Dạy - học về Bác: Mỗi tác phẩm một cảm xúc

GD&TĐ - Các tác phẩm của Bác và viết về Bác được đưa vào giảng dạy trong sách giáo khoa phổ thông và chiếm một thời lượng không nhỏ trong một số môn học.

Cô Bùi Thị Tuyết Nhung (đứng giữa) Trường THPT số 1 Văn Bàn, (Lào Cai) luôn tràn đầy cảm xúc khi giảng dạy những tác phẩm liên quan tới Bác. Ảnh: NVCC
Cô Bùi Thị Tuyết Nhung (đứng giữa) Trường THPT số 1 Văn Bàn, (Lào Cai) luôn tràn đầy cảm xúc khi giảng dạy những tác phẩm liên quan tới Bác. Ảnh: NVCC

Những tiết học này đã và đang chiếm được tình cảm, cảm xúc lớn lao của biết bao thế hệ người dạy và học. 

Bài học luôn khắc sâu

Hơn 16 năm đứng trên bục giảng, năm nào cũng giảng dạy những tác phẩm của Bác và viết về Bác nhưng với cô giáo Ngữ văn, Bùi Thị Tuyết Nhung, Trường THPT số 1 Văn Bàn, Lào Cai, người từng đoạt giải 3 Cuộc thi viết về “Những tấm gương tâm huyết sáng tạo, học và làm theo Bác” (Báo GD&TĐ tổ chức) thì cảm xúc vẫn luôn tràn đầy, say mê như lần đầu giảng dạy. Cô luôn mong muốn truyền tải hết những ý nghĩa, giá trị văn học, cuộc sống, cái đẹp trong tác phẩm liên quan tới Bác đến học trò một cách trọn vẹn.

“Đọc những bài thơ của Bác và viết về Bác tôi vẫn nghẹn lời, cảm xúc dâng trào. Tôi thấy như được trực tiếp chứng kiến những vất vả, hy sinh, sự kiên cường, gian nan, khó khăn mà Bác trải qua trong suốt hành trình tìm đường cứu nước. Tôi cho rằng để giảng dạy hay các tác phẩm liên quan tới Hồ Chí Minh nhất định phải có sự cảm nhận sâu sắc, cảm xúc theo từng tác phẩm, như vậy mới truyền tải được cảm xúc đến người học…”, cô Tuyết Nhung trải lòng.

Nguyễn Hà Anh, lớp 10 Trường THPT Kim Liên (Hà Nội), bày tỏ: Em và các bạn thích học các tác phẩm của Bác, cũng như các tác phẩm viết về Bác. Những tác phẩm này có sức hút đặc biệt, cảm xúc hơn với cả thầy cô và học trò. Qua bài giảng, chúng em như được trở về quá khứ, trực tiếp chứng kiến thời khắc lịch sử của dân tộc, cảm nhận ý chí, nghị lực, tài năng, tư tưởng… của Người.

Nhiều tác phẩm chúng em được học từ THCS nhưng khi bước vào THPT vẫn thuộc lòng, có thể đọc, phân tích ý nghĩa, nội dung. Qua mỗi bài học, sự tôn kính, tình yêu Bác càng nhân lên và đặc biệt, chúng em học hỏi được nhiều giá trị sống, tư tưởng, đạo đức… rất cần thiết cho thế hệ trẻ.

Cô Nguyễn Bảo Nhung, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Lê Quý Đôn (Đống Đa, Hà Nội) năm nào cũng dạy những tác phẩm văn học của Bác, liên quan đến Bác nhưng mỗi lần dạy là mỗi lần cảm xúc thức dậy khác nhau theo từng nội dung, ý nghĩa tác phẩm, bài giảng.

Cũng qua quan sát cá nhân, cô Nguyễn Bảo Nhung cho rằng, giảng dạy các tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, học trò đầy hào hứng với tiết học. Điều đó không đáng ngạc nhiên bởi chân dung, đạo đức, việc làm… của Bác đã trở thành những bài học sống động chân thực, giàu giá trị lịch sử, văn hóa và hiện thực.

Hoạt động trong Ngày hội đọc sách Trường THPT Lê Quý Đôn – Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: NVCC
Hoạt động trong Ngày hội đọc sách Trường THPT Lê Quý Đôn – Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: NVCC

Tăng cường kiến thức “nền”, tư liệu về Bác

Theo cô Bùi Thị Tuyết Nhung, trong chương trình THPT có nhiều tác phẩm của Bác và viết về Bác. Để các tác phẩm này in đậm vào học trò, hiểu hết giá trị, ý nghĩa…, bản thân giáo viên phải đổi mới phương pháp, nghiên cứu sâu về bài giảng. Phải truyền tải được các vấn đề cơ bản nhất, đó là sự gần gũi, giản dị, mộc mạc của Bác. Cùng đó là tấm lòng, tình yêu của Bác với nhân dân, đất nước.

