Khám phá bảo vật quốc gia miền cực Bắc

GD&TĐ - Ngoài giá trị văn hóa, tâm linh, những bảo vật quốc gia tại Hà Giang đã trở thành một “cột mốc” vững chắc khẳng định chủ quyền lãnh thổ, ghi dấu ấn lịch sử nơi ông cha ta từng trấn yên bờ cõi.

Chùa Sùng Khánh nơi lưu giữ bảo vật quốc gia.
Chùa Sùng Khánh nơi lưu giữ bảo vật quốc gia.

Đồng thời, khẳng định nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân nơi biên cương cực Bắc của Tổ quốc.

Dấu ấn văn hóa Trần ở vùng biên ải

Quai chuông chùa Bình Lâm đúc nổi đôi rồng đấu lưng vào nhau.
Quai chuông chùa Bình Lâm đúc nổi đôi rồng đấu lưng vào nhau.

Chùa Sùng Khánh (chùa Nùng hay chùa Báo Thiên) nằm trên địa phận thôn Làng Nùng, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên (Hà Giang), cách trung tâm thành phố Hà Giang khoảng 9 km về phía Tây Nam.

Chùa Sùng Khánh được dựng trên ngọn núi Nùng. Từ xa, du khách có thể nhìn thấy một ngôi cổ tự nhỏ nằm im lìm dưới những rặng cây xanh tốt, màu rêu phong. Nơi đây yên tĩnh, tạo ấn tượng cho du khách với cảm giác uy nghi, linh thiêng, cổ kính, trong lành. 

Cổng trước ngôi chùa là 2 cột lớn ghi câu đối: Sơn thủy thanh cao xuân bất tận/Thần tiên lạc thú cảnh trường sinh (Nghĩa là: Phong cảnh thanh cao xuân mãi mãi/Thần tiên vui thú cảnh đời đời - PV). Núi Nùng không to lắm nhưng cao, muốn lên chùa, từ chân núi khách đến phải vượt qua gần 100 bậc thang.

Đến trước cửa sân chùa, phóng tầm mắt có thể bao quát một vùng non nước. Cánh đồng thôn Làng Nùng nằm gọn ngay trước mắt, xa xa là con sông Lô uốn mình dọc theo Quốc lộ 2. 

Ngược dòng thời gian, cách đây gần 665 năm, dưới thời vua Trần Dụ Tông, vị vua thứ 7 của nhà Trần, có một danh tướng được triều đình phái lên cầm quân, dẹp giặc phương Bắc. Sau khi hoàn thành sứ mệnh, cảm mến mảnh đất có cảnh quan tươi đẹp, sông núi hiền hòa, người dân thật thà, chịu thương, chịu khó, ông đã sáng lập ra ngôi chùa để thờ phụng, làm điều thiện cho muôn dân. Ngôi chùa được ông đặt tên là “Sùng Khánh Tự”.

Với vị trí trọng yếu, ý nghĩa của ngôi chùa đã vượt ra khỏi phạm vi một làng, hay một vùng mà trở thành “cột mốc” của triều đại nhà Trần khẳng định chủ quyền biên giới. Xưa, đây chính là công trình thờ Phật quý hiếm từ đời nhà Trần trên miền thượng du.

Nhưng rồi do biến cố lịch sử, thăng trầm của thời đại và phong hóa của thời tiết, nhất là sự tận diệt của giặc Minh, chùa Sùng Khánh đổ nát, tượng Phật và đồ thờ tự bị mai một. Duy 2 tấm bia đá và 1 quả chuông đồng được đồng bào địa phương cất giấu và bảo quản, trong đó đáng chú ý nhất là tấm bia đá cổ đã được công nhận là bảo vật Quốc gia - dựng dưới triều vua Trần Dụ Tông vào năm 1367.

Tấm bia cổ đang được lưu giữ tại chùa Sùng Khánh.
Tấm bia cổ đang được lưu giữ tại chùa Sùng Khánh.

