Truyền và giữ lửa nghề giáo

GD&TĐ - “Nghề giáo không phải là nghề giàu sang nhất, nhưng là nghề tạo ra tất cả ngành nghề khác”. Đó chính là niềm tự hào, động lực để những người đã đang và sẽ tiếp bước trong nghề giáo tiếp tục truyền lửa cho bao thế hệ học trò, để trân quý hơn hai chữ “người thầy” dù xã hội thay đổi bao nhiêu đi nữa.

Ảnh MH
Ảnh MH

Không tự dẫm lên “lối mòn” của chính mình

Hơn 18 năm làm giáo viên Ngữ văn ở Trường THPT Quỳnh Lưu 4 (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) - cô Trần Thị Việt Hằng chưa một lần mang danh hiệu giáo viên dạy giỏi tỉnh. Nhưng tiết dạy của cô ở trường lại luôn thu hút học trò và được các em mong đợi. Bởi ở đó, cô đã đem đến những điều mới mẻ, nhiều sáng kiến kinh nghiệm độc đáo cho cả HS lẫn đồng nghiệp của mình.

Đứng lớp nhiều năm, cô thẳng thắn nói về “lối mòn” trong việc truyền thụ kiến thức, chậm đổi mới trong việc dạy môn Ngữ văn. Trong khi đó, xã hội thay đổi, cách nhìn của HS về văn học, về các vấn đề của cuộc sống đã có nhiều khác biệt. Bản thân giáo viên nếu không trăn trở tìm tòi và sách tạo, sẽ tự làm nên lối mòn của chính mình. “Thay vì chúng ta dạy những kiến thức mà giáo viên có thì chúng ta cần dạy những thứ mà HS cần”, cô Việt Hằng chia sẻ.

Cô nhớ lần đầu tiên mình mạnh dạn làm mới trong giờ dạy Văn là ra một đề thi mở. Thay vì phân tích một tác phẩm trong sách, cô đưa ra một lời dẫn “Điều em muốn nói”. Và thật bất ngờ khi các em đã “rút ruột” bày tỏ nhiều suy nghĩ. “Tôi kỳ vọng các em sẽ thể hiện được những ước mơ, khát vọng của tuổi 18 nhưng kết quả là gần 90% bài làm của HS đều viết về nỗi buồn, về sự lo lắng, bất an. Bài thi “lạc quan” nhất là viết về niềm vui khi lần đầu được làm chứng minh nhân dân... Cũng vì đề thi này, sau đó tôi bị lãnh đạo nhà trường phê bình vì đi xa với nội dung giảng dạy”.

Nhưng cũng từ sự cố đầu tiên này khiến cô hiểu rằng, để đổi mới trong giáo dục không dễ. Cái mới trong dạy học, đặc biệt là dạy văn không xa rời những giá trị chân thiện mỹ và phải thức dậy niềm tin, hi vọng, ước mơ cho học trò. Với tâm niệm đó, mỗi một bài giảng, cô giới thiệu cho HS những kiến thức cơ bản, đồng thời mở rộng các vấn đề và khơi gợi để HS thể hiện được suy nghĩ, tình cảm của mình.

Chẳng hạn với câu ca dao: “Thân em như tấm lụa đào/Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”, về nội dung chủ yếu là sự cảm thông cho số phận của một người phụ nữ, không chủ động trong cuộc sống hạnh phúc của mình. Về nghệ thuật, chỉ là so sánh và ẩn dụ. Tuy nhiên, cô đặt thêm câu hỏi cho HS là “phụ nữ hiện đại liệu có than thân nữa hay không”? Và quan trọng nhất là biết tôn trọng mình để phát huy được những giá trị bản thân.

Cùng với việc đổi mới dạy học, cô thường đưa vào đề thi, kiểm tra những câu hỏi từ thực tiễn cuộc sống: Hãy viết một bản nhạc em thích, sắc màu em yêu... “Tôi muốn HS xúc động từ những điều bình thường và trân trọng giá trị cuộc sống. Và người giáo viên phải biết truyền lửa cho HS, tạo cho các em biết tư duy, khả năng tự học và sáng tạo”.

