Khai thông luồng nghề

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến phân luồng học nghề bị nghẽn...

Ảnh minh họa INT.
Ảnh minh họa INT.

Trên cơ sở số liệu đăng ký nguyện vọng lớp 10 được Sở GD&ĐT TPHCM công bố, học sinh lớp 9 được phép cân nhắc điều chỉnh nguyện vọng theo hình thức trực tuyến từ ngày 15 - 21/5.

Những ngày này, nhiều phụ huynh TPHCM khá căng thẳng với câu hỏi điều chỉnh hay không điều chỉnh. Nếu điều chỉnh thì thay đổi nguyện vọng như thế nào để cơ hội trúng tuyển cao nhất, bởi nếu tính toán không khéo, rất có thể con em họ sẽ nằm trong nhóm 30% rớt công lập. Nhiều gia đình cũng dự phòng phương án trường tư thục, trung tâm GDTX nếu con không thi đỗ.

Áp lực tuyển sinh vào lớp 10 ở TPHCM phản ánh khá rõ tâm lý, nguyện vọng của số đông phụ huynh học sinh hiện nay. Đó là sau khi tốt nghiệp THCS, học sinh sẽ thẳng tiến lên lớp 10, nếu không đậu công lập thì rẽ hướng sang tư thục, GDTX. Phân luồng theo học nghề vẫn đang bị “chê”. Chính vì thế, năm học 2023 - 2024 TPHCM có hơn 32 nghìn học sinh lớp 9 không theo học lớp 10 THPT công lập, thế nhưng hệ đào tạo nghề, trung cấp của toàn thành phố chỉ tuyển sinh 9.590 chỉ tiêu lớp 10 ở 8 trường trung cấp nghề.

Trong bối cảnh luồng nghề vẫn còn nghẽn, mới đây, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với những chỉ tiêu đột phá. Theo đó, đến năm 2025, thành phố sẽ thu hút từ 40 - 45% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào GDNN, trong đó học sinh, sinh viên nữ đạt trên 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới. Năm 2030, tỷ lệ này lần lượt là 45 - 50% và 35%.

Trong các biện pháp để thu hút luồng nghề đến 50% vào năm 2030, TPHCM đưa ra 8 nhóm giải pháp chủ yếu, như đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong GDNN…

Phát triển GDNN là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong đào tạo nguồn nhân lực để tranh thủ thời cơ dân số vàng, hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng làm thế nào để luồng vào học nghề được khai thông như mong muốn là bài toán cực kỳ khó giải.

Trên phạm vi toàn quốc, Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” đặt mục tiêu đến năm 2021 đạt 30% học sinh sau THCS vào học các trường nghề, nhưng đến thời điểm này, tỷ lệ cũng mới đạt khoảng 15%. Con số phân luồng nghề của TPHCM đến 50% vào năm 2030, vì thế rất khó khăn…

Có nhiều nguyên nhân khiến phân luồng học nghề bị nghẽn, trong đó nguyên nhân lớn nhất vẫn là tâm lý, nhận thức của người học và xã hội về GDNN còn nhiều rào cản. Thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao, nêu thực trạng: Từ các nhà quản lý giáo dục đến hiệu trưởng, giáo viên vẫn có nhận thức chỉ học yếu mới vào trường nghề. Từ đó định hướng khiến học sinh và phụ huynh càng có tâm lý học nghề là kém cỏi, không có tương lai như học đại học. Đây là quan điểm lệch lạc với chiến lược phát triển GDNN của đất nước.

Để thu hút luồng nghề như kỳ vọng, song song với xây dựng chính sách, cần thay đổi quan điểm, nhận thức của xã hội về học nghề. Chương trình GDPT 2018 đặc biệt coi trọng công tác hướng nghiệp, là một lợi thế căn bản để trường phổ thông góp phần chuyển dần nhận thức, tư tưởng của người học về tâm lý nghề nghiệp. Tuy nhiên, chỉ nhà trường là chưa đủ, khai thông luồng nghề vẫn rất cần một chiến lược tư vấn, truyền thông hướng nghiệp, định luồng căn cơ và phù hợp hơn ở tầm quốc gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tìm hiểu genz là gìHiểu rõ deadline và tầm quan trọng