Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội đình Quan Lạn: Đất hiếm dựng đình thiêng

Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội đình Quan Lạn: Đất hiếm dựng đình thiêng

Ngoài Lễ hội đình Quan Lạn, lễ hội truyền thống đình Trà Cổ (TP Móng Cái) cũng được Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện ký quyết định công nhận. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh đã có 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thế đất quý “tiền Tam thai, hậu Ngũ nhạc”

Lễ hội Quan Lạn được tổ chức từ ngày 10 tới 20/6 âm lịch hàng năm. Đây là một trong những lễ hội mang sắc thái độc đáo có một không hai với những hoạt cảnh tái diễn chiến thắng giặc Nguyên Mông năm 1288 của danh tướng Trần Khánh Dư. Ngoài ra, đây cũng là ngày hội cầu mùa của cư dân vùng biển cầu mong mưa thuận gió hoà, sóng yên biển lặng.

Quan Lạn có một cái tên khác là Cao Lô. Đó là một hòn đảo nằm trên vịnh Bái Tử Long tuyệt đẹp. Người già trên đảo nói rằng, đây từng là thương cảng của Vân Đồn.

Cách không xa phía cảng là ngôi đình cổ có tên đình Quan Lạn. Có lẽ “Quan” là một danh từ mới, bởi thực ra khi nhìn vào những dòng chữ Hán trong đình, thì đều ghi là “Quang” – đình Quang Lạn.

Đình Quan Lạn tọa lạc trên bến Đình, là ngôi đình cổ duy nhất ở nước ta thờ tượng vua Lê Anh Tông - người có công thành lập ra trang ấp, trấn Vân Đồn vào năm 1149.

Ngoài ra đình còn thờ Dương Không Lộ và “Tứ vị thánh nương” là những vị thần được cư dân trên đảo truyền tụng về sự chở che cho những người làm nghề biển. Hiện đình còn giữ 18 đạo sắc phong của các thời vua Nguyễn ghi công đức của các bậc tiên hiền.

Các nhà khoa học thống nhất rằng, ngôi đình xây dựng lần đầu tiên vào thời Hậu Lê (thế kỷ XVII) trên bến Cái Làng, vốn là trung tâm của thương cảng cổ Vân Đồn, sau đó đình được di chuyển về thôn Nam. Tuy nhiên, người làng cho rằng vị trí tọa lạc chưa hợp phong thủy nên việc làm ăn không tốt, các gia đình thường hay xô xát, lục đục.

Thời nhà Nguyễn vào năm Thành Thái thứ 12, ngôi đình một lần nữa được di chuyển về xây dựng lại tại thôn Đoài như hiện nay và được đặt tên là đình Quan Lạn 2.

Vị trí tọa lạc của ngôi đình lúc này được xem là đắc địa: Đình hướng Tây, xoay mặt ra biển lớn. Phía trước có ba ngọn núi sao Trong, sao Ngoài, sao Ơn làm bức bình phong thiên tạo; phía sau lưng là năm quả núi làm chỗ dựa vững chắc.

Theo thuyết phong thủy, đây là thế đất quý “tiền Tam thai, hậu Ngũ nhạc” rất hiếm gặp. Kể từ lần di chuyển cuối cùng này, dân làng làm ăn thuận buồm xuôi gió. Điều này cho thấy lịch sử xây dựng đình Quan Lạn – nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh gắn bó mật thiết với lịch sử lâu đời của đảo Quan Lạn và sự biến đổi đời sống của cư dân nơi đây.

Ngoài thờ vua Lý Cao Tông - người thành lập thương cảng Vân Đồn, thì tướng Trần Khánh Dư và ba anh em họ Phạm cũng được thờ tự bởi công lao 10 ngày kịch chiến với Trương Văn Hổ (Hổ là tướng cướp người Hán, sau khi đầu hàng nhà Nguyên thì được phong tước “Vạn hộ” và trở thành tướng thủy binh - PV).

Khác với bơi trải, hoạt động Lễ hội đình Quan Lạn tái hiện cảnh chiến đấu của thủy binh Trần Khánh Dư trước quân Nguyên Mông.
 Khác với bơi trải, hoạt động Lễ hội đình Quan Lạn tái hiện cảnh chiến đấu của thủy binh Trần Khánh Dư trước quân Nguyên Mông.