Cô cũng là cây viết tích cực cho nhiều chuyên san tạp chí văn học và giáo duc và khuyến khích HS của mình tham gia gửi bài cho các tạp chí, sách báo... Với những nỗ lực này, nhiều năm liên tục cô Hằng đạt danh hiệu Giáo viên chủ nhiệm xuất sắc. Cô có nhiều HS giỏi cấp tỉnh và đạt điểm cao tại Kỳ thi THPT quốc gia. Cô cũng là nữ cán bộ công đoàn tiêu biểu Nghệ An giai đoạn 2013 - 2018. Nhưng điều ý nghĩa nhất đối với cô là những kiến thức chia sẻ, tôn trọng yêu thương của mình đã góp phần vào hành trang cho những lứa học trò mang theo trong chặng đường tương lai phía trước.

Theo sư phạm từ lửa nghề của thầy cô

Là giáo viên trẻ nhất Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) – Lê Văn Tú luôn cảm thấy biết ơn những người thầy đã truyền cảm hứng, giúp đỡ mình, để hôm nay Tú được trở về đứng trên bục giảng ngôi trường cũ. Lúc còn là cậu HS chuyên Hóa, Tú lần lượt giành giải Ba, rồi giải Nhì HSG Hóa học quốc gia và thi ĐH đạt 27 điểm. Nhiều người khuyên Tú học ngành y – ngành hot trong xã hội hiện đại. Nhưng bản thân Tú đã có lựa chọn của mình và trở thành SV ĐH Sư phạm Hà Nội.

Nói về lựa chọn của mình, Tú chia sẻ: Em nhớ thầy Đậu Văn Mùi – nguyên là Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Phan Bội Châu – luôn khuyến khích HS giỏi theo nghề sư phạm. Năm Tú đang học lớp 12, thầy có đến lớp và hỏi: Trong lớp mình có ai chọn ngành sư phạm không? “Cả lớp chỉ một mình em giơ tay và em có hỏi thầy: Học xong chúng em có cơ hội về Trường Phan Bội Châu để dạy không.

Khi đó, thầy không khẳng định là “có” hay “không” mà nói: Lúc này các em đang ở “trường làng” và sau này ra khơi tầm nhìn các em sẽ khác. Nếu đã lựa chọn ngành Sư phạm, cơ hội của các em sẽ rất nhiều chứ không chỉ riêng Trường Phan. Lời nhắn nhủ của thầy, cùng với tất cả sự quan tâm, yêu thương, tận tụy vì HS của các thầy cô khác đã khiến Tú muốn được nối nghiệp trở thành 1 giáo viên.

Năm 2017, Lê Văn Tú tốt nghiệp Khoa Sư phạm Hóa học (ĐH SP Hà Nội) với tấm bằng giỏi. Cùng lúc này, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) “khuyết” 1 giáo viên Hóa. Em mạnh dạn viết thư ngỏ và cầm hồ sơ xin việc đến gặp hiệu trưởng nhà trường và được tạo cơ hội để thử việc. Đến nay, cậu học trò cũ trường Phan đã có hơn 1 năm được đi dạy.

Dù con đường để trở thành một giáo viên chính thức của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu còn nhiều thử thách nhưng Tú tâm sự: Theo đuổi nghề giáo viên phải là người có sự kiên trì, không chỉ ở chuyên môn mà còn nhiều kỹ năng khác, đặc biệt là phải truyền được cảm hứng cho học trò, để các em học bằng đam mê yêu thích môn học chứ không phải là ép buộc.

Bản thân em mỗi lúc gặp khó khăn lại nhớ đến lý do mình bắt đầu. Nhớ đến năm xưa mình đi học hoàn cảnh gia đình vất vả, đã được thầy cô, nhà trường giúp đỡ ra sao. Để tự bảo mình phải cố gắng làm tốt hơn nữa, giúp đỡ học trò của mình trong học tập và cuộc sống, như các thầy đã làm.

Đó là điều tuyệt vời nhất mà không phải nghề nào cũng làm được. Cũng bởi vậy mà Lê Văn Tú quan niệm rằng: Khi xác định đến với nghề giáo, thì phải xuất phát từ lòng yêu nghề, nếu không yêu nghề thì hãy làm một công việc khác. Nếu xem nghề sư phạm chỉ đơn thuần để kiếm tiền, thì làm tổn hại đến nhiều thế hệ HS và như thế sẽ làm tổn hại cho xã hội.

