Khác biệt căn bản của dạy và học thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0

GD&TĐ - Những khác biệt về dạy và học trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 được chia sẻ tại Hội nghị khoa học “Đào tạo nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0” do Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội tổ chức sáng nay (26/2).

Khác biệt căn bản của dạy và học thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0

Tham dự hội thảo có Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội Viettel Nguyễn Mạnh Hùng và cán bộ, giảng viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.

Khác biệt lớn về phương thức dạy học

Trong phát biểu của mình, ông Nguyễn Mạnh Hùng  đã đưa ra những điều vô cùng khác biệt giữa dạy, học trước đây, đối sánh với yêu cầu hiện nay trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo đó, nếu trước đây chúng ta nghiên cứu trong thế giới thực, trong phòng thí nghiệm tốn kém và mất nhiều thời gian, thì nay ta có thể biến thế giới thực thành thế giới ảo, thực hiện nghiên cứu trong môi trường mô phỏng, nhanh mà không tốn kém.

Trước trường đại học dạy sinh viên đào tạo sâu vào các chuyên ngành thì nay lại là đa ngành; trước học 1 trường thì nay càng mở càng tốt, liên kết giữa các trường, với các doanh nghiệp; trước đây ngôn ngữ là giữa người với người, thì nay lại cần biết cả ngôn ngữ người với máy móc nên cần biết lập trình, coding...

Nếu trước đây học để làm cái đã học và làm cái mọi người đã làm, thì nay học để làm cái chưa làm mà chúng ta gọi là sáng tạo. Trước đât ta học để tốt lên từng ngày thì giờ học để đột phá; điều quan trọng là học cách tìm ra vấn đề. Trước đây nghe theo và học thuộc là quan trọng, giờ cần hơn tư duy phản biện; trước dạy học "what", "how", giờ học "why" là quan trọng, vì biết tại sao mới có thể thay đổi và sáng tạo. Trước đây chúng ta dạy sinh viên khi ra trường để trở thành một mắt xích tổ chức trong công ty, thì nay lại dạy sinh viên ra trường để trở thành giám đốc công ty 1 người.

Hội nghị khoa học “Đào tạo nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”
Hội nghị khoa học “Đào tạo nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”

Cũng theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội Viettel, trước đây, "thực" là quan trọng và dạy cái "thực" là chính, giờ mọi cái đã được ảo hóa, nên dạy thế giới ảo và dạy sống, làm việc trong môi trường ảo là quan trọng. Tài sản quan trọng của nhà trường cũng không còn là sách, thư viện, giảng đường… thước đo của trường đại học là mức lương trung bình của sinh viên khi ra trường chứ không phải không rõ ràng như trước đây. Nếu trước cạnh tranh là chúng ta làm giống người khác và làm tốt hơn, giờ cạnh tranh là sự khác biệt là làm khác người khác…

Về người dạy, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nếu trước đây, người dạy giỏi là người giỏi nhất thì bây giờ có thể không như vậy, bởi người giỏi nhất có xu hướng ít học hỏi nên lại có thể trở thành người "dốt".

"Điều duy nhất không thay đổi chính là sự thay đổi, nên chúng ta cần luôn cố gắng, luôn đặt mục tiêu cao hơn, khó hơn để thoát khỏi "vòng tròn an toàn" - ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Cơ sở đào tạo nguồn nhân lực đứng trước đòi hỏi đổi mới

Nhấn mạnh vai trò của giáo dục, tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, hiện nay, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực luôn là nhiệm vụ then chốt để phát triển bền vững, toàn diện cũng như đảm bảo sự thành công của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

"Chúng ta đang đối mặt với sự chuyển đổi mạnh mẽ các mô hình tăng trưởng; nguồn lực quan trọng nhất là con người, với yếu tố liên quan đến năng suất lao động, hiệu quả sản xuất. Từ đó thấy rõ hơn vai trò của cơ sở đào tạo nguồn nhân lực. Nếu chúng ta không tiếp tục đổi mới, sẽ rất khó để đảm bảo được sự chuyển mình, đảm bảo yêu cầu giai đoạn mới" - ông Trần Tuấn Anh cho hay.

Tại hội thảo, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 cũng được tập trung trao đổi.

Ông Kiều Xuân Thực – Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội) nhắc tới sự phân hóa mạnh của thị trường lao động. Trong đó, robot được sử dụng rộng rãi thay con người; lao động kỹ năng thấp và trung bình dư thừa nếu không thích ứng nhanh với sự thay đổi của sản xuất; tăng mạnh nhu cầu lao động có năng lực sáng tạo, hàm lượng chất xám cao để tạo ra giá trị thặng dư lớn.

Cùng với đó là việc không thể dự đoán được các kiến thức, kỹ năng mà thị trường lao động cần trong tương lại gần, bởi công nghệ thay đổi nhanh, nhiều ngành nghề truyền thống biến mất, nhiều ngành nghề mới xuất hiện. Ranh giới giữa các ngành nghề ngày càng mờ nhạt, xu hướng xuyên ngành, liên ngành có gắn kết với CNTT trở nên phổ biến.

“Mục đích của giáo dục 4.0 phải là sáng tạo và tạo ra giá tri; chương trình đào tạo là xuyên ngành. Việc giảng dạy diễn ra ở mọi nơi và đầu ra là người sáng tạo và khởi nghiệp…

Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã có sự chuyển mình kịp thời và nhạy bén khi thay đổi chương trình và phương pháp đào tạo để sinh viên thích ứng với thời cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhà trường thường xuyên nghiên cứu, khảo sát để nắm bắt nhu cầu xã hội; nghiên cứu, phát triển các chương trình đào tạo mới; áp dụng tiếp cận CDIO trong phát triển chương trình đào tạo; đổi mới phương thức, phương pháp đào tạo; phát triển, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên; đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT và truyền thông, đẩy mạnh quốc tế hóa và đổi mới công tác quản lý” – ông Kiều Xuân Thực chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