Dự hội nghị có các thành viên Ban Chủ nhiệm Chương trình, các nhà khoa học, lãnh đạo các ĐHQG Hà Nội, đại học vùng, trường đại học có các đề tài thuộc chương trình.
Tại hội nghị, bà Khiếu Thị Nhàn - Chánh văn phòng Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia về khoa học giáo dục (sau đây gọi là Chương trình) - báo cáo về tình hình thực hiện Chương trình giai đoạn 2016 – 2018.
Phát biểu tại đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ - Chủ nhiệm Chương trình - đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, xây dựng chính sách, dự báo phát triển giáo dục trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo Nghị quyết số 29 của BCH T.Ư Đảng Khóa XI.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu giao nhiệm vụ tại hội nghị triển khai thực hiện Chương trình Khoa học giáo dục năm 2019. Ảnh: Việt Hà |
Khởi động từ năm 2016, được Chính phủ giao nhiều nhiệm vụ, Chương trình đã có sự phát triển mạnh mẽ. Đến nay đã có 50 đề tài nghiên cứu KHCN cấp quốc gia về khoa học giáo dục, trong đó 31 đề tài đã cấp kinh phí thực hiện.
Trong quá trình triển khai, các nhóm đề tài không chỉ có thuận lợi mà còn gặp phải rất nhiều khó khăn do độ rộng của đề tài, mẫu khảo sát lớn, cùng với đó là cơ chế tài chính còn nhiều vướng mắc;
Tuy nhiên, Bộ trưởng đánh giá các nhóm đề tài đã làm việc khoa học, kịp thời báo cáo, xin ý kiến của Ban chủ nhiệm Chương trình để có chỉ đạo hướng tháo gỡ, hoàn thành đề tài đúng tiến độ, chất lượng.
Bà Khiếu Thị Nhàn - Chánh văn phòng của Chương trình báo cáo về tình hình thực hiện Chương trình giai đoạn 2016 – 2018. Ảnh: Việt Hà |
Năm 2019, để các nhóm đề tài của Chương trình có những bước nghiên cứu đúng tiến độ đề ra, đúng mục tiêu, nhiệm vụ được giao, trong hội nghị này, Bộ trưởng đã nghe một số đề tài KHGD báo cáo tiến độ và cả những vướng mắc, tồn tại đang gặp phải để các nhà quản lý, các Cục, Vụ chức năng của Bộ, các nhà khoa học và Ban chủ nhiệm Chương trình tập trung tháo gỡ.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ ra nhiều bất cập, tồn tại để các đề tài cần khắc phục. Giao nhiệm vụ cho Chương trình trong năm 2019, Bộ trưởng yêu cầu: các Vụ, Cục chức năng của Bộ, chủ nhiệm các đề tài rà soát nội dung, nhiệm vụ nằm trong đề tài để phối hợp nghiên cứu sao cho hiệu quả.
Bộ trưởng yêu cầu Chủ nhiệm đề tài tích cực, chủ động hơn nữa trong việc đề xuất những vấn đề then chốt mang tính chiến lược của ngành để tư vấn cho bộ phận xây dựng dự thảo chiến lược quốc gia lĩnh vực giáo dục trong văn kiện Đại hội Khóa XIII của Đảng;
Đại diện các nhóm đề tài nghiên cứu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Việt Hà |
Trong quá trình nghiên cứu, các nhóm đề tài tổ chức tọa đàm chuyên gia để phản biện chuyên môn sâu về nhiệm vụ của đề tài; Tiếp đó là tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến rộng rãi từ dư luận để khi ban hành văn bản, chính sách giáo dục có sự đồng thuận cao; Các Vụ, Cục chủ động giới thiệu cho Chủ nhiệm nhóm đề tài các chuyên gia để tham vấn, mời nghiên cứu, giới thiệu tư liệu, kênh tham vấn hay các đề tài, nội dung có liên quan trước đây hoặc đang có.
Bộ trưởng cũng đề nghị trong quá trình nghiên cứu, chủ nhiệm các đề tài và các Cục, Vụ chọn những nhiệm vụ trọng tâm nhất để khảo sát kinh nghiệm của quốc tế.
Trong công tác truyền thông, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học tham gia các nhóm nghiên cứu, chủ nhiệm đề tài phải tăng cường hơn nữa công tác dự báo phát triển giáo dục gắn với nhiệm vụ đề tài, cùng với các vấn đề “nóng” để chia sẻ, định hướng dư luận; Cụ thể như: vấn nạn bạo lực học đường, gian lận thi cử, đạo đức nhà giáo…
Bộ trưởng nhân mạnh: Đây là những vấn đề nóng mang tính toàn cầu, không chỉ riêng có ở Việt Nam mà các nước có nền giáo dục tiên tiến cũng đang phải đối mặt; do vậy cần phải tích cực truyền thông để xã hội biết được điều này mà bớt đi hiệu ứng tiêu cực với những “điểm nóng”…
Giao những nhiệm vụ trên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kỳ vọng sản phẩm nghiên cứu của các nhóm đề tài đáp ứng được những mục tiêu theo đơn đặt hàng của Bộ, sản phẩm chuyển giao phải trở thành những luận cứ tư vấn chính sách giáo dục…