Khai giảng không tiếng trống và sự năng động thích ứng của các nhà trường

GD&TĐ - Mùa khai trường năm nay, hầu hết các trường học tại TPHCM không có tiếng trống rộn rã như thường lệ.

Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (Huyện Bình Chánh, TPHCM) họp triển khai năm học mới bằng hình thức trực tuyến.
Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (Huyện Bình Chánh, TPHCM) họp triển khai năm học mới bằng hình thức trực tuyến.

Bên cạnh những khó khăn hiện hữu thì ở khía cạnh nào đó, dịch bệnh cũng cho thấy sự năng động để thích ứng với tình hình mới của các cơ sở giáo dục là "tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học”.

Cố gắng hết mình

Trước thềm năm học mới, chia sẻ với Báo GD&TĐ, thầy Phạm Trung Hữu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM) cho rằng: Được quay lại trường là  mong ước lớn nhất của giáo viên, học sinh và phụ huynh. 

“Là hiệu trưởng, tôi hiểu rõ mong ước và khát khao đó. Khát khao đến trường không chỉ của cá nhân tôi mà còn là ước muốn của tất cả người dân TPHCM. Nhưng không vì thế mà chúng tôi kém đi phần nghi lễ quan trọng của một năm học. Trường chúng tôi vẫn chỉ đạo cho các thành viên bằng hình thức online, giáo viên có thể tương tác trực tuyến với học sinh và phụ huynh để chuẩn bị tốt cho năm học mới” - thầy Phạm Trung Hữu chia sẻ.

Điều mà Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai băn khoăn là khối lớp 1. “Đối với lớp 1 quả là một giải pháp nặng nề nhất khi các em chưa được nhìn tận mắt cô giáo, chưa quen nền nếp. Phụ huynh chưa có kĩ năng rèn cho học sinh cách học online” - thầy Phạm Trung Hữu thông tin thêm.

Em Lý Tường Long - học sinh Lớp 12A1 Trường THPT Võ Văn Kiệt (TPHCM) kết nối với giáo viên bằng hình thức online.

Em Lý Tường Long - học sinh Lớp 12A1 Trường THPT Võ Văn Kiệt (TPHCM) kết nối với giáo viên bằng hình thức online.

Chị Quỳnh Hân (Quận 8, TPHCM) có con năm nay vào lớp 1 Trường Tiểu học Âu Dương Lân (Q.8, TPHCM), chia sẻ: “Tôi rất lo lắng vì bé chưa biết đọc, nên thường xuyên tham khảo ý kiến của cô giáo hoặc trao đổi qua Zalo để cô hỗ trợ. Bé nào chưa có đủ sách, GV hỗ trợ những đường link để dùng sách trực tuyến. Nhìn chung mọi thứ đều khó cho các bé lớp 1 nhưng phải cố gắng hết mình thôi”.

Trong khi đó, một giáo viên tiểu học ở Quận 8, TPHCM, bày tỏ: "Mùa tựu trường, giáo viên ai cũng nô nức, vui mừng để bắt đầu một năm học mới. Tuy nhiên, năm nay vì tình hình dịch bệnh căng thẳng, tôi không tránh khỏi những băn khoăn, lo âu vì nhiệm vụ đào tạo, giảng dạy thêm nặng nề và học sinh phải học online… Tôi đã chuẩn bị tâm thế cho tất cả HS có thể tham gia học, từ việc cung cấp sách SGK,  hướng dẫn đầy đủ cho phụ huynh để có thể hỗ trợ cho học sinh học online.”.

Cô Trần Hạ Quyên - GV Trường THPT Tạ Quang Bửu (TPHCM) bày tỏ: “Năm học 2021-2022 cuối cùng cũng đến sau hàng tháng TPHCM phải căng mình trong đại dịch. Khó khăn vẫn còn chất chồng, ưu tư vẫn còn nặng trĩu với tất cả thành phần trong xã hội chứ không chỉ riêng gì giáo viên chúng tôi.

Một năm học đặc biệt: không có ngày khai giảng, không có tiếng trống tựu trường, không có màu áo trắng tinh cùng tiếng cười giòn giã cũng như những gương mặt tươi non của  học sinh. Thầy trò chúng tôi sẽ bước vào năm học đặc biệt này với giao diện màn hình máy tính và điện thoại".

Lựa chọn phù hợp

Trước đó, nhiều phụ huynh, học sinh, giáo viên… nêu thắc mắc về việc TPHCM có lùi lịch khai giảng năm học mới hay không? Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, Thành phố vẫn giữ nguyên lịch bắt đầu giảng dạy chương trình năm học mới: học sinh THCS, THPT thực học từ ngày 6/9, học sinh tiểu học thực học từ ngày 20/9.

