Triển lãm do Viện Pháp tại Việt Nam và Viện Viễn Đông Bác Cổ tổ chức. “Gánh hàng rong” giới thiệu một tập hợp các phác thảo, tranh vẽ và màu nước do 15 sinh viên Trường mỹ thuật Đông Dương và thầy giáo của họ – Ferdinand de Fénis thực hiện trong khoảng từ năm 1925 đến 1929.
Các nghệ sĩ khắc họa một cách tinh tế thế giới bé nhỏ của những gánh hàng rong đang rảo bước khắp các con phố thủ đô, dưới tia nắng đầu tiên trong ngày cùng các gánh hàng rau quả, kẹo bánh và đồ ăn vặt đa dạng…
Tại triển lãm, người tham dự cũng sẽ có dịp khám phá thêm những tác phẩm nhiếp ảnh cùng thời kỳ thuộc bộ sưu tập của Viện Viễn Đông Bác Cổ và đắm chìm trong không gian đầy hoài niệm của những con đường Hà Nội xưa qua phần âm thanh do nhà nghiên cứu Đàm Quang Minh và các nghệ sỹ Đông Kinh Cổ Nhạc thực hiện.
Một gánh hàng rong tại Hà Nội 100 năm về trước - Ảnh tư liệu. |
Những tác phẩm được giới thiệu tại triển lãm là những tư liệu quý giá, phản ánh cuộc sống thường nhật của Hà Nội trước năm 1930.
Những gánh hàng rong ngày ngày chủ yếu đến từ các làng phụ cận Hà Nội, mà trước kia là vùng nông nghiệp từng góp phần cung cấp lương thực, thực phẩm cho hơn 100.000 người dân nội ô.
Bên cạnh những người bán hàng rong, còn có những người chuyên thu mua, trao đổi các đồ vật đã qua sử dụng hay phế liệu các loại.
Ngày nay, các phương thức di chuyển và các mặt hàng của những người bán bán hàng rong đã thay đổi. Xe đạp dần thay thế phương thức đi bộ bán hàng và đòn gánh. Kỹ thuật rao đã được hiện đại hóa để thích ứng với môi trường đô thị vô cùng náo nhiệt.
Người bán hàng giờ đây sử dụng loa kết nối với máy ghi âm chạy bằng bình ắc quy nhỏ (tất cả được cố định trên khung xe đạp) để phát ra những tiếng rao đã được ghi âm sẵn chào mời khách mua hàng. Những đôi quang gánh dần biến mất trên hè phố, những hình ảnh và âm thanh từng một thời là hồn cốt của Hà thành giờ chỉ còn là quá khứ.
“Gánh hàng rong” hứa hẹn sẽ đưa người xem trở về một vùng trời ký ức, đánh thức những hương vị thuở xưa thông qua sự kết hợp tinh tế giữa âm thanh và hình ảnh.
Triển lãm kéo dài đến ngày 5/11 tại không gian IDECAF - 31 Thái Văn Lung, Quận 1, TPHCM.