Ai trong đời cũng có một người thầy

Đặng Quỳnh Hương là SV duy nhất của K56 Sư phạm Toán (ĐH Vinh) xuất sắc đạt điểm tổng kết tròn 4.0 năm học 2017 – 2018. Kết quả đáng ngưỡng mộ này đối với Hương là cả một sự nỗ lực bền bỉ trong học tập và niềm đam mê với Toán học. “Em hầu như không bỏ buổi học nào trên lớp. Các thầy cô có một tầm kiến thức rất phong phú, uyên bác.

Mình tự đọc giáo trình không thể nào bằng có thầy cô dẫn dắt. Thứ hai là mình phải dành tâm huyết cho việc học. Nắm vững kiến thức cùng với một chút chăm chỉ, đạt điểm 7 – 8 trong các bài thi là không khó. Nhưng để đạt điểm giỏi, nhất là điểm tuyệt đối thì yêu cầu cao hơn nhiều về cả tư duy, phương pháp” - Hương nói.

Nữ sinh cũng cho biết em đề cao việc tìm hiểu bản chất kiến thức hơn là nặng về tính toán, ghi nhớ. Trước một định luật, định nghĩa… em luôn đặt ngược lại câu hỏi tại sao họ lại làm ra định nghĩa đó, và tìm cách chứng minh. Cách học như thế giúp mình hiểu sâu hơn về môn học. Trong suốt 4 năm học của mình, ngoài kiến thức, Hương và các bạn cũng được thầy cô tập trung bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm. Đây chính là điều em cảm thấy khác biệt và khó khăn nhất so với việc học Toán đơn thuần như một môn học.

“Ở đây em học cách dạy, cách truyền tải kiến thức cho HS, xử lý các tình huống sư phạm. Nhiệm vụ của mình không chỉ là giải Toán, mà phải hiểu sâu sắc ý đồ của tác giả khi biên soạn, phân phối chương trình. Thời điểm em ra trường cũng là lúc Bộ GD&ĐT thực hiện chương trình phổ thông tổng thể và thay sách giáo khoa.

Vì thế, các giảng viên, trong đó là thầy Phạm Xuân Chung – tham gia đóng góp dự thảo chương chình phổ thông tổng thể - luôn nhấn mạnh, tập trung hướng dẫn cho chúng em phương pháp dạy học đáp ứng đổi mới giáo dục. Dạy học theo hướng phát triển năng lực của HS. Vì thế, em thấy tự tin và may mắn khi được trang bị đầy đủ kiến thức kỹ năng đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp”.

Đến với ngành Sư phạm vào thời điểm này đối với Quỳnh Hương là một lựa chọn đầy thử thách vì cơ hội việc làm không rộng cửa như những ngành nghề khác. Nhưng Quỳnh Hương cho biết qua từng năm học, em lại càng thấy yêu nghề hơn. Tình cảm đó được hun đúc qua các thầy cô giáo đã không ngừng không ngừng truyền lửa, nhiệt huyết và lòng yêu nghề cho SV sư phạm.

“Em nhớ mãi một người thầy từng đúc rút và chia sẻ với chúng em: “Nghề giáo trong xã hội hiện nay không phải là nghề cao sang quyền quý, kiếm được nhiều tiền tài danh vọng, nhưng đó là nghề tạo ra tất cả ngành nghề khác. Bất cứ ai muốn làm gì, đều có người thầy của cuộc đời họ. Gốc rễ cuộc sống nằm ở cái nghề của chúng ta”.

Trong một khoảng thời gian ngắn đi kiến tập trước đó, trực tiếp dạy học, thấy các em ngoan, tôn trọng thầy cô, khiến em cảm nhận rõ hơn, thấy tự hào về nghề sư phạm. Đó cũng là động lực để em phấn đấu sau khi ra trường, sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn để trở thành một cô giáo. Em tin rằng khi mình cố gắng và đủ giỏi thì chắc chắn ở một nơi nào đó sẽ có chỗ cho mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