"Hiện TPHCM có hơn 1.000 trường học được trưng dụng làm khu cách ly, bệnh viện dã chiến, nơi lưu trú cho bộ đội tham gia phòng chống dịch Covid-19. Nếu có lùi thời gian bắt đầu năm học 2021-2022 thêm 1-2 tháng nữa, với tình hình thực tế, học sinh vẫn phải học trên Internet chứ không thể học trực tiếp được", ông Nguyễn Văn Hiếu khẳng định.

Đối diện với nhiều nỗi lo khi có con trai  bước vào lớp 10 tại  Trường THPT Bùi thị Xuân (Quận 1, TPHCM), anh Hồ Như  tâm sự: “Phòng tập Gym của gia đình đã ngưng hoạt động hơn 3 tháng. Hiện cháu chưa mua được sách vở. Bên cạnh đó, con mất thói quen học tập do ở nhà  gần 5 tháng, trong khi đó giờ học qua Zoom dễ bị mất tập trung, khó đạt hiệu quả như mong đợi…”.

Cô Trần Hạ Quyên (GV Trường THPT Tạ Quang Bửu, TPHCM): "Tôi xem như là một thử thách mới trong nghề mà mình phải vượt qua để góp một phần nhỏ vào công cuộc đưa thành phố thân yêu của mình trở về trạng thái bình thường mới”.
Cô Trần Hạ Quyên (GV Trường THPT Tạ Quang Bửu, TPHCM): "Tôi xem như là một thử thách mới trong nghề mà mình phải vượt qua để góp một phần nhỏ vào công cuộc đưa thành phố thân yêu của mình trở về trạng thái bình thường mới”.

Còn cô Trần Hạ Quyên (Trường THPT Tạ Quang Bửu, TPHCM) chia sẻ: “Những ngày qua, giáo viên các cấp học  tại TPHCM đã và đang trang bị cho mình một tâm thế và phương pháp để kịp thích nghi cho việc dạy online.

Nếu nói rằng không buồn thì không đúng nhưng chúng tôi không cảm thấy hụt hẫng. Cá nhân tôi  cũng có chút nôn nao mong chờ gặp học sinh mới.

Tôi nghĩ trong hoàn cảnh hiện nay được làm việc, được gặp học sinh đã là hạnh phúc và may mắn vì còn bao nhiêu con người đang thầm lặng ở tuyến đầu để chúng tôi yên tâm dạy học. Cái gì mới mẻ mà không có khó khăn? Nếu chờ đợi dịch qua thì không biết đến khi nào trẻ con mới được học hành? ”.

Tương tự, thầy Phạm Trung Hữu cho rằng: Các quận, huyện chịu ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19, vì vậy học sinh cũng bị thiệt thòi, từ việc háo hức nhưng chưa được đến trường, đến việc bỡ ngỡ trước hình thức học trực tuyến. Tuy nhiên, hơn bao giờ hết, thành phố và ngành Giáo dục cần sự chia sẻ của phụ huynh học sinh.

“Chúng ta có thể thiếu đi một vài nghi lễ cho năm học mới, nhưng để an toàn cho sức khỏe học sinh và giáo viên, hình thức khai giảng và học trực tuyến là hợp lý. Trong thư  Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi cho ngành Giáo dục nhân ngày tựu trường đã thấy được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát từ phía các cấp lãnh đạo đến nền giáo dục của nước nhà, mà đặc biệt là đối với TPHCM. Qua bức thư này có thể nói đây là nguồn động viên tinh thần lớn nhất đối với giáo viên, học sinh và phụ huynh hiện nay” - thầy Phạm Trung Hữu bày tỏ.

"Mọi khó khăn hiện nay tôi tin rằng dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, cùng với tinh thần đoàn kết của cả dân tộc ắt sẽ chiến thắng trên mọi lĩnh vực mà đặc biệt là giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Sự tâm huyết của đội ngũ giáo viên sẽ là vũ khí sắc bén để khắc phục mọi khó khăn…”-  thầy Phạm Trung Hữu (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai, TPHCM).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chuyên gia đào tạo chia sẻ với học sinh Trường THCS Thành Công.

Cha mẹ hạnh phúc, con thành công

GD&TĐ - Chuyên đề Cha mẹ hạnh phúc, con thành công với góc nhìn mới, tầm quan trọng của "tam giác vàng" gia đình - trẻ em - thầy cô với sự phát triển của trẻ.