Khao khát tự do, sáng tạo

GD&TĐ - Bỏ việc “làm công ăn lương” để theo đuổi đam mê, sẵn sàng đối diện với thử thách, thậm chí cả thất bại để thực hiện ước mơ... Đó là vài nét phác họa về những người phụ nữ hiện đại chấp nhận thử thách bên ngoài công sở. 

Trần Thị Nhài trong một dự án giúp đỡ học sinh ở Việt Nam
Trần Thị Nhài trong một dự án giúp đỡ học sinh ở Việt Nam

Khi bạn tự do, nhiều thứ sẽ đến

Đó là câu Nguyễn Thị Nhài nói với tôi bên lề buổi đào tạo (training) cho các nữ quản lý trong khuôn khổ chương trình “Vietnam Digital 4.0” mà Nhài là trainer (một chương trình do Google tổ chức tại Việt Nam). Cô gây ngạc nhiên thú vị không chỉ bởi lối nói chuyện tự tin, tạo cảm giác phấn khởi cho người nghe khi chia sẻ kỹ năng mềm. Tôi biết, vài năm trước Nhài từng có chỗ làm khá “ổn” tại một tổ chức phi chính phủ. Vậy tại sao cô ấy rời công sở để thành một người làm việc “tự do” khi đã 32 tuổi?

Nhài say sưa bày tỏ quan điểm, chia sẻ về nhiều khía cạnh của cuộc sống công nghệ, truyền cảm hứng cho những phụ nữ đang hoạt động kinh doanh tự do, các nữ quản lý làm thế nào để có cuộc sống hạnh phúc hơn, dù đảm nhận rất nhiều vai trò: Làm mẹ, làm vợ, làm sếp... “Đúng là khi bạn “tự do”, nhiều thứ sẽ tự nhiên đến với bạn” - Nhài nói.

Trở thành thành viên của Chương trình “Vietnam Digital 4.0” của Google cũng là một cơ duyên của cô. Nhài kể, cô may mắn được gặp một thành viên trong “Vietnam Digital 4.0” trước khi trở thành một trainer của chương trình: “Sau một cuộc trò chuyện vô tình, họ thấy những kinh nghiệm tôi có được và quan điểm về giá trị tôi mong muốn chia sẻ cho cộng đồng hợp với vai trò trainer của nội dung “Women will” trong chương trình, thật hữu duyên, tôi đã trở thành trainer thuộc chương trình của Google từ năm 2018”.

“Quãng thời gian 8 năm làm việc cho tổ chức phi chính phủ đã đem lại cho tôi nhiều thay đổi về nhận thức. Tôi được tiếp xúc với nhiều người, từ lãnh đạo cấp cao, những nhân vật có sức ảnh hưởng, tới những người bình dị ở các tỉnh, thành phố, cả các em nhỏ trong nhiều trường tiểu học, THCS... Đứng sau các sự kiện lớn, nhỏ của tổ chức phi chính phủ, đến một thời điểm, tôi chợt nhận ra, mình phải làm một điều gì đó riêng, theo cách của mình” - Nhài mô tả bước ngoặt nghỉ việc của mình như thế.

Làm điều mình thích thật tuyệt

Nhài thốt lên với tôi như vậy. “Khi dừng lại một công việc yêu thích và gắn bó 8 năm, để dấn thân vào một việc hoàn toàn mới, do mình quyết định phần lớn hiệu quả đầu tư công sức và tiền bạc, quả thực không dễ, nhưng đó là ước mơ từ khi còn nhỏ về “tự do” làm điều mình thích”, Nhài chia sẻ.

Không chỉ quản lý công ty và trung tâm nha khoa, Nhài còn cố gắng tham gia các “group”, cộng đồng dành cho các nhà quản trị, tham gia khoá học CEO, gặp gỡ học hỏi các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quản trị.

Cùng với việc quản lý, làm trainer giúp Nhài có thêm nhiều kinh nghiệm và kiến thức, cô cho biết thấy hạnh phúc vì những chia sẻ của mình có ích với phụ nữ khác. “Chưa bao giờ tôi cảm thấy cuộc sống ý nghĩa và nhiều màu sắc như lúc này. Tôi thấm thía một điều: Hãy làm khi bạn có thể, bạn sẽ nhận được những điều tưởng chừng không thể”, Nhài chia sẻ.

Từ bán hàng online đến designer

Tôi được một người bạn sành thời trang đang công tác ở Bộ VH,TT&DL giới thiệu đến gặp designer Linh Nguyễn ở nơi trưng bày sản phẩm của cô trên phố Mai Hắc Đế (Hà Nội). Có lẽ tôi sẽ chẳng mấy ấn tượng nếu chỉ nhìn nhận đó là một nơi bán thời trang thiết kế, một kiểu kinh doanh đang nổi, khi mà ngày càng có nhiều người Việt ưa chuộng đồ thiết kế trong nước.

Tuy nhiên, ngắm dãy đồ bày biện không mấy “sang chảnh” của Linh Nguyễn, tôi không khỏi giật mình mức giá treo trên mỗi sản phẩm từ vài triệu đồng đến hơn chục triệu đồng. Giúp tôi ướm thử một món đồ giá “thường” nhất trong showroom, Linh Nguyễn gây ấn tượng về sự giản dị, như thể cô chỉ là một nhân viên bán hàng. Cô chỉ cách “mix” đồ như thế nào cho phù hợp, thậm chí nếu thích thiết kế của cô thì phải chỉnh sửa sao cho hợp dáng mà vẫn giữ “form” đẹp.

