Chứng đầy hơi hay nhiều hơi xảy ra khi lượng hơi trong dạ dày và ruột nhiều. Các nhà chuyên môn đã biết: trung bình một ngày ở người lớn có khoảng 17 lần hơi thoát ra ngoài. Hơi vào ruột chủ yếu do nuốt phải khi ăn uống. Khi có nhiều hơi được tạo ra do sự lên men các chất cacbonhydrat chưa tiêu hóa và chất xenlulose sẽ gây ra trung tiện nhiều.
Thành phần hơi trung tiện gồm: H2, CO2, CH4, tất cả đều không có mùi, nhưng kèm theo hơi phân từ ruột già thoát ra theo nên có mùi hôi thối. Hiện tượng sôi bụng là do trong ruột chứa nhiều hơi và tăng nhu động của ruột. Ruột tăng nhu động khi ăn nhiều thức ăn có tính chua, ăn các sản phẩm của sữa, hoặc đang bị viêm ruột.
Bạn có thể khắc phục chứng đầy hơi bằng các cách: hạn chế nhai kẹo cao su vì khi nhai sẽ nuốt nhiều không khí vào ruột. Tránh tình trạng lo âu, vì lo âu thường kèm theo thở sâu và thở dài nên sẽ nuốt nhiều không khí. Không ăn hoặc rất hạn chế ăn các loại thức ăn gây ra nhiều hơi như các sản phẩm từ sữa, canh chua, dưa muối, hạt mít luộc... Nếu tình trạng đầy hơi không cải thiện, bạn nên đi khám chuyên khoa tiêu hóa vì đầy hơi cũng thường gặp trong các bệnh dạ dày - tá tràng, viêm đại tràng...