Kết quả cuộc đàm phán giữa Tổng thống Putin và Lãnh đạo Kim Jong un

GD&TĐ - Nga và Triều Tiên đã ký hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện khi Tổng thống Putin có chuyến thăm Bình Nhưỡng.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: TASS)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: TASS)

Dưới đây là một số nội dung phát biểu của Tổng thống Putin sau cuộc hội đàm ở Bình Nhưỡng được hãng thông tấn TASS của Nga đưa tin:

Hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện

Hiệp ước sẽ đưa sự tương tác giữa 2 nước “lên một tầm cao mới” thay vì chỉ dựa vào những thành tựu đã có.

Văn kiện này "đặt ra các nhiệm vụ và tiêu chuẩn quy mô lớn cho việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ Nga-Triều về lâu dài". Điều này gồm các lĩnh vực chính trị, thương mại và đầu tư, văn hóa, nhân đạo và an ninh.

Ngoài ra, hiệp ước quy định "sự hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp có hành vi xâm lược chống lại một trong các bên".

Mối quan hệ ngày càng phát triển

Nga không loại trừ việc phát triển hợp tác kỹ thuật quân sự với Triều Tiên liên quan đến hiệp ước đã ký kết.

Hai nước đang phát triển quan hệ trong lĩnh vực giáo dục: "Hiện có 130 công dân Triều Tiên đang học tập tại Nga. Chúng tôi sẽ mở rộng sự hợp tác này trong tương lai".

Hai nước đang phát triển hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, văn hóa và nhân đạo. Ví dụ, "dưới sự bảo trợ cá nhân của đồng chí Kim Jong Un, đoàn múa ba lê thuộc chi nhánh Primorsky của Nhà hát Mariinsky đã có chuyến lưu diễn rất thành công ở Triều Tiên."

Ngoài ra, các bên cũng đã xác lập công việc trong lĩnh vực du lịch. Các nhóm du lịch đang được thành lập để phục vụ trong mùa hè này, tập trung vào việc giải trí tại các khu nghỉ dưỡng ven biển Triều Tiên.

Kim ngạch thương mại giữa các nước tuy còn khiêm tốn nhưng đang có xu hướng tăng lên: Năm 2023 kim ngạch thương mại tăng gấp 9 lần, 5 tháng đầu năm nay tăng thêm 54%.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đặt hoa tại đài tưởng niệm những người lính Liên Xô đã hy sinh trong quá trình giải phóng Triều Tiên khỏi Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai. (Ảnh: Sputnik)

Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đặt hoa tại đài tưởng niệm những người lính Liên Xô đã hy sinh trong quá trình giải phóng Triều Tiên khỏi Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai. (Ảnh: Sputnik)

Vấn đề an ninh quốc tế

Các vấn đề an ninh và chương trình nghị sự quốc tế đã nhận được sự quan tâm đáng kể tại các cuộc đàm phán. Nga và Triều Tiên nhất quán bảo vệ ý tưởng xây dựng một trật tự thế giới đa cực công bằng và dân chủ hơn dựa trên luật pháp quốc tế và sự đa dạng về văn hóa, văn minh.

Moscow và Bình Nhưỡng nhất trí về nguyên nhân leo thang căng thẳng quân sự và chính trị: “Chính sách đối đầu của Mỹ là mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự trong tiểu vùng”. Những bước đi như vậy làm xói mòn hòa bình, ổn định và đe dọa tất cả các nước Đông Bắc Á.

Moscow bác bỏ “những nỗ lực đổ lỗi cho Triều Tiên về tình hình ngày càng xấu đi". Bình Nhưỡng có quyền thực hiện “các biện pháp hợp lý” để tăng cường khả năng phòng thủ, đảm bảo an ninh quốc gia và bảo vệ chủ quyền của mình.

Cuộc đàm phán này tại Bình Nhưỡng “sẽ góp phần phát triển hơn nữa tình hữu nghị và quan hệ đối tác giữa Nga và Triều Tiên cũng như tăng cường an ninh trong toàn khu vực”.

Chính sách độc lập

Nga và Triều Tiên "theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập và không chấp nhận ngôn ngữ tống tiền". Lập trường khách quan và cân bằng của Triều Tiên về vấn đề Ukraine, sự hiểu biết về nguyên nhân ban đầu của cuộc khủng hoảng này là "một sự xác nhận rõ ràng khác về đường lối chủ quyền, độc lập thực sự" của giới lãnh đạo Triều Tiên.

Chống lại lệnh trừng phạt của phương Tây

Moscow và Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục phản đối "việc áp dụng các biện pháp trừng phạt như một công cụ mà phương Tây quen sử dụng để duy trì quyền bá chủ của mình trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và các lĩnh vực khác".

Chế độ trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc do Mỹ khởi xướng “đối với Triều Tiên cần được xem xét lại”. Những lời sáo rỗng do các nhà tuyên truyền phương Tây tái hiện không còn có thể che giấu những mưu đồ địa chính trị của họ, kể cả ở khu vực Đông Bắc Á.

Theo TASS

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