Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp: Một di sản cần bảo tồn và duy trì

Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp: Một di sản cần bảo tồn và duy trì

Lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống

Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp không còn quy mô như những làng nghề truyền thống khác trong tỉnh Bình Dương như làng làm guốc, làng làm gốm... nhưng vẫn giữ được những nét văn hóa, đặc trưng riêng.

Phần nhiều những gia đình còn làm và buôn bán các sản phẩm từ sơn mài tại đây đều theo kiểu cha truyền con nối. Theo nghệ nhân Trần Phương Bình, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp có từ rất lâu rồi, đó là một trong số ít làng nghề cổ và lâu đời tại tỉnh Bình Dương.

Theo tài liệu “Bình Dương - Thế và lực mới trong thế kỷ XXI” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia in năm 2003 và nhiều tư liệu lịch sử khác cho biết, trong cuộc di cư đầu thế kỷ XVIII, những người miền Bắc, trong đó có những người thợ sơn mài đã đi dọc sông Sài Gòn đến lập nghiệp ở vùng đất Thủ Dầu Một, và nghề sơn mài theo đó được du nhập và lưu truyền cho đến ngày nay.

Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp chính thức có tên cho đến tận ngày nay đánh dấu bằng sự ra đời xưởng sơn mài Thành Lễ do nghệ nhân Trương Văn Thành và Nguyễn Văn Lễ sáng lập. Xưởng sơn mài đầu tiên nơi đây quy tụ được rất nhiều nghệ nhân nổi tiếng thời bấy giờ. Chính điều đó góp phần đưa hàng sơn mài đạt đến đỉnh cao về sự phong phú, đa dạng và chất lượng nghệ thuật, được xuất sang thị trường châu Âu và có giá trị thương mại lớn.

Theo nghệ nhân Trần Phương Bình, sản phẩm của làng nghề ngày xưa không đa dạng như bây giờ. Nhưng lượng hàng được sản xuất và xuất đi khắp các nơi trong và ngoài nước là rất lớn.

“Sự thịnh vượng của làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp là vào khoảng giai đoạn 1945 - 1975. Lúc đấy vào những dịp cuối năm, làng nghề luôn tất bật và nhộn nhịp. Cuộc sống của người dân vì thế cũng khá ấm no.

Nghệ nhân của các xưởng nghề hồi ấy đều rất lành nghề vì đa phần toàn là gốc thợ mỹ thuật dân gian các vùng đất Thuận Hóa, Quảng Bình phía Bắc di dân vào. Họ đã nhanh chóng thích nghi với văn hóa, điều kiện tự nhiên để tạo nên các tác phẩm có giá trị nghệ thuật và kinh tế rất cao khi xuất bán” - nghệ nhân Trần Phương Bình cho biết.

Ông Thái Kim Ðiền - Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài - Ðiêu khắc tỉnh Bình Dương cho biết thêm, theo những gì ông tìm hiểu và biết thì làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp có dấu ấn lịch sử, văn hóa rất đậm nét.

Tuy hiện nay làng nghề đối mặt nhiều thách thức của tiến trình hội nhập và phát triển nhưng các giá trị văn hóa, truyền thống hàng trăm năm của dân tộc vẫn còn hiện diện rất rõ và đậm nét qua sản phẩm, qua bàn tay thuần thục của các nghệ nhân làng nghề hôm nay.

“Những người thợ sơn mài ngày xưa phần lớn là nông dân trở thành nghệ sĩ dân gian hoặc những nghệ nhân khéo tay nên trong nghệ thuật sáng tạo của mình họ không thể tách rời khỏi ảnh hưởng của nền văn hóa dân tộc, của giá trị văn hóa làng quê.

Chính đặc trưng trên mà những nghệ nhân sơn mài xưa và nay vừa kế thừa nét văn hóa mỹ thuật truyền thống của dân tộc, vừa phát huy những giá trị văn hóa của địa phương để tạo nên nét đặc sắc riêng của làng nghề không lẫn với nơi đâu”- ông Thái Kim Ðiền chia sẻ.

 
Nghệ nhân làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp đang thực hiện một công đoạn làm sản phẩm
 Nghệ nhân làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp đang thực hiện một công đoạn làm sản phẩm

Chung tay để phát triển làng nghề

Tham quan khu bảo tồn và trưng bày sản phẩm sơn mài của cơ sở sơn mài Ðịnh Hòa, nhìn những bức tranh sơn mài của nhiều nghệ nhân để lại, chúng tôi ngỡ ngàng trước độ tinh xảo của những họa tiết, hoa văn trên những bức sơn mài hàng chục năm tuổi.

