(GD&TĐ) - Khoa học ngày càng phát triển. Mặc dù vậy, các nhà khoa học không khỏi ngạc nhiên trước những khả năng kỳ diệu của cơ thể con người. Những khám phá, phát hiện gần đây về cơ thể con người có thể là nền tảng cho những vấn đề liên quan đến sự trường thọ, khả năng và tài năng tiềm ẩn của con người.
Phân biệt được 50.000 mùi
Chúng ta thường ngạc nhiên trước khứu giác tuyệt vời của loài chó trong lúc tìm kiếm các chất cấm hoặc người bị lạc. Tuy vậy, người cũng có khứu giác khá nhạy bén. Theo các nhà khoa học, mũi người có khả năng phân biệt tới 50.000 mùi. Con người còn có khả năng liên kết mùi hương với ký ức.
Hiệu quả của giấc ngủ ngắn
Một giấc ngủ ngắn trong ngày (chợp mắt) có thể mang lại hiệu quả bất ngờ. Theo các chuyên gia, giấc ngủ ngắn không chỉ làm tăng cường khả năng tập trung suy nghĩ mà còn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đau tim, đồng thời cải thiện đáng kể trạng thái tâm lý. Chỉ cần chợp mắt 20 phút là cơ thể bạn lại “tươi mới” trở lại trong vài ba giờ.
Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Hy Lạp cho thấy ở những người chợp mắt ít nhất 3 lần trong tuần nguy cơ tử vong vì bệnh tim giảm tới 37%.
Chiều cao con người biến đổi trong ngày |
Ăn nhiều làm giảm thính lực
Các công trình nghiên cứu cho biết, bữa ăn quá thịnh soạn có thể ảnh hưởng rõ rệt tới độ nhạy của thính giác con người. Tất nhiên đó chỉ là hiệu ứng tức thời và thậm chí ở những người phàm ăn, hiệu ứng này cũng diễn ra khá nhanh và sau đó mọi việc lại trở về bình thường.
Tuy nhiên cũng cần nhớ là không nên ăn quá no trước khi đến rạp xem phim hoặc đi nghe hòa nhạc, bởi điều đó có thể ảnh hưởng tới khả năng cảm thụ của chúng ta.
Chiều cao biến đổi trong ngày
Tất nhiên trong phần lớn các trường hợp đây là những thay đổi không đáng kể. Thế nhưng cũng cần ghi nhận hiện tượng là cơ thể con người “co ngắn lại” trong ngày. Lúc mới ngủ dậy cơ thể cao hơn, lúc đi ngủ - thấp hơn.
Trong lúc ngủ, lượng chất lỏng giữa các đĩa đệm tăng lên, ảnh hưởng đến chiều cao của chúng ta. Vào ban ngày, khi chúng ta thức dậy và hoạt động, lượng chất lỏng này giảm đi và chúng ta “lùn đi” từ vài ba đến hơn chục milimet.
Sức mạnh của dịch vị dạ dày
Chúng ta thường tò mò theo dõi các phản ứng hóa học có sức mạnh tàn phá. Không phải tất cả mọi người đều biết rằng con người cũng có thứ vũ khí tương tự. Nhờ có dịch vị dạ dày, hầu hết mọi loại thức ăn đều có thể tiêu hóa hết. Thậm chí người ta thấy rằng dịch vị dạ dày có khả năng “phá hủy”, chẳng hạn, lưỡi dao cạo râu.
Nhanh như chớp
Các xung thần kinh lan truyền với tốc độ như thế nào? Các nhà khoa học đã tính được tốc độ đó. Theo họ, các xung thần kinh giữa não và các phần còn lại của cơ thể lan truyền với vận tốc chóng mặt: Hơn 270 km trong một giờ.
Nhờ vậy mà gần như ngay lập tức chúng ta cảm thấy đau khi bị vấp chân hay bị ai đó kéo tóc.
Tự sản xuất chất giảm đau
Các nhà khoa học biết rằng cơ thể con người có khả năng tự sản xuất các chất giảm đau. Một trong các thí nghiệm cho thấy sau khi những người tham gia thí nghiệm được cung cấp axit benzoic - một trong những thành phần có trong hoa quả và rau, cơ thể của họ bắt đầu tạo ra axit salicylic, từ axit đó tiếp tục tạo ra dẫn xuất của nó là axit acetylsalicylic - thứ axit dùng để sản xuất aspirin
Theo các nhà khoa học, rau quả có thể có tác dụng tốt trong giảm đau và chống viêm.
Lê Văn Cường (Theo báo nước ngoài)