Khắc phục điểm yếu của sinh viên Mỹ thuật Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Năng lực sáng tạo của sinh viên Việt Nam đang thua kém các nước trong khu vực, trong khi các kỹ năng thể hiện, triển khai ý tưởng thường không thua.

Nhà thiết kế Nguyễn Tri Phương Đông trình bày tham luận tại hội thảo khoa học quốc gia "Sáng tạo trong đào tạo Mỹ thuật ứng dụng". Ảnh: NTTU
Nhà thiết kế Nguyễn Tri Phương Đông trình bày tham luận tại hội thảo khoa học quốc gia "Sáng tạo trong đào tạo Mỹ thuật ứng dụng". Ảnh: NTTU

Trường Đại học Nguyễn Tất Thành vừa phối hợp cùng Câu lạc bộ Khối trường Mỹ thuật ứng dụng thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức hội thảo quốc gia "Sáng tạo trong đào tạo mỹ thuật ứng dụng".

Hội thảo nhằm tạo diễn đàn cho các chuyên gia, nghệ sĩ và giảng viên đào tạo mỹ thuật ở các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam trao đổi về học thuật, nghiên cứu khoa học và những vấn đề sáng tạo nghệ thuật và đào tạo mỹ thuật ứng dụng.

Trong phiên khai mạc hội thảo, Nhà thiết kế Nguyễn Tri Phương Đông (từ Mỹ) đã trình bày tham luận về “Nhận thức thiết kế - Giải pháp khắc phục 8 điểm yếu của sinh viên thiết kế mỹ thuật Việt Nam".

Theo đó, tác giả cho rằng, điểm yếu của sinh viên Mỹ thuật ứng dụng tại Việt Nam hiện nay là thường thiếu ý tưởng mới và khả năng giải quyết vấn đề. Cụ thể, họ không tìm ra cách tiếp cận giải quyết các thách thức thiết kế, cũng như chưa sẵn sàng nghiên cứu và khám phá; thiếu khả năng tự học và sợ thay đổi, thử nghiệm ý tưởng mới.

Cũng theo nhà thiết kế này, sở dĩ sinh viên Mỹ thuật ứng dụng có phương pháp học và thiết kế thiếu hiệu quả là do thiếu kiến thức nguyên lý thiết kế; thiếu mới mẻ hay đa dạng trong ý tưởng; tổ chức thiết kế thiếu ý đồ, chú trọng hình thức, xem nhẹ chức năng, không lắng nghe phản hồi từ người khác.

Các nhà nghiên cứu thảo luận tại hội thảo. Ảnh: NTTU

Các nhà nghiên cứu thảo luận tại hội thảo. Ảnh: NTTU

Theo các diễn giả, xã hội phát triển đã tác động nhiều đến các lĩnh vực của đời sống như văn hóa, kinh tế, khoa học, xã hội và giáo dục.

Phát triển đào tạo gắn với nhu cầu xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, là chiến lược hàng đầu mà các cơ sở đào tạo Mỹ thuật ứng dụng đang nỗ lực thực hiện.

Khi nền kinh tế thay đổi, nhu cầu tiêu dùng của con người trong xã hội ngày càng phát triển sẽ đặt ra những đòi hỏi lớn hơn. Sự ra đời của các ngành đào tạo trong nhóm Mỹ thuật ứng dụng là nhu cầu thiết yếu của nền công nghiệp hiện đại.

Triển lãm đồ án tốt nghiệp khối ngành Mỹ thuật ứng dụng của sinh viên. Ảnh: NTTU

Triển lãm đồ án tốt nghiệp khối ngành Mỹ thuật ứng dụng của sinh viên. Ảnh: NTTU

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận nhiều vấn đề về việc đào tạo Mỹ thuật ứng dụng trong thời hiện đại: Cơ chế, chính sách đặc thù cụ thể của ngành chuyên ngành; vấn đề chất lượng tuyển sinh khối ngành Mỹ thuật ứng dụng; nâng cao chất lượng trong lĩnh vực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo của ngành, hợp tác đào tạo và khởi nghiệp.

Ngoài ra, hội thảo còn chia thành các tiểu ban để báo cáo tham luận và thảo luận theo từng nhóm ngành hoặc nhóm chuyên ngành: Thiết kế Nội thất, Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Thời trang, Thiết kế Tạo dáng công nghiệp, Thiết kế Mỹ thuật truyền thống.

Hội thảo đã nhận được 71 bài viết từ 26 đơn vị thuộc các trường trong lĩnh vực đào tạo Mỹ thuật ứng dụng.

Trong khuôn khổ hội thảo còn triển lãm các tác phẩm, đồ án tốt nghiệp xuất sắc của các sinh viên từ 13 trường đại học trong lĩnh vực thiết kế đồ hoạ, nội thất, thời trang, tạo dáng công nghiệp, điêu khắc, gốm, sơn mài trang sức, đồ chơi trang trí thảm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