(GD&TĐ) - Sáng nay (7/12), Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) với chủ đề “Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững” đã khai mạc tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm dự Hội nghị. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc và Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Victoria Kwakwa đồng chủ trì hội nghị.
Trong 2 ngày (7,8/12) HN sẽ tập trung bàn thảo nhiều chủ đề quan trọng |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, năm 2010, mặc dù phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, song với sự nỗ lực to lớn của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, sự giúp đỡ và hợp tác tích cực của cộng đồng quốc tế, trong đó có những đóng góp to lớn của các nhà tài trợ, Việt Nam đã đạt được những thành quả đáng khích lệ.
Việt Nam đã ngăn chặn được suy giảm, kinh tế phục hồi và tăng trưởng cao, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được đảm bảo, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được đảm bảo tốt hơn trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn…
Tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2010 đạt khoảng 6,7%. Tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 5 năm 2006 – 2010 đạt khoảng 7% và GDP bình quân đầu người khoảng 1.160 USD. Việt Nam đã đạt được hầu hết các Mục tiêu Thiên niên kỷ.
Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, bước vào năm 2011, Việt Nam còn phải vượt qua các khó khăn, thách thức trong giai đoạn tới để đạt được các mục tiêu là tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2010, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.
Việt Nam mong muốn, các nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công chiến lược 10 năm 2011 – 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011 – 2015 với những đột phá quan trọng là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ…
Tại bài phát biểu của mình, ông Masato Miyazaki, đại diện cho Vụ châu Á và Thái Bình Dương (Quỹ tiền tệ quốc tế IMF) nhìn nhận, Việt Nam đã tránh được sự suy giảm kinh tế do tác động từ cuộc khủng hoảng toàn cầu nhờ những biện pháp kích thích kinh tế mạnh và hiệu quả của Chính phủ. Tăng trưởng GDP thực đã vượt 7% trong quý 3/2010, được hỗ trợ bằng xuất khẩu đang mạnh lên và cầu trong nước lớn.
“Có nhiều khả năng, GDP sẽ tăng vượt mức dự báo của chúng tôi là 6,5% cho cả năm nay… Các dòng vốn FDI và chuyển tiền tư nhân vẫn mạnh, những luồng vốn này cùng với vốn ODA thừa sức tài trợ cho thâm hụt tài khoản vãng lai”, đại diện IMF cho biết.
Tuy nhiên, phía IMF cũng lưu ý những thách thức mà Chính phủ phải đương đầu như lạm phát chung đã tăng mạnh từ tháng 9, vượt quá 1% trong so sánh theo tháng, và có thể tăng lên mức 2 con số trong năm nay.
Trước lo ngại tín dụng tăng nhanh mấy năm gần đây có thể đã dẫn đến suy giảm chất lượng tài sản của các ngân hàng thương mại, IMF cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục có các cuộc cải cách để đảm bảo hệ thống tài chính vững mạnh, hiệu quả và dựa trên nguyên tắc thị trường.
Liên quan đến khuyến nghị này, ông Masato cũng lưu ý đến vị thế ngoại hối ròng của các ngân hàng thương mại, sự gia tăng phụ thuộc vào vốn ngoại, sự lành mạnh của các ngân hàng nhỏ trong môi trường cạnh tranh…
Về dài hạn, IMF khuyên Việt Nam nên tiếp tục bước theo hướng kinh tế thị trường. Khi nền kinh tế được thúc đẩy bởi các nguyên tắc thị trường cũng có nghĩa Chính phủ cần phải thay đổi cách thực thi chính sách, chuyển từ ra chỉ thị và kiểm soát sang các công cụ quản lý kinh tế gián tiếp.
Diễn ra trong hai ngày (7 – 8/12/2010), Hội nghị CG năm nay tập trung thảo luận các chủ đề quan trọng như tình hình kinh tế vĩ mô năm 2010 và định hướng cho năm 2011; vấn đề quản trị công, minh bạch và hiệu quả hoạt động của kinh tế nhà nước; quản trị và phòng, chống tham nhũng; năng lực cạnh tranh của Việt Nam, biến đổi khí hậu; định hướng giảm nghèo; hiệu quả viện trợ; quan hệ đối tác phát triển… |
Trung Dũng