Mọi người đều cần tri thức, cần đổi mới sáng tạo
Vì sao vậy? Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tri thức hay đổi mới sáng tạo không chỉ dành cho giới tinh hoa, mặc dù họ là những người dẫn dắt nhân loại tiến lên. Tất cả mọi người đều cần tri thức, cần đổi mới sáng tạo. Nếu chủ động nâng cao năng lực tiếp cận với xu thế tất yếu này, chúng ta hoàn toàn có thể tham gia tích cực vào sự phát triển chung khi cơ hội được mở ra trên khắp các lĩnh vực, chia đều cho tất cả. Nhưng chỉ cần một chút chậm chạp hoặc hài lòng với thành tích ngắn hạn, thì tức khắc sẽ đứng trước nguy cơ mất phương hướng, thậm chí phải trả giá hoặc bị bỏ lại phía sau.
Giáo dục trong cách mạng công nghiệp 4.0
Trong bộn bề của những vấn đề mà xã hội quan tâm thì câu chuyện giáo dục chưa bao giờ bị chìm vào quên lãng, có chăng, lúc thì âm ỉ, lúc thì bùng lên dữ dội, nhất là ở thời của mạng truyền thông Internet. Cũng phải thôi, giáo dục đâu phải chỉ là câu chuyện của những người trong ngành, của các chuyên gia, của những bậc trí giả. Giáo dục là câu chuyện của mỗi người, mỗi gia đình và của toàn xã hội. Giáo dục là chuyện của quá khứ, và quan trọng hơn, còn là chuyện của tương lai - tương lai của những thế hệ tiếp nối, tương lai của quê hương, đất nước.
Lịch sử các cuộc cách mạng, từ chính trị đến khoa học, kỹ thuật cho thấy: không nhất thiết mọi đổi mới đều diễn ra từ tầng cao bên trên, mà có khi lại xuất hiện từ tầng thấp bên dưới. Ở tầng thấp, dễ phát hiện những điều bất cập giữa cơ chế, chính sách đôi khi đã lạc hậu, không còn theo kịp thực tiễn cuộc sống đòi hỏi. Ở tầng thấp, cơ cấu tổ chức nhỏ gọn, dễ xoay trở. Vấn đề là làm sao dám thoát ra khỏi tư duy “bao cấp tư duy”.
Thật xúc động và biết ơn đối với những tấm gương tận tuỵ, tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, niềm khát vọng của nhiều nhà giáo trên mảnh đất Sen hồng. Có người lặng lẽ tìm ra cái mới và chia sẻ cái mới với đồng nghiệp, với học sinh, sinh viên của mình. Có người muốn thoát ra nhưng dường như vẫn e dè. Nói như một doanh nhân: “Vậy là, chúng ta đã nhìn thấy vấn đề rồi”! Nhưng từ “nhìn thấy” cho đến “giải quyết” là một khoảng cách! Khoảng cách ấy xa hay gần phụ thuộc vào mỗi người, bất luận người đó ở đâu, cấp nào, là nhà quản lý hay người thầy trên bục giảng. Mỗi người có một sứ mạng riêng của mình. Người thầy sẽ lựa chọn giữa dạy hết giờ, hết giáo án, hay lồng ghép vào từng tiết giảng, truyền cho học sinh niềm đam mê, lòng khát vọng, kỹ năng sống... Lựa chọn đó chính là thái độ đối với công việc của người thầy.
Giáo dục và đào tạo là một trong những ngành đón nhận nhiều nhất sự tác động từ làn sóng tiến bộ của khoa học và công nghệ. Gần đây, các phương tiện truyền thông đại chúng thường xuyên đưa tin về khả năng bất ngờ và vô hạn của những “Chú rô-bốt biết suy nghĩ, biết chơi cờ, biết tự học”, những “người thầy Internet”. Thông tin này nêu lên vấn đề đáng suy nghĩ: “Trường học có thể cung cấp cho học viên những gì trong thời đại 4.0?”. Theo phương pháp giáo dục truyền thống, vai trò chuyển tải, truyền đạt kiến thức của người thầy là trung tâm, nhưng hiện nay, “thầy Google”, “thầy Youtube”, “thầy Facebook”, “thầy Internet” đang có xu hướng lấn át ở khía cạnh này. Sở hữu kho dữ liệu khổng lồ, những “Người thầy 4.0” này luôn sẵn sàng cung cấp kiến thức gần như miễn phí đến người học mọi lúc, mọi nơi.
