặng Anh Tuấn nợ nần nhiều người được bung ra. Ông Tuấn xin rút lui khỏi đội tuyển bơi Việt Nam và sang Mỹ định cư.

Không có “người cha thứ 2” bên cạnh và những gì diễn ra khiến cho Ánh Viên khủng hoảng. Trong cả năm 2020, cô muốn sang Mỹ tập huấn để lấy lại phong độ. Tuy nhiên, ngành thể thao và quân đội đã không thể đáp ứng được vấn đề này, một phần là do dịch Covid-19 kéo dài.

Ánh Viên từng chia sẻ rằng, sau SEA Games 30, cô có cảm giác những người có trách nhiệm đã xem kình ngư đất Cần Thơ hết thời và không muốn đầu tư sâu. Cách hành xử ấy khiến “tiểu tiên cá” tủi thân.

Bản thân Ánh Viên cũng xác định thể thao vốn khắc nghiệt. Khi có thành tích tốt, được đầu tư, nhưng khi sa sút thì việc không được đầu tư cũng là bình thường. Cô chấp nhận điều đó. Gần 2 năm qua cô không có huấn luyện viên và thành tích tiếp tục đi xuống.

Hơn một lần Ánh Viên xin rời đội tuyển quốc gia cũng vì góc khuất đó, những thứ hiếm khi được nhắc đến khi ánh hào quang còn tỏa sáng! 

Nguyễn Thị Ánh Viên được xem là tài năng hiếm có của thể thao Việt Nam. Đến nay, cô đã giành được hơn 150 huy chương ở các giải đấu trong nước và quốc tế. Trong đó, “cô gái vàng” của thể thao Việt Nam đã gặt hái tới 25 Huy chương Vàng SEA Games, 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng giải vô địch châu Á, 2 Huy chương Đồng ASIAD, 3 lần tham dự Olympic 2012, 2016 và 2020.
Ngoài ra, Ánh Viên từng giành Huy chương Vàng ở cự ly 200m hỗn hợp tại Olympic trẻ năm 2014, Huy chương Vàng 200m hỗn hợp Đại hội Thể thao Quân sự thế giới 2015 và Huy chương Bạc 400m hỗn hợp World Cup 2015 tại Moscow. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.