Theo nghệ nhân Trần Phương Bình, sản phẩm của làng nghề Tương Bình Hiệp chủ yếu có 2 dạng. Một theo xu hướng truyền thống thể hiện nghệ thuật tinh xảo của sơn mài trên các sản phẩm, tủ, giường, ghế, tranh treo tường…

Còn dòng sản phẩm theo nhu cầu thị trường kết hợp với hiện đại (hiện chiếm phần lớn) được thể hiện trên các sản phẩm mang tính trưng bày, du lịch hay thuần trong sinh hoạt như lọ hoa, chén, bát… Chủ đề của sản phẩm thì đa dạng, nhưng phần nhiều nghệ nhân làng nghề Tương Bình Hiệp thể hiện theo các đề tài như: Về thiên nhiên, dân gian, lịch sử.

“Ðiểm chung ở những bức tranh sơn mài của làng nghề là nét văn hóa mỹ thuật của sản phẩm luôn hòa quyện vào dòng chảy văn hóa chung của dân tộc. Chính những giá trị nghệ thuật trên, góp phần vào văn hóa truyền thống Việt Nam bất chấp sự khắc nghiệt của thời gian, sự đổi thay nhanh cóng của cuộc sống tiện nghi ngày nay” - Nghệ nhân Trần Phương Bình cho biết thêm.

Dù là thể loại tranh, sản phẩm sơn mài theo xu hướng hiện đại hay truyền thống thì để ra một sản phẩm cũng phải qua 12 - 15 công đoạn. Do đó, một sản phẩm của làng nghề hiện nay khi xuất đi vẫn giữ được những giá trị riêng của mình đó là sự tinh xảo, thanh thoát và có hồn.

Tuy các nghệ nhân của làng nghề luôn thích nghi, thay đổi với thị hiếu của thị trường, của người tiêu dùng và người yêu nghệ thuật nhưng khó khăn của thể loại nghệ thuật trên sơn mài phải đối diện với thị trường tranh giấy, tranh lụa hay sản phẩm nghệ thuật khác là rất lớn.

Sản phẩm của làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp hiện khá đa dạng. Tuy nhiên, quy mô chủ yếu là hộ gia đình
 Sản phẩm của làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp hiện khá đa dạng. Tuy nhiên, quy mô chủ yếu là hộ gia đình

Nếu như thời thịnh vượng, thu nhập bình quân của một nghệ nhân hay một người thợ chính có thể đạt đến 400 - 1.200 USD/tháng thì hiện nay con số ấy đã giảm đi rất nhiều. Làng nghề hiện nay chủ yếu là làm sản phẩm theo đơn hàng, lao động phần đông là nhàn rỗi tại địa phương. Do đó, để duy trì và bảo tồn được các giá trị văn hóa đã có hơn 100 năm tuổi của làng nghề là điều mà những người có trách nhiệm hết sức trăn trở.

Ðể làng nghề sơn mài không bị mai một, tỉnh Bình Dương đã có nhiều hỗ trợ, như hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể, triển khai dự án phát triển du lịch liên kết với phát triển làng sơn mài, hỗ trợ vốn để các cơ sở sản xuất bảo đảm môi trường… Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất lại đến từ con người, khi người trẻ hiện nay rất ít người chịu theo nghề cha ông truyền lại.

“Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp có ý nghĩa sâu sắc về mặt lịch sử. Chủ trương của tỉnh Bình Dương thời gian qua là phải bảo tồn để giữ gìn những giá trị truyền thống. Theo tôi được biết, trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng, đầu tư lại các cơ sở vật chất làng nghề, gắn kết với bảo tồn dân gian ở các địa phương. Vấn đề là lớp trẻ làng nghề hiện nay họ lại theo trào lưu mới quá nhiều, chọn nhiều ngành học khác mà ít quan tâm đến nghề sơn mài” - ông Thái Kim Ðiền nói.

Theo số liệu thống kê, năm 2001 làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp có đến 1.840 hộ tham gia sản xuất với 3.860 lao động. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn khoảng 90 cơ sở và doanh nghiệp sản xuất hàng sơn mài, chủ yếu giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi và lớn tuổi tại địa phương.
Theo ông Thái Kim Ðiền - Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài -  Ðiêu khắc tỉnh Bình Dương, cái khó của làng nghề hiện nay là thế hệ trẻ không còn đam mê với sơn mài. Vì vậy, muốn bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài truyền thống thì cần đào tạo thế hệ trẻ, yêu nghề thì mới giữ gìn và phát triển được làng nghề!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.