Bia đá chùa Sùng Khánh được tạc bằng đá xanh nguyên khối và được đặt trên một con rùa đá. Điểm độc đáo là trán bia được bao bọc trong băng trang trí hình cánh cung và được chia làm 3 ô: Ô chính giữa khắc hình Phật bà A Di Đà ngự trên tòa sen hai tầng cánh, mỗi bên có một đệ tử đứng chầu tay chắp trước ngực; Hai ô đối xứng bên cạnh khắc hai con rồng đang bay, đầu nghển cao hướng tới tòa sen. Trán bia này là một tổ hợp trang trí đặc biệt chưa từng thấy trên một tấm bia nào khác ở nước ta.

Bài văn bia trong khung trang trí có đầu đề là “Sùng Khánh tự bi minh linh tự”. Nội dung văn bia gồm 18 dòng với 436 chữ Hán (trong đó có một số chữ Nôm).

Nét chữ khắc sâu, còn nhìn thấy rõ. Trước đây văn bia bị nhiều người sờ nên chữ mờ dần. Ngày nay, bia đá được đặt trong lồng kính để bảo quản cho hậu thế chiêm bái. 

Văn bia cho biết, người sáng lập ra chùa là chú của viên Phụ Đạo (tù trưởng) họ Nguyễn, tên Ẩn, tự là Vãn Giác. Xây dựng từ tháng Giêng đến tháng Tư năm Thiệu Phong (năm Bính Thân 1356) thì xong. Bia còn cho biết ngôi chùa này dưới thời Trần thuộc hương Hoằng Nông, Giang Thông, trường Phú Linh. Mặt sau bia để trơn không trang trí hoa văn, chỉ mài qua khắc hai hàng gồm 65 chữ Hán ghi công những người cúng thí, người nô ruộng và trâu cho chùa.

Tấm bia có một giá trị lớn, về mặt văn bản nó có thể xem là một tài liệu gốc dùng để so sánh đối chiếu một số dạng thời Trần khi nghiên cứu các văn bản khác. Hơn nữa, ở tấm bia chùa Sùng Khánh, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một số chữ Nôm khắc trên bia góp phần bổ sung thêm tài liệu cho việc tìm hiểu chữ Nôm thời Trần.

Mặt khác, tấm bia còn thể hiện sự ảnh hưởng của Phật giáo thời Trần thời bấy giờ tại vùng biên viễn và biểu hiện sự lớn mạnh của chính quyền Trung ương thời Trần đã quản lý chặt chẽ và bảo vệ vững chắc miền biên cương của đất nước. 

Với những giá trị nêu trên, bia đá Chùa Sùng Khánh được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2013. Ngoài bia đá cổ dựng thời Trần, chùa Sùng Khánh hiện còn lưu giữ được các hiện vật quý gồm quả chuông đồng đúc năm 1704 (đời vua Lê Hy Tông) và tấm bia đá tạo năm 1705 (đời vua Lê Dụ Tông).

Tiếng chuông chủ quyền

Tấm bia cổ đang được lưu giữ tại chùa Sùng Khánh.
Tấm bia cổ đang được lưu giữ tại chùa Sùng Khánh.

Nằm cách chùa Sùng Khánh khoảng 15 phút đi xe máy, chùa Bình Lâm tại thôn Mường Nam, xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên là một trong những ngôi chùa cổ nhất từng được xây dựng tại Hà Giang. Đáng chú ý, trong chùa hiện có một quả chuông đồng đã có tuổi đời hơn 7 thế kỷ.

Cùng với bia đá cổ chùa Sùng Khánh thì quả chuông đồng chùa Bình Lâm cũng được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2013. Người dân ở đây cho biết, trước đây, mỗi sớm bình minh, hay khi hoàng hôn buông xuống, tiếng chuông chùa thiêng liêng ngân nga khắp vùng, người ở cách vài km cũng nghe được âm vang. 

Chuông chùa Bình Lâm do người đứng đầu địa phương lúc đó là viên thủ lĩnh Nguyễn Anh và vợ Nguyễn Thị Ninh cùng đông đảo tín Phật tử trong vùng tổ chức đúc vào ngày rằm tháng Ba năm Ất Mùi (1295) thời Trần, đời vua Trần Anh Tông. Theo các nhà chuyên môn, đây là một trong những quả chuông thuộc loại sớm nhất trong lịch sử chuông đồng ở nước ta. 

