Mới đây, chúng ta biết thêm rằng, toàn bộ hệ hành tinh TRAPPIST-1 là ổn định, tạo thành cấu hình tự nhiên và không bị tan rã. Trước đó, các nhà khoa học cho rằng, sau khoảng 1 triệu năm nữa các hành tinh trong hệ có thể rơi vào nhau và xảy ra thảm họa. Trong khi đó, các hành tinh hình thành từ khí, bụi và đá, trao đổi vật chất với nhau. Điều này cho thấy chúng rất tương thích với nhau.
Các nhà thiên văn học thấy rằng, chu kỳ quỹ đạo của ngoại hành tinh TRAPPIST-1h (cách ngôi sao chủ 9,66 triệu km) là 19 ngày đêm Trái đất. Họ cũng tính được bán kính của hành tinh này là bằng 0,752 bán kính Trái đất. Nó quay một vòng xung quanh trục chính hết 3,3 ngày đêm.
Mặc dù ngoại hành tinh TRAPPIST – 1h được biết đến với nhiều chi tiết nhưng nó không phải là đối tượng quan tâm chủ yếu của các nhà thiên văn học, bởi nó nằm ngoài khu vực có thể sống được (habitable zone), tức là hành tinh này không có khí quyển giàu oxy và không có nước ở dạng lỏng (do đó không có sự sống tồn tại trên hành tinh này).
Cách đây chưa lâu, các nhà thiên văn học Hungary cũng thông báo một tin không vui khi phân tích dữ liệu do Kính viễn vọng không gian Kepler gửi về Trái đất. Hóa ra, trong vòng 80 ngày, các thiết bị đã ghi nhận được 42 vụ bùng phát dữ dội và phóng plasma từ sao lùn đỏ trong hệ.
Một trong những chớp sáng có cường độ lớn vượt quá cường độ các chớp sáng đã từng được ghi nhận trong lịch sử Trái đất. Do vậy, theo tính toán, các cơn bão địa từ trường xảy ra trên các ngoại hành tinh hệ TRAPPIST – 1 mạnh hơn bão địa từ trường Trái đất từ 100 - 10.000 lần! Điều đó có nghĩa là nếu như các ngoại hành tinh này có khí quyển, thì khí quyển đó đã “lỗi thời”, chỉ còn là tàn dư. Do vậy, đây không phải là dự đoán khả quan cho sự tồn tại sự sống ở đó.
Chúng ta cũng không vì thế mà mất hi vọng. Những quan sát tiếp theo đối với hệ hành tinh TRAPPIST–1 sẽ được thực hiện bởi Kính viễn vọng không gian Kepler và James Webb. Nhờ đó, chúng ta sẽ biết thêm nhiều điều về hệ hành tinh đầy bí ẩn này và có thể tiếp tục hi vọng phát hiện sự sống thông minh ngoài vũ trụ.