Có câu châm ngôn: “Đừng sợ máy móc sẽ thay thế con người, hãy sợ con người dần trở nên máy móc”. Cho nên, mỗi nhà trường cần thông qua những phương pháp tiên tiến, nhân văn và phù hợp để chuyển tải, truyền đạt, hun đúc sinh viên, học viên về thái độ sống và làm việc lạc quan, luôn thích ứng với sự thay đổi, vận động không ngừng của thực tế cuộc sống, về tính hợp tác, khả năng làm việc nhóm, về trí tưởng tượng, sáng tạo, về việc dám ước mơ, và hơn hết, là “niềm tin có thể biến ước mơ thành hiện thực”.
Nhiều nhà giáo đang có cuộc sống khó khăn, thu nhập chưa tương xứng với thiên chức mà xã hội trao cho. Không ít nhà giáo đang có những trắc ẩn trong các mối quan hệ với cấp quản lý, với đồng nghiệp. Hãy nhìn vào những gương mặt trong sáng của học sinh, sinh viên để lòng nhẹ nhàng hơn! Hãy nghĩ đến các em hôm nay, năm mười năm nữa sẽ trở thành những người quyết định sự thịnh vượng của xứ sở này để mỗi nhà giáo trào dâng niềm hạnh phúc, lòng tự hào và tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp khi đứng trên bục giảng!
Ai đó tổng kết rằng: “Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi”! Năng lực của mỗi người là tổng hoà của “kiến thức, kỹ năng và thái độ”, trong “thái độ” quyết định 80% cho sự thành công đó! Một ông giáo làng Fukuzawa Yukichi là người khai sáng tinh thần quốc dân Nhật Bản, đem lại linh hồn, động lực và sự hậu thuẫn tinh thần cho công cuộc Duy tân. Nhờ đó mà nước Nhật trở nên cường thịnh. Nhờ đó mà thế giới khâm phục khi nhìn thấy hàng đoàn học sinh Nhật kiên nhẫn xếp hàng trong các đợt thiên tai, thảm hoạ. Phải chăng, đó là hình ảnh tuyệt vời để những người thầy truyền cảm hứng cho học sinh của mình?
Ngạn ngữ có câu rất hay: “Vấn đề không phải ở chỗ bạn có thể hay không, mà là bạn có làm hay không”! Nhà giáo chúng ta là người “có thể” hay “có làm”? Nếu làm thì bắt đầu từ đâu? Cái gì cần bỏ đi vì đã lạc hậu? Cái gì cần thu nhỏ lại cho bớt đi hình thức? Cái gì cần bổ sung vào để không ngừng hoàn thiện? Cái gì cần mở ra để giải phóng năng lượng trong mỗi cơ sở giáo dục? Trách nhiệm của mỗi cán bộ quản lý và mỗi thầy cô giáo là gì? Hãy tự tìm câu trả lời phù hợp nhất cho mình và cùng nhau chia sẻ!
Để không bị bỏ lại phía sau
Có nhà giáo dục học đã đúc kết rằng: “Dạy chính là học lần thứ hai”. Tinh thần tìm tòi, học hỏi, theo đuổi tri thức cần luôn được hun đúc trong mỗi người chúng ta. Tri thức không chỉ dừng lại ở những tài liệu, kiến thức, nghiên cứu, phát hiện sẵn có mà nhân lên qua từng giây, từng phút nhờ vào các câu hỏi liên tục được đặt ra. CEO của Tập đoàn Viettel Nguyễn Mạnh Hùng đã gợi mở: “Tri thức khởi nguồn từ câu hỏi. Câu hỏi sinh ra tri thức. Nhiều khi phát hiện vấn đề đúng còn quan trọng hơn câu trả lời”. Thế thì tại sao các bạn sinh viên, học viên, lại không tích cực quan sát, phát hiện vấn đề, không mạnh dạn đặt câu hỏi? Để cùng nhau, chúng ta sẽ tìm kiếm giải pháp khả thi, đưa ra câu trả lời thoả đáng cho sự học và sự nghiệp tương lai của chính các bạn.
“Thay đổi”, “Phải thay đổi”, “Thay đổi hay là chết”, đó là những khẩu hiệu luôn được nhắc đến trong thế giới vận động nhanh chóng và không ngừng ngày nay. “Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay”, mong rằng, thông điệp đầy ý nghĩa này luôn thấm đẫm trong từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, sinh viên, học sinh và từng người dân.