Chuông nặng gần 200 kg, hình dáng thanh nhã với các ô hộc bố trí hài hòa, cân đối, đặc biệt là các hoa văn trang trí với những nét chạm khắc độc đáo, tinh xảo mang đặc trưng tiêu biểu của nghệ thuật trang trí thời Trần; điều đó cho thấy, trình độ đúc chuông của cha ông ta ở thời điểm này đã đạt đến đỉnh cao. Trên chuông có khắc một bài minh văn với 309 chữ Hán ghi rõ về cách quản lý biên giới của nhà Trần. 

Bài minh trên chuông là một văn bản gốc thời Trần, thông qua đó, chúng ta biết được thái độ trân trọng của người địa phương miền núi với Vua Trần thứ 5 (Trần Anh Tông). Thông qua vị thủ lĩnh Nguyễn Anh - người thay mặt triều đình cai quản một địa phương “rất sùng đạo Phật, đã bỏ tiền của xây dựng chùa, đúc chuông” cho ta thấy Vương triều Trần đã khéo léo sử dụng Phật giáo làm công cụ để củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trước những yêu cầu bảo vệ đất nước, chống giặc ngoại xâm.

Có thể khẳng định, sự xuất hiện và tồn tại của các bảo vật cho thấy bề dày giá trị lịch sử - văn hóa của quê hương miền cực Bắc. Và, một vấn đề đặt ra là Bảo vật quốc gia của địa phương cần được quan tâm, quảng bá hiệu quả để phát huy giá trị, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Thế hệ trẻ càng phải hiểu và tôn trọng di sản văn hóa, ý thức được vai trò, trách nhiệm trong việc phát huy di sản văn hóa, trở thành những người quản lý và bảo vệ di sản văn hóa, bảo đảm cho các di sản văn hóa tồn tại bền vững. Vì vậy, cần được giáo dục ý thức bảo vệ di sản ngay từ trong nhà trường cho những chủ nhân tương lai của di sản.

Hiểu rõ vấn đề trên, nhiều năm qua, tại Hà Giang, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo duy trì phối hợp, tổ chức cho hàng nghìn lượt học sinh mỗi năm tham gia các hoạt động giáo dục tại Bảo tàng và các di sản văn hóa tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, góp phần bồi đắp tình yêu, lòng tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của quê hương.

Thực hiện Đề án “Giáo dục kĩ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh Hà Giang” nhiều trường mầm non, tiểu học, THCS tại huyện đã lồng ghép giáo dục truyền thống vào những tiết học trải nghiệm thực tế như giáo dục lịch sử qua các Lễ hội truyền thống của địa phương, đưa học sinh đến thăm các khu di tích lịch sử, văn hóa như chùa Sùng Khánh hay Bình Lâm. Qua đó giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về truyền thống văn hóa lịch sử của quê hương, đất nước. Bà Lê Thị Thuận - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vị Xuyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Loài khỉ Jigokudani ngâm mình trong nước nóng vào mùa Đông.

Động vật tránh rét như thế nào?

GD&TĐ - Đào hang, tắm suối nước nóng, 'sống chậm' là những cách giúp các loài động vật chống chọi với cái rét khắc nghiệt trong tự nhiên.

Công ty TNHH DIGI TEXX Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ với các Trung tâm GDNN - GDTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Ảnh: CTV

Trung tâm GDTX - GDNN: Vực dậy cách nào?

GD&TĐ - Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo… là những giải pháp căn cơ để các trung tâm GD nghề nghiệp - GD thường xuyên tồn tại và phát triển bền vững.

Rashford công khai đòi rời Man Utd

Rashford công khai đòi rời Man Utd

GD&TĐ - Marcus Rashford tuyên bố "sẵn sàng cho thử thách mới" sau khi bị gạch tên khỏi trận Man Utd thắng Man City 2-1 ở vòng 16 Ngoại hạng Anh.