Kết quả nổi bật trong thực hiện đổi mới chương trình, SGK

Kết quả nổi bật trong thực hiện đổi mới chương trình, SGK

Quyết tâm triển khai

Đó là một trong những nội dung nằm trong Kế hoạch tổng thể của Chính phủ triển khai Nghị quyết 88 và các kết quả đã thực hiện, Kế hoạch triển khai chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và đổi mới sách giáo khoa cho năm học 2020-2021, mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội – chiều 16/5.

Bộ trưởng cho biết: Để triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo quy định tại Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án đổi mới chương trình (CT), sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông và các đề án có liên quan bảo đảm chuẩn bị đồng bộ các điều kiện về đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất thực hiện đổi mới .

Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch thực hiện đổi mới CT, SGK giáo dục phổ thông, giao những nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, địa phương để triển khai.

Hằng năm, căn cứ vào lộ trình, kế hoạch xây dựng CT, SGK mới, Bộ GD&ĐT đã ban hành 15 Thông tư quy định, hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc ban hành CT, tổ chức thẩm định SGK, lựa chọn SGK, tiêu chuẩn, chức danh nhà giáo, bồi dưỡng giáo viên và quy định về cơ sở vật chất, thiết bị trường học phục vụ đổi mới CT, SGK.

Các chương trình, đề án đang được tổ chức triển khai theo lộ trình, bảo đảm đồng bộ.

Kết quả nổi bật trong thực hiện đổi mới chương trình, SGK ảnh 1
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày báo cáo tại Phiên họp

Kết quả thực hiện

Các kết quả đã thực hiện gồm: Ban hành Chương trình giáo dục phổ thông (gồm chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục) kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018.

Về chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, Bộ trưởng cho biết: Căn cứ vào Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 29/4/2016, Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Luật Viên chức, tạo hành lang pháp lý để thực hiện các chính sách liên quan đến xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; rà soát số lượng, cơ cấu, chất lượng và các chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông để đề xuất bổ sung, hoàn thiện;

Ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông; tiêu chuẩn chức danh giám đốc sở GD&ĐT, trưởng phòng GD&ĐT; Quy chế và Chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông ; quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm;

Ban hành quy định về đào tạo văn bằng 2 mã ngành đào tạo giáo viên; nghiên cứu định mức lao động kinh tế kỹ thuật của giáo viên phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bộ GD&ĐT tạo triển khai tập huấn các nhóm đối tượng chính, bao gồm: giảng viên sư phạm chủ chốt của các trường đại học sư phạm; cán bộ quản lý sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo; tổ trưởng chuyên môn; giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán trên toàn quốc.

Việc tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được tổ chức theo mô hình kết hợp bồi dưỡng trực tiếp và qua mạng, trong đó các trường đại học sư phạm có vai trò nòng cốt để phát triển chương trình, tài liệu bồi dưỡng trên hệ thống quản lý học tập trực tuyến;

Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán để hỗ trợ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên, ngay tại trường thông qua hệ thống quản lý học tập trực tuyến.

Về chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, Bộ trưởng cho hay: Thực hiện Quyết định số 1436/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các địa phương đánh giá tình hình và rà soát thực trạng, nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất của từng địa phương;

Chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tham mưu Chính phủ cân đối, bố trí các nguồn vốn để hỗ trợ các địa phương có điều kiện khó khăn thực hiện đầu tư cơ sở vật chất như:

Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 để thực hiện kiên cố hóa trường, lớp học tại các xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

Nguồn vốn hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng khó khăn giai đoạn 2016-2020;

Nguồn vốn hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; nguồn vốn ngân sách địa phương và nguồn thu hợp pháp khác.

Hầu hết các địa phương đã xây dựng đề án cụ thể về chuẩn bị cơ sở vật chất để tổ chức thực hiện, các nguồn vốn hỗ trợ đã được phân bổ cho các địa phương.

Trên cơ sở nguồn vốn được giao, các địa phương đã triển khai đầu tư xây dựng các công trình đáp ứng nhu cầu dạy học theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Kết quả nổi bật trong thực hiện đổi mới chương trình, SGK ảnh 2
Toàn cảnh Phiên họp

5 nhiệm vụ cơ bản

Về chuẩn bị sách giáo khoa: Thực hiện quy định của Nghị quyết 88 về SGK, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT hoàn thành các nhiệm vụ như:

Thứ nhất, tổ chức tổng kết đánh giá ưu điểm và hạn chế, bất cập của SGK hiện hành, chỉ rõ nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm để vận dụng trong tổ chức biên soạn SGK mới theo Nghị quyết 88.

Thứ hai, Ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn, tổ chức cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK; Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Hiện nay, các địa phương đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông hoàn thành việc lựa chọn SGK lớp 1 để triển khai từ năm học 2020-2021.

Thứ ba, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn và tạo điều kiện để có thêm 5 nhà xuất bản ngoài Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam được bổ sung chức năng xuất bản SGK.

Thứ tư, chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các nhà xuất bản khác thuộc ngành Giáo dục tổ chức biên soạn, xuất bản SGK. Đến tháng 7/2019 đã có 3 nhà xuất bản (gồm Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) hoàn thành 49 bản mẫu của 5 bộ SGK của 8 môn học, hoạt động giáo dục lớp 1 để thẩm định.

Thứ năm, tổ chức thẩm định, phê duyệt cho phép sử dụng 5 bộ SGK lớp 1 các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc và 7 SGK môn học tự chọn do các nhà xuất bản tổ chức biên soạn (kết quả thẩm định SGK lớp 1 đã được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Báo cáo số 589/BC-CP ngày 21/11/2019), đánh dấu sự thành công bước đầu của chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.