Sẻ chia thời cách mạng công nghiệp 4.0

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, “lá lành đùm lá rách” không phải là cách duy nhất để chúng ta sẻ chia “chiếc bánh” chung.

Kinh tế chia sẻ được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho mọi người. - Ảnh minh họa
Kinh tế chia sẻ được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho mọi người. - Ảnh minh họa

Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 1/2018 mới được ban hành, Chính phủ đã thống nhất xây dựng Đề án về mô hình kinh tế chia sẻ.

Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ; phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan dự báo xu hướng thế giới, vận dụng phù hợp với tình hình Việt Nam, tổ chức xây dựng Đề án, bảo đảm tính khoa học, khả thi, đúng hướng; báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 6/2018. Chính phủ cũng phân công Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng Đề án này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong khi xu thế ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh là không thể đảo ngược thì vấn đề quan trọng với Việt Nam hiện nay là làm thế nào để khai thác tối đa điểm mạnh của mô hình kinh tế chia sẻ, đồng thời hạn chế tới mức thấp nhất những bất cập.

Thế nhưng, cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhìn chung sự phát triển của các dịch vụ theo mô hình kinh tế chia sẻ trong thời gian vừa qua còn mang tính tự phát, trong khi các cơ quan quản lý còn khá lúng túng trong việc xác định bản chất và cách thức quản lý mô hình này.

Hệ thống pháp luật về hoạt động kinh doanh của nước ta như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật giao dịch điện tử… và các quy định về thuế hiện nay hầu như còn bỏ ngỏ đối với mô hình kinh tế chia sẻ.

Trong khi đó thì trên thực tế đã có rất nhiều vấn đề phát sinh cần giải quyết. Mới đây nhất, ngay trước dịp Tết nguyên đán, phiên xét xử vụ án dân sự giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (gọi tắt là Vinasun Corp, đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun) và bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn Grab Taxi Việt Nam (gọi tắt là Grab) đã được đưa ra xét xử.

Nhưng sau khi nghe các bên trình bày quan điểm, Hội đồng xét xử quyết định tạm hoãn phiên tòa trong vòng 1 tháng để các bên thu thập, bổ sung chứng cứ. Điều này cho thấy những phức tạp trong vụ tranh chấp này và rộng hơn, của những vấn đề trong nền kinh tế chia sẻ.

Từ góc nhìn khác, theo các chuyên gia kinh tế, một trong những yêu cầu hàng đầu với nền kinh tế Việt Nam hiện nay là phải phát triển bền vững. Đây cũng là yêu cầu được đặt ra trên bàn nghị sự của nhiều diễn đàn hợp tác quốc tế.

"Tăng trưởng bao trùm" cũng là một trong 4 ưu tiên mà Việt Nam đề xuất cho hợp tác APEC 2017 và đã được các nước ủng hộ mạnh mẽ.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, thực tế, Chính phủ đang triển khai có hiệu quả 2 chương trình mục tiêu quan trọng là giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới với tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau, không ai đứng ngoài việc thụ hưởng các thành tựu tăng trưởng.

Nói cách khác, để mọi người đều được hưởng lợi từ tăng trưởng thì Việt Nam cần phải tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, phải tăng trưởng "bao trùm", nghĩa là đất nước phải tiến lên phía trước nhưng không để ai bị bỏ lại phía sau.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, phát triển bền vững là lựa chọn duy nhất trong thời đại ngày nay và việc phát huy sức mạnh toàn dân trong phát triển kinh tế đang đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, việc phát huy sức mạnh của toàn dân ngày nay có thể đi theo một mô thức khác - mô thức kinh tế chia sẻ.

Với sự bùng nổ của kinh tế chia sẻ, với nền tảng thương mại điện tử, với khả năng kết nối chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay, mọi doanh nghiệp và cả các cá nhân có thể trực tiếp thiết lập mạng lưới phân phối của họ. Một người thợ may ở Hội An có thể may áo dài cho một khách hàng tại Mỹ.

Một nông dân ở Đắk Lắk có thể bán cà phê sang tận châu Âu... “Mô thức mới đó không những không thủ tiêu quyền sở hữu của những người sản xuất nhỏ mà còn phát huy được sức sáng tạo vô tận của từng con người”, vị đại diện cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng.

Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã có sự bứt phá với mức 6,81%, là mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây, góp phần đưa tốc độ tăng bình quân 10 năm 2008-2017 lên 6%. Chúng ta cũng đã hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội giao, trong đó có 5/13 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Bước sang năm 2018, ngay trong tháng đầu tiên, nền kinh tế Việt Nam đã có khởi đầu tốt hơn cùng kỳ năm 2017, với ấn tượng mạnh mẽ hơn về việc một số chỉ tiêu đạt tốc độ tăng cao. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn thách thức.

Như đánh giá của Chính phủ, chúng ta được kế thừa những thành tựu quan trọng của 30 năm đổi mới và xu hướng phát triển tốt trên các mặt của năm 2017, nhưng những tồn tại, bất cập nội tại của nền kinh tế tiếp tục bộc lộ rõ nét.

Cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh chưa cao. Dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ hạn hẹp trong khi nhu cầu nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh rất lớn…

Trong bối cảnh đó, việc Chính phủ đưa ra chủ trương có đề án về mô hình kinh tế chia sẻ là cần thiết, chuẩn bị cơ sở pháp lý và các điều kiện cần thiết và các giải pháp liên quan.

Năm 2017 vừa qua, Thủ tướng cũng đã phát động mạnh mẽ các cơ quan Chính phủ và mọi thành phần của nền kinh tế bám sát cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, với việc ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp này.

Cũng tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 1/2018, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tham mưu, đề xuất việc tổ chức một số hội nghị chuyên đề toàn quốc để bàn giải pháp đối với những vấn đề trọng tâm, then chốt trong bối cảnh hội nhập và phát triển đất nước như: năng suất lao động, công nghiệp 4.0, kinh tế chia sẻ…;

Đồng thời tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp đã được đề ra từ các hội nghị trước, tạo chuyển biến thực chất trong việc đưa cơ chế, chính sách đi vào cuộc sống; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2018.

Có thể nói, đây là những những chỉ đạo và phản ứng kịp thời để nền kinh tế Việt Nam có thể thích ứng với những đổi thay lớn đang diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu, phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo cùng mọi nguồn lực để đất nước tiến lên phía trước nhưng không ai bị bỏ lại phía sau và mọi người đều được hưởng thành quả từ tăng trưởng.

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.