“Khóa làng” luyện quân

Đình Quan Lạn không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc, điêu khắc, mà còn là nơi diễn ra hoạt động văn hóa tinh thần đặc sắc với lễ hội đua thuyền từ ngày 10 tới 20/6 âm lịch.

Lễ hội vừa là dịp kỷ niệm chiến thắng giặc Nguyên Mông năm 1288 của quân dân nhà Trần và chiến thắng của vị tướng Trần Khánh Dư đánh tan đội thuyền lương nhà Nguyên, vừa là ngày hội cầu mùa trời yên biển lặng, lưới nặng cá đầy của ngư dân vùng đảo.

Theo ông Lưu Minh Đức, Chủ tịch UBND xã Quan Lạn: Từ ngày 10/6 là “khoá làng”. Đúng 00 giờ ngày 10/6, các cao niên trong làng họp tại đình đánh trống báo hiệu “khóa làng”. Dân trong làng không được đi bất cứ đâu nhưng những người làm ăn ở xa có thể về làng.

Người dân quan niệm, từ khi tiếng trống vang lên, ai trong làng cố tình ra ngoài hoặc đi xa thì thường gặp đen đủi. 6 ngày sau thì phần lễ “nghinh thần” diễn ra. Dân làng kết kiệu, trống rong cờ mở rước bài vị của tướng Trần Khánh Dư từ nghè về an vị tại đình làng để cúng tế.

Phần hội của đình Quan Lạn có tục đua thuyền nhưng không phải bơi trải. Hoạt cảnh thời chống giặc Nguyên Mông tái hiện bằng việc dân làng chia làm hai đội Đông Nam Văn và Đoài Bắc Võ. Họ lập doanh trại riêng từ ngày 13/6 để luyện quân, chuẩn bị thuyền chiến.

Thuyền chiến là loại thuyền đi biển của ngư dân có trọng tải 5 – 6 tấn, được hạ buồm và trang trí thêm đầu rồng. Trong lúc trên sân đình đang diễn ra các nghi thức tế lễ trang nghiêm, thì dưới bến thuyền việc luyện tập của cả hai đội thật chỉnh tề.

Khoảng 3 giờ chiều ngày 18/6 khi nước triều lên sát bến Đình, hai đội thuyền bắt đầu làm lễ xuất phát. Lính thuyền bên Văn vận áo trắng quần xanh, chân quấn xà cạp xanh. Lính thuyền bên Võ vận quần áo xám, chân quấn xà cạp đen.

Với khí thế hừng hực của vạn quân ra trận, chiêng trống tù và nổi lên vang vọng góc trời, cờ bay phấp phới. Chỉ huy của hai đội thuyền vừa múa những đường đao diệt địch, đồng thời chỉ huy cho thuyền vượt sóng.

Hai đoàn thuyền phải gặp nhau ba lần trên bến Đình tượng trưng cho ba lần chiến thắng quân Nguyên. Tới lần thứ ba, hai đoàn thuyền mới tập kết trước bến. Hai vị tướng chỉ huy bước lên bờ vào tế trình diện, khi quay ra mới phát lệnh cuộc đua.

Ông Lưu Minh Đức, Chủ tịch UBND xã Quan Lạn, cho biết: Mấy trăm năm thăng trầm với nhiều lần di chuyển nhưng đình Quan Lạn vẫn giữ được những giá trị kiến trúc, điêu khắc độc đáo hiên ngang trụ vững trước sóng gió biển khơi.

Điều đó cho thấy sức sáng tạo và ý chí bảo vệ di sản của cư dân đảo Quan Lạn. Đặc biệt là tinh thần thượng võ chống giặc ngoại xâm bảo vệ biển đảo thông qua các nghi thức của lễ hội, góp phần khẳng định chủ quyền muôn đời của dân tộc Việt Nam.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Liễn: Hội đình Quan Lạn là sự tổng hòa của ngày hội chiến thắng giặc ngoại xâm và ngày hội cầu mùa của ngư dân vùng biển đảo Quan Lạn. Rất nhiều lễ hội trên cả nước có tục đua thuyền bơi trải, nhưng duy chỉ ở Quan Lạn mới khác lạ và thể hiện được tính hào hùng của thủy binh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.