Tăng cường truyền thông, thúc đẩy công cuộc đổi mới Giáo dục

GD&TĐ - Ngày 22/3 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức Tọa đàm về GD-ĐT với cán bộ tuyên giáo các tỉnh khu vực phía Bắc.  

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Bá Hải
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Bá Hải

Trong bài phát biểu với các cán bộ tuyên giáo tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã cung cấp cái nhìn toàn diện, tổng thể về công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29 của BCH Trung ương Đảng Khóa XI; Về 4 nội dung lớn: Tại sao phải tiến hành đổi mới; các nhiệm vụ và giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện; kết quả đạt được và những vấn đề tồn tại cùng các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.

Nêu ra những kết quả của ngành Giáo dục sau 5 năm đổi mới, được quốc tế ghi nhận nhưng Bộ trưởng cũng chỉ ra những vấn đề đang tồn tại, là rào cản của công cuộc đổi mới. Đó là còn nhiều băn khoăn, bức xúc trong xã hội khi một bộ phận nhân dân còn chưa hiểu, chưa đồng thuận, đồng tình với những đổi mới của phương pháp dạy học, mô hình dạy học mới, hình thức tổ chức dạy học, hoạt động GD đổi mới của ngành. Đó là chưa nói đến tác động của nền kinh tế thị trường vào mặt trái của giáo dục gây nên những “điểm nóng”, bức xúc trong xã hội…

Bộ trưởng nhấn mạnh đến mục tiêu đổi mới, lộ trình và những vấn đề đặt ra hiện nay để chuẩn bị đưa Chương trình, SGK GDPT mới vào giảng dạy, trong đó có những công tác, Bộ đang chủ động triển khai và những công tác, nhiệm vụ của các địa phương; Các địa phương phải chuẩn bị các điều kiện cho Chương trình, SGK mới về đội ngũ giáo viên, dồn dịch điểm trường, đảm bảo cơ sở vật chất, trường lớp học. Bộ trưởng đề cập đến những vấn đề tồn tại ở nhiều địa phương trong mất cân đối, thừa, thiếu đội ngũ giáo viên, một số địa phương vi phạm quy định về bố trí, tuyển dụng giáo viên gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nêu ra những vấn đề trên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mong muốn các cán bộ tuyên giáo tích cực, chủ động truyền thông, định hướng dư luận xã hội và các tầng lớp nhân dân, ghi nhận những cái được của ngành Giáo dục thay vì chỉ trích những hạn chế, yếu kém mà phủ nhận những thành quả của ngành. Đồng thời tích cực tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương những quan điểm về truyền thông để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong quan điểm để định hướng xã hội. Cùng với đó là phải lan tỏa được những thành quả đổi mới của GD địa phương. Bộ GD&ĐT sẽ phối kết hợp với các Bộ, ngành T.Ư có những định hướng để chính quyền truyền thông cho các tầng lớp nhân dân với công cuộc đổi mới GD ở địa phương nhằm tạo môi trường và điều kiện tốt nhất cho con em mình học tập.

Cuối cùng, Bộ trưởng mong rằng, các cán bộ tuyên giáo tham mưu cho tỉnh nhận thức được đúng tầm của công tác chuẩn bị cho Chương trình, SGK GDPT mới, sắp xếp mạng lưới trường lớp hợp lý, bố trí đủ giáo viên giảng dạy về số lượng, cơ cấu, chuẩn bị nguồn lực cho bồi dưỡng giáo viên, củng cố cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy…

Phát biểu kết thúc tọa đàm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long yêu cầu các cán bộ tuyên giáo sau buổi tọa đàm tích cực tìm hiểu sâu hơn nữa những công tác đổi mới của ngành GD theo tinh thần Nghị quyết số 29 để tham mưu cho chính quyền địa phương có những quyết định đúng hướng về đổi mới, phát triển GD-ĐT; Chủ động cung cấp thông tin cho báo chí về đổi mới GD trong các buổi giao ban; Tích cực hơn nữa trong giải quyết những vấn đề “nóng” ngay tại địa phương, không để vấn đề của địa phương mình ảnh hưởng đến ngành Giáo dục cả nước và sự nghiệp giáo dục của Đảng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