Kinh nghiệm khác trong giảng dạy các tác phẩm liên quan tới Bác để đạt hiệu quả cao của cô Nhung là yêu cầu học sinh chủ động tìm hiểu trước các dữ liệu thông tin, bài viết, hình ảnh về Bác qua tranh ảnh, bài hát, sách truyện… Sau đó yêu cầu thuyết trình hiểu biết, bài học rút ra. Trên cơ sở đó, giáo viên tiếp tục lồng ghép những nội dung, tư tưởng vào giảng dạy, giúp học sinh tiếp nhận kiến thức chủ động, tự nhiên, sâu sắc…

Dạy học các tác phẩm của Bác theo cô Nguyễn Bảo Nhung có những đòi hỏi, “khó”, riêng bởi văn thơ của Bác hàm súc, sâu sắc, nhiều tầng ý nghĩa. Để truyền tải đầy đủ cho học sinh, giáo viên phải phân tích hết ý nghĩa, tư tưởng, vẻ đẹp trong tác phẩm. Trong khi đó, mỗi tiết học có khuôn khổ thời gian nhất định, bản thân giáo viên cũng còn những hạn chế về hiểu biết khiến góc nhìn hẹp.

Do đó, để nâng cao chất lượng dạy học, nhất định người dạy phải tăng cường kiến thức “nền”, tư liệu về Bác. Ngoài tìm hiểu các nguồn tài liệu chính thống viết về Bác, có thể tìm kiếm, nghe thêm những câu chuyện kể về Bác từ các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử; những người từng được gặp và tiếp xúc trực tiếp với Bác…

Từng bài giảng, tiết dạy phải giúp học sinh thấy được ở Bác không có giới hạn nào cho việc vượt qua số phận, hoàn cảnh, định mệnh, ước mơ khát vọng. Học trò và thế hệ mai sau để trở thành chủ nhân, làm chủ vận mệnh, tương lai đất nước… hãy nhìn vào con đường cứu nước Bác đã đi; nhìn vào hình tượng, chân dung Bác để thêm tự hào, tự tin và thấy được trong cuộc sống tuổi trẻ cần có sự nhẫn nại, bền bỉ, kiên cường, bản lĩnh, ước mơ, khát vọng để làm nên thành công…

Cô Lê Thị Linh, nhóm trưởng Sử - Địa, Trường THCS Đông Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội), trao đổi: Dạy học lịch sử gắn liền với lãnh tụ đất nước để hấp dẫn học sinh phụ thuộc nhiều vào phương pháp dạy học, cách truyền đạt.

Giáo viên không chỉ nói suông, hô hào học sinh học tập theo tư tưởng, đạo đức của Bác qua những bài giảng bởi như vậy các em khó hình thành rung cảm, không thấy hết ý nghĩa, giá trị từ những vấn đề, sự kiện, việc làm liên quan đến Bác. Cần phải mở rộng liên hệ thực tế vấn đề, tích hợp kiến thức qua những câu chuyện, hoạt động, việc làm… liên quan đến học trò. Như vậy, các em sẽ thấy cuốn hút, hào hứng với bài học lịch sử gắn liền với chủ đề Bác Hồ.

Cũng theo cô Linh, không phải bài giảng lịch sử nào liên quan tới Bác cũng chỉ duy nhất ý nghĩa, giá trị về tình yêu nước, sự giản dị, mà còn bao hàm cả tính kiên trì vượt khó, sự thử thách của bản thân, thích ứng với điều kiện sống trong những hoàn cảnh khác nhau mà Bác đã trải qua.

Từ đó có thể mở rộng, liên hệ và gắn với thực tế của học sinh. Ví như học sinh học Bác tính thích ứng trong các môi trường văn hóa khác nhau; sự ham học và thành công trong học ngoại ngữ; tinh thần thể thao, luyện tập thể dục hàng ngày nâng cao sức khỏe…

Việc chuẩn bị tư liệu dạy học lịch sử đặc biệt khi liên quan tới lãnh tụ Hồ Chí Minh theo cô Linh cần hết sức cẩn thận, chính xác, tìm hiểu kỹ càng nguồn tư liệu. Tránh dùng tư liệu không chính thống sẽ làm sai lệch ý nghĩa, giá trị của bài giảng lịch sử...   

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg

NATO thừa nhận một sự thật phũ phàng

GD&TĐ - Tổng thư ký tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Stoltenberg mới đây nói rằng, các nước của khối cần thừa nhận họ không hỗ trợ Kiev như đã hứa.
Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.
Joshua Zirkzee đang nằm trong kế hoạch mua sắm của Arsenal.

Arsenal nhắm tiền đạo của Bayern Munich

GD&TĐ - Theo Mirror, Arsenal muốn mời tiền đạo ngôi sao của Bologna - Joshua Zirkzee một bản hợp đồng đến năm 2029, với mức lương hàng năm là 5 triệu Bảng.