Ghi nhận cả chuyển biến tích cực và khó khăn
Nghị quyết 29-NQ/TW đặt mục tiêu tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả GD-ĐT; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả.
Đồng thời, xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống GD-ĐT; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
Nhấn mạnh những mục tiêu này, đại biểu Hồ Thị Minh - Trưởng ban Tuyên giáo huyện Hướng Hóa, người từng có thời gian 10 năm công tác trong ngành Giáo dục - cho rằng, kết quả quan trọng nhất, chuyển biến đáng ghi nhận nhất sau 5 năm triển khai Nghị quyết 29 là quy mô giáo dục, mạng lưới trường, lớp học mầm non công lập, tư thục, phổ thông phát triển phù hợp với phân bố dân cư và địa bàn, tạo cơ hội và đáp ứng tốt nhu cầu học tập của con em các dân tộc và việc thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực ngày càng có hiệu quả.
Để thực hiện tốt Nghị quyết 29 cũng cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật trường học theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, hiện đại hóa.
Các cơ sở giáo dục đã từng bước được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; đề cao vai trò của người đứng đầu; đổi mới công tác quản trị trường học; giảm thiểu sự chênh lệch chất lượng giáo dục giữa các trường trong vùng, miền. Chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, nền nếp kỷ cương dạy và học được giữ vững, môi trường giáo dục thân thiện ngày càng phát huy tác dụng, học sinh tích cực, tự giác trong học tập và rèn luyện.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, một trong những hạn chế trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 29 là một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm đến công tác đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, xem đổi mới giáo dục là nhiệm vụ chuyên môn của ngành Giáo dục; công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp có lúc chưa thực sự đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Đồng tình với đánh giá này, đại biểu Hồ Thị Minh cho rằng, công tác phối kết hợp giữa các ngành vẫn còn hạn chế, nhất là các cấp ủy, địa phương chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
|
“Công tác triển khai Nghị quyết ở cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, nhất là ở cơ sở vẫn còn hạn chế; nhận thức của cấp ủy và nhân dân trong việc thực hiện Nghị quyết cũng vậy. Bên cạnh đó, cán bộ quản lý giáo dục còn ngại khó chưa năng động, sáng tạo trong đổi mới quản lý chưa tự giác học tập, nghiên cứu, chậm đổi mới. Một số giáo viên chưa nắm bắt kịp yêu cầu đổi mới trong phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh.
Công tác đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo chuẩn ở một số trường chưa đi vào chiều sâu, còn nể nang, nên chưa phản ánh đúng thực tế năng lực của từng cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. Do nguồn vốn của Nhà nước còn ít nên không đáp ứng kịp thời cho việc xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đổi mới; xây dựng trường chuẩn quốc gia. Chưa huy động được các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cho giáo dục” - đại biểu Hồ Thị Minh nói rõ.
Những việc cần làm để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 29
Để tiếp tục triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW hiệu quả hơn trong giai đoạn tới, điều đầu tiên đại biểu Hồ Thị Minh nhấn mạnh là tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đưa ra. Cụ thể: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với đổi mới GD-ĐT. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD-ĐT theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả GD-ĐT, bảo đảm trung thực, khách quan;
Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Đổi mới căn bản công tác quản lý GD-ĐT, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở GD-ĐT; coi trọng quản lý chất lượng. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT. Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội; nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển GD-ĐT. Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lý. Chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong GD-ĐT.
|
Đại biểu Hồ Thị Minh cũng cho rằng, cần xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng; rà soát và từng bước sắp xếp lại đội ngũ đảm bảo hợp lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và chương trình, sách giáo khoa mới. Tập trung nâng cao trình độ lý luận chính trị, phẩm chất, đạo đức lối sống, và chuyên môn, nghiệp vụ.
Thực hiện sắp xếp quy mô mạng lưới trường, lớp, học sinh trong đó ưu tiên việc thành lập các trường phổ thông dân tộc bán trú, sát nhập các trường phổ thông (tiểu học và THCS) có quy mô nhỏ. Tạo mọi điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát triển loại hình trường.
Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp giáo dục nhằm phát huy tính tích cực chủ động của học sinh, giáo dục học sinh phát triển hài hòa về kiến thức và phẩm chất. Coi trọng việc “dạy chữ” và “dạy người”; tăng cường giáo dục lý tưởng, truyền thống, nhân cách, giáo dục kỹ năng sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân cho học sinh. Tăng cường các hoạt động tập thể, trải nghiệm, giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục hướng nghiệp, giáo dục thẩm mỹ, sức khoẻ và các hoạt động xã hội.