Khai mạc triển lãm "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục"

GD&TĐ - Sáng 17/5, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia III tổ chức Triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục”.

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và các đại biểu tham quan Triển lãm.
GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và các đại biểu tham quan Triển lãm.

Triển lãm với những tài liệu, hình ảnh tập trung vào 3 chủ đề: Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác xây dựng nền giáo dục Việt Nam; Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác giáo dục; Học tập và làm theo tấm gương học tập suốt đời của Bác.

Chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác xây dựng nền giáo dục Việt Nam” giới thiệu một số tài liệu, hình ảnh, câu trích minh chứng về vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc đặt nền móng, thiết lập xây dựng, tổ chức bộ máy giáo dục Việt Nam từ sau ngày độc lập năm 1945. Những sắc lệnh xây dựng hệ thống giáo dục, trong đó thể hiện nội dung Bộ Giáo dục là một trong 15 Bộ của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục qua những tài liệu, thư từ, điện, hình ảnh,… thể hiện sự quan tâm của Người tới giáo dục các cấp (tập trung vào giáo dục đại học); chủ trương của Người xây dựng một nền giáo dục mới và coi giáo dục là một chiến lược cơ bản, lâu dài của cách mạng, một quốc sách hàng đầu.

Các đại biểu dự khai mạc Triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục”.
Các đại biểu dự khai mạc Triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục”.

Chủ đề “Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác giáo dục” gồm các hình ảnh, tư liệu về công cuộc xóa mù chữ; phong trào bình dân học vụ; Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương học tập suốt đời của Bác” thể hiện sinh động qua câu chuyện Bác Hồ tự học và giới thiệu một số tài liệu, hình ảnh về thành tích công tác giáo dục Việt Nam qua các thời kỳ. Chủ đề này cũng giới thiệu một số tài liệu, hình ảnh cán bộ, nhà giáo, người lao động và người học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong các hoạt động, học tập, rèn luyện, làm theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thay mặt lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phát biểu khai mạc, Phó Hiệu trưởng, PGS.TS Nguyễn Văn Trào cho biết: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đến sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà. Ngày 3/9/1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 6 việc cấp bách cần phải làm ngay, trong đó nhiệm vụ chống nạn mù chữ được xếp thứ hai sau nhiệm vụ chống giặc đói.

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tham quan Triển lãm.
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tham quan Triển lãm.

Ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 45 thành lập Ban Đại học Văn khoa tại Hà Nội với nhiệm vụ đào tạo giáo sư Văn khoa ban Trung học. Sự kiện thành lập Ban Đại học Văn khoa - tổ chức tiền thân của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - mở đầu cho quá trình hình thành và phát triển của ngành sư phạm cách mạng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt và tầm nhìn chiến lược sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục và sư phạm.                  

Trong quá trình xây dựng và phát triển, Nhà trường đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều lần vinh dự được đón Bác về thăm. Lời căn dặn của Người "Làm thế nào để Nhà trường này chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước” đã trở thành niềm tự hào và mục tiêu phấn đấu không biết mệt mỏi của lớp lớp các thế hệ cán bộ và người học của Nhà trường.

PGS.TS Nguyễn Văn Trào mong rằng, việc tổ chức triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục” sẽ góp phần tuyên truyền về tinh thần học tập của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như những tư tưởng của Người về giáo dục. Thông qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tiếp thêm tình yêu và lòng tự hào về giáo dục Việt Nam, giáo dục, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thiết thực, hiệu quả trong cán bộ, nhà giáo, người lao động và người học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.