Điểm nhấn của ngành GD-ĐT Thủ đô
Ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Trong những năm qua, thành phố và các sở ngành quan tâm chỉ đạo và đầu tư trường, lớp học thực hiện chỉ tiêu trường chuẩn quốc gia.
Trong năm 2017, tổng số trường học được kiểm tra thẩm định công nhận đạt trường chuẩn quốc gia là 130 trường, đạt 162,5% kế hoạch thành phố giao. Số trường đến hạn công nhận lại là 205 trường, ngành GD-ĐT đã kiểm tra thẩm định công nhận lại 127 trường.
Trong năm 2018, thành phố giao xây dựng mới 80 trường chuẩn quốc gia, công nhận lại 189 trường chuẩn quốc gia. Số trường chưa hoàn thành công nhận lại năm 2017 được chuyển sang năm 2018 là 78 trường.
Tuy nhiên, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia cũng gặp phải những khó khăn, trong đó phải kể đến nguồn kinh phí cho đầu tư công.
Thực tế, các huyện gặp khó khăn khi vừa phải lo đầu tư cho trường công nhận mới, đồng thời tiếp tục củng cố đầu tư để công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia. Trong khi đó, các quận gặp khó khăn về quỹ đất để mở rộng trường, do số học sinh tăng.
Trước thực trạng đó, Sở GD&ĐT đã tham mưu với lãnh đạo thành phố chỉ đạo các quận, huyện ưu tiên dành quỹ đất xây dựng cơ sở vật chất trường học đáp ứng theo yêu cầu.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp, tập trung xóa các phòng học cấp 4 xuống cấp ở tất cả các cấp học. Xây dựng, nâng cấp nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn. Tăng cường trồng cây xanh trong khuôn viên trường học tạo cảnh quan môi trường sự phạm thân thiện, xanh - sạch - đẹp…
Có thể nói, kết quả việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là một điểm nhấn của ngành GD-ĐT Thủ đô. Về phía các nhà trường cũng đã nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc xây dựng trường chuẩn quốc gia, nên đã nỗ lực đẩy mạnh chất lượng GD&ĐT. Trong đó, đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Chất lượng ở đây ngoài việc nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ thì yếu tố quan trọng là tâm huyết và trách nhiệm với nghề, đây là cơ sở để nâng cao chất lượng giáo dục. Thêm vào đó, các trường cũng nỗ lực xây dựng môi trường học đường xanh – sạch – đẹp. Đồng thời, đưa ra các lộ trình và giải pháp đạt được các yếu tố, tiêu chí của trường đạt chuẩn quốc gia.
|
Nhiều giải pháp phấn đấu đạt chỉ tiêu được giao
Là huyện ngoại thành, chưa cân đối được ngân sách giữa nguồn thu và chi nhưng với quan điểm chuẩn quốc gia mới chỉ là chuẩn để các vùng miền trong cả nước phấn đấu đạt được, Hà Nội phải phấn đấu các tiêu chí trên chuẩn, nên Đan Phượng đã dành nhiều tâm huyết và kinh phí để xây dựng trường chuẩn, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho con em nhân dân.
Theo bà Đào Thị Hồng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, công tác xây dựng trường chuẩn muốn thành công trước hết phải có nhận thức đúng về tầm quan trọng của nhiệm vụ này. Phải xác định xây dựng trường CQG là giải pháp mang tính đồng bộ để nâng cao chất lượng giáo dục. Đây không phải là nhiệm vụ riêng của ngành Giáo dục mà cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Nhờ sự vào cuộc của hệ thống chính trị, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia ở huyện ngoại thành này đã có những kết quả khả quan. Đan Phượng là huyện duy nhất trong thành phố Hà Nội có một cấp học (cấp tiểu học) đạt 100% trường đạt chuẩn quốc gia.
Cụ thể, toàn huyện có 52 trường thì đã có 43 trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 82,7%), trong đó bậc tiểu học đạt chuẩn 100% từ năm 2014. Đan Phượng phấn đấu năm 2019, 100% trường mầm non đạt chuẩn; năm 2020, tất cả các trường trên địa bàn huyện đều đạt chuẩn.
Trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia hiện nay, có hai khó khăn lớn nhất mà các địa phương gặp phải là thiếu đất hoặc thiếu kinh phí. Với vấn đề khó khăn về đất, ngay từ khi quy hoạch xây dựng các nhà trường, huyện Đan Phượng đã xác định dành diện tích đất trên mức đạt chuẩn theo quy định.
Các trường đã được công nhận đạt chuẩn nếu có cơ hội mở rộng diện tích đất, Đan Phượng sẽ cho quy hoạch và mở rộng. Chính vì vậy, đến nay các trường trong huyện đạt bình quân 10 -13m2/học sinh, có những trường đạt 15m2/học sinh.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, trong năm 2018, thành phố giao xây dựng mới 80 trường chuẩn quốc gia (29 trường mầm non, 22 trường tiểu học, 22 trường THCS, 7 trường THPT), công nhận lại 189 trường chuẩn quốc gia. Số trường chưa hoàn thành công nhận lại năm 2017 được chuyển sang năm 2018 là 78 trường.
Từ đầu năm đến nay, ngành GD-ĐT tiếp tục duy trì tốt hệ thống GD-ĐT trên địa bàn thành phố. Đồng thời, thực hiện rà soát, điều chỉnh bổ sung Quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao về cả số lượng và chất lượng.
Ngoài ra, thực hiện theo chỉ đạo của thành phố, Sở GD&ĐT Hà Nội và các đơn vị khẩn trương triển khai kế hoạch xây dựng trường chất lượng cao và trường chuẩn quốc gia năm 2018 theo định hướng đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại; tiếp tục rà soát, đánh giá và công nhận lại các trường đạt chuẩn quốc gia.
Dự kiến, tổng nhu cầu kinh phí cho phương án cải tạo, sửa chữa và đầu tư trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2020 gần 3.000 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu phương án cải tạo, sửa chữa và đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cho 12 huyện là hơn 2.500 tỷ đồng; nhu cầu phương án cải tạo, sửa chữa và đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở một số đơn vị khó khăn là 351 tỷ đồng.