Thử độ kiên trì của Linh, đòi hỏi nếu mua một sản phẩm thì phải sửa thế này, chỉnh thế kia, Linh vẫn nhẹ nhàng, kiên trì tư vấn. Có dịp tiếp xúc với một số

designer của thương hiệu thời trang nổi tiếng ở Hà Nội, tuy nhiên, không phải ai cũng tất bật, say sưa với từng khách hàng, thậm chí đứng lên, ngồi xuống để chỉnh đồ, kéo khóa váy giúp khách - những công việc thường chỉ dành cho nhân viên bán hàng, như cô. Có thể, đấy chính là một trong những lý do từ một người đi làm thuê (bán hàng online) Linh Nguyễn đã gây dựng nên thương hiệu thời trang cho riêng mình như bây giờ.

“Công việc của Linh bận lắm, hết ở xưởng để trực tiếp vẽ mẫu, thiết kế, cắt may thử... rồi lại tiếp xúc khách hàng, lên đồ cho người nổi tiếng đi events” - Chị gái của designer Linh Nguyễn, đồng thời là người quản lý bán hàng, chia sẻ khi thấy khách ngạc nhiên bởi cách làm việc không hề “chảnh” của nhà thiết kế đang “thân thiết” với nhiều “sao”. Linh muốn trực tiếp tham gia tất cả các phần việc, bởi cô không yên tâm nếu không sâu sát. Khách hàng ngày càng kỹ càng, nếu không làm họ hài lòng sẽ khó trụ vững.

Từ một người mẫu, để có thu nhập và nuôi dưỡng ước mơ, Linh đã tự tạo bước ngoặt vô cùng táo bạo khi thành lập thương hiệu thời trang của riêng mình, giữa vô vàn những gương mặt

designer thành danh trên thị trường. “Nghề thiết kế thời trang không thể lặng lẽ như đi làm công sở. Nếu không cố gắng thể hiện năng lực của bản thân để khách hàng biết đến thì chẳng bao giờ thành công”, Linh chia sẻ.

Gia đình Linh Nguyễn chuyên nghề may quần áo từ thời ông nội và bố cô. Lúc còn thơ bé Linh đã được tiếp xúc với máy may, vải vóc, kim chỉ... điều đó giúp cô có một nền tảng để tìm hiểu nghề thiết kế thời trang sau này. Tuy nhiên, “nhà không có điều kiện, gia đình không có khả năng hỗ trợ ước mơ trở thành designer, vì thế tôi chấp nhận làm thuê, làm nhiều công việc trong một thời gian, mong thu nhận được những kinh nghiệm riêng. Tôi cũng đã từng thất bại nhiều lần rồi, để có hôm nay không hề là một con đường trải lụa...”, Linh kể.

Ngừng lao động, sáng tạo là ngừng tất cả

Trần Thị Nhài làm trainer
Trần Thị Nhài làm trainer 

Nhìn nhiều người nổi tiếng đến với Linh Nguyễn, tôi cảm nhận sự mạnh dạn của nhà thiết kế này. “Tôi luôn tự nhủ câu châm ngôn: Nếu muốn đi nhanh thì đi một mình, nếu muốn đi xa hãy đi cùng nhau...” - Linh nói. Theo Linh Nguyễn, để có thương hiệu bền vững trên thị trường không thể theo một khuôn mẫu có sẵn. “Người ta thường nói: “Ăn Bắc, mặc Nam”. Nhưng em lại muốn khẳng định tên tuổi và thương hiệu thời trang của mình ngay tại thị trường miền Bắc, trước khi Nam tiến mở rộng kinh doanh”, Linh tự tin.

Để có được thành công gần như từ “hai bàn tay trắng”, giờ đây Linh cho rằng sự nghiệp của một phụ nữ có xuất phát điểm không dễ dàng như cô phải cần cả một quá trình, phải đủ trải nghiệm. “Nhà thiết kế thành công nào cũng phải bước qua được gian nan. Nếu không đủ nhiệt huyết, không đủ đam mê, không tạo ra sự khác biệt thì rất khó được biết tới”, Linh chiêm nghiệm.

Chỉ với vỏn vẹn 30 triệu đồng vốn ban đầu, giờ đây Linh Nguyễn đã làm chủ thương hiệu thời trang được khá nhiều “sao” yêu thích. Mỗi cửa hàng mở ra phải chi phí tiền tỷ. Vốn tích cóp nhiều năm cộng với đi vay mượn, nhưng Linh tự tin và ít nhiều đã thành công theo cách của cô, khi chỉ sau khoảng một năm cô không còn nợ tiền mở cửa hàng nữa. Nhà thiết kế này vẫn kiên trì theo đuổi phong cách thiết kế và mục tiêu kinh doanh của mình. Dù ngoài kia, thương trường như chiến trường, nhiều designer nổi lên và không ít người chìm nghỉm tên tuổi sau một thời gian dày công đầu tư tiền bạc, tâm sức.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.