Khẳng định vị thế

GD&TĐ - Số liệu thống kê từ Bộ GD&ĐT cho thấy GD Đại học Việt Nam những năm gần đây có bước phát triển đột phá, trong đó, đặc biệt ấn tượng là chỉ số nghiên cứu khoa học và thăng hạng trên các bảng xếp hạng quốc tế.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo đó, số lượng các công trình công bố quốc tế liên tục tăng trong 5 năm qua. Nếu như năm 2015 chỉ có 4.159 bài báo khoa học được công bố trên hệ thống SCOPUS/ISI, đến năm 2019, tổng số công bố trên các hệ thống này đạt 12.307 bài.  Năm 2020, lần đầu tiên một tạp chí khoa học của Việt Nam được lọt vào danh sách 25% tạp chí khoa học uy tín nhất thế giới; công trình khoa học đăng trên các tạp chí nước ngoài đến nay tăng hơn 10 lần so với năm 2013.

Cũng trong năm 2020, lần đầu tiên 4 cơ sở GDĐH lọt tốp 1.000 đại học tốt nhất thế giới là: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Hai Đại học Quốc gia lọt tốp 101 - 150 của bảng xếp hạng thế giới các trường đại học trẻ tuổi (thành lập dưới 50 năm) có chất lượng giáo dục hàng đầu của Tổ chức xếp hạng đại học QS (Quacquarelli Symonds, Anh). Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lần đầu tiên và là đại diện duy nhất của Việt Nam xuất hiện ở tốp 200 của bảng xếp hạng các trường đại học trong “độ tuổi vàng”. Trong xếp hạng các đại học năm 2020 của Tổ chức Xếp hạng đại học thế giới theo thành tựu học thuật, Việt Nam có 11 nhóm ngành thuộc tốp 1.000 thế giới; nhiều ngành/nhóm ngành lọt vào tốp 500 thế giới. Trước đó, năm 2019, 7 cơ sở GDĐH Việt Nam cũng  có mặt trong bảng xếp hạng 505 đại học tốt nhất châu Á (QS Asia 2019) do QS công bố.

Để có được thành quả này, những năm qua, Đảng và Nhà nước có chủ trương đầu tư “vun cao” cho các trường đại học có tiềm lực, tiềm năng tốt. Bộ GD&ĐT cũng tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chính sách để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển cho các đại học hàng đầu. Đặc biệt, chính sách đẩy mạnh tự chủ đã giúp các trường được giao quyền nhiều hơn trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế; chủ động, linh hoạt hơn về tổ chức bộ máy, tuyển dụng nhân sự và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, kiện toàn Hội đồng trường theo hướng thực chất, thực quyền, từ đó có cơ hội để thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao vị thế trên thế giới. Bên cạnh đẩy mạnh tự chủ, Nhà nước vẫn luôn quan tâm đầu tư, hỗ trợ tạo điều kiện về chính sách, cơ sở vật chất cho một số cơ sở GDĐH để nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, đáp ứng sứ mệnh phục vụ cộng đồng, tăng cường hội nhập.

Việc các trường đại học Việt Nam với lịch sử phát triển non trẻ có mặt trong các bảng xếp hạng quốc tế và thăng hạng là những thành tựu rất đáng tự hào. Điều này cho thấy, GDĐH của Việt Nam đã tiếp cận những chuẩn mực của quốc tế, trong đó có 3 nội dung quan trọng: Đào tạo, nghiên cứu khoa học, đóng góp cho cộng đồng. Hoạt động tham gia xếp hạng đã mang đến nhiều lợi ích thiết thực khi cung cấp cho các bên liên quan những thông tin hữu ích để đánh giá chất lượng cũng như làm cơ sở cho việc cải tiến chất lượng. Tuy vậy, dù có nhiều trường đạt được thứ hạng cao nhưng số cơ sở GDĐH nước ta tham gia và có mặt trong các bảng xếp hạng uy tín quốc tế còn khiêm tốn, phần đông vẫn mạnh trường nào trường đó làm. Tỷ lệ cơ sở GDĐH, chương trình đào tạo chưa đạt kiểm định trong nước còn cao. Trên thực tế cũng đã xảy ra hiện tượng ‘đua”, “chạy” vào các bảng xếp hạng với mục tiêu thương mại, thiếu thực chất.

Trong bối cảnh thế giới cạnh tranh và thay đổi nhanh chóng, việc đẩy mạnh tham gia các bảng xếp hạng quốc tế là xu hướng của nhiều trường đại học trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Vì thế, song song với việc quan tâm phát triển chất lượng bền vững, cần thúc đẩy mạnh mẽ chương trình quốc gia về xếp hạng đại học một cách căn cơ, để hệ thống GDĐH nước nhà hội nhập và khẳng định vị thế một cách vững vàng hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.