Cách truyền cảm hứng Địa lý của Nhà giáo ưu tú trẻ nhất Sóc Trăng

GD&TĐ - Năm 2017, tỉnh Sóc Trăng có 30 nhà giáo được phong tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo ưu tú, trong đó có thầy Nguyễn Văn Nhân, được xem là nhà giáo ưu tú trẻ tuổi nhất của ngành giáo dục tỉnh.

Thầy Nhân trong giờ dạy
Thầy Nhân trong giờ dạy

Yêu thích Địa lý

Nhà giáo Nguyễn Văn Nhân sinh năm 1980 trong một gia đình nông dân ở phường 1, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Năm 1998, thầy thi đậu vào Trường CĐSP Sóc Trăng, chuyên ngành sư phạm Địa lý - Lịch sử. Tốt nghiệp ra trường, thầy được phân công về giảng dạy tại Trường THCS Long Tân.

Lý giải vì sao chọn môn Địa lý để giảng dạy, thầy Nhân vui vẻ chia sẻ: “Đất nước ta rất giàu đẹp. Còn quê hương Ngã Năm của tôi là vùng đất rất đặc biệt, có nhiều di tích lịch sử, có nhiều điểm du lịch rất nổi tiếng, là nơi có chợ nổi Ngã Năm đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa; là nơi giáp với các tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang; nơi mà chúng tôi vẫn tự hào “con gà gáy 3 tỉnh đều nghe”.

Vì thế, tôi rất yêu thích môn Địa lý và chọn ngành sư phạm Địa lý với mong muốn giúp các em hiểu hơn và tự hào hơn nữa về quê hương đất nước mình. Theo cảm nhận của tôi, học và dạy môn Địa lý sẽ mở rộng được nhiều kiến thức về tự nhiên, kinh tế - xã hội - văn hóa của đất nước mình và nhiều nước, nhiều khu vực trên thế giới”.

Truyền cảm hứng trong từng tiết dạy

Môn Địa lý trong “xu thế” chung là môn ít được học sinh lựa chọn theo học một cách đam mê thật sự. Vì thế, “Điều quan trọng không phải là truyền đạt thật nhiều kiến thức mà mình có cho các em học sinh, mà là phải hướng dẫn phương pháp học, tạo cảm hứng giúp các em khám phá, tìm hiểu điều các em cần và giúp các em tự học tích cực, truyền cho các em ngọn lửa say mê với tri thức. Vì thế, mỗi tiết lên lớp, tôi đều cân nhắc phương pháp và lượng kiến thức sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh trong mỗi lớp”, thầy Nhân chia sẻ thêm.

Ngoài kiến thức có trong sách giáo khoa, thầy Nhân còn nghiên cứu trong các tài liệu chuyên ngành khác, tìm kiếm trên mạng Internet để truyền tải cho các em có những hiểu biết sâu hơn, rộng hơn, đồng thời lồng ghép thêm những kiến thức về địa lý địa phương vào tiết học. Ngoài ra thầy còn đầu tư thời gian cho việc phát hiện học sinh có năng khiếu, bồi dưỡng cho các em thêm nhiều kiến thức mới, hướng dẫn các em tự học, tự nghiên cứu, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc theo nhóm,.. để đạt kết quả học tập cao.

Để nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn cũng như trao đổi với các đồng nghiệp, thầy đã nghiên cứu đưa ra nhiều sáng kiến kinh nghiệm, đề tài nghiên cứu khoa học được ngành giáo dục đánh giá cao, có những đề tài được ứng dụng như sáng kiến về “Một số phương pháp ôn tập và bồi dưỡng học sinh giỏi môn Địa lý 9 ở Trường THCS Phường 2, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng” đã được áp dụng rộng rãi trong nhà trường từ năm học 2014 - 2015 đến nay đạt được nhiều kết quả cao. Ngoài ra thầy còn có các sáng kiến như “Một số biện pháp của giáo viên chủ nhiệm nhằm nâng cao hiệu quả công tác chủ nhiệm lớp 9”, “Một số phương pháp bồi dưỡng học sinh giỏi môn Địa lý 9” (năm 2016) được đánh giá cao.

Thầy Nguyễn Văn Nhân đón nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú
Thầy Nguyễn Văn Nhân đón nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú 

 Giúp học sinh giỏi môn Địa lý

Về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, tính đến hết năm học 2017-2018, học sinh do thầy hướng dẫn đã đạt 35 giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thị xã môn Địa lý, trong đó có 8 giải Nhất, 8 giải Nhì, 6 giải Ba và 13 giải Khuyến khích. Còn với kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, học sinh của thầy đã mang về cho nhà trường 10 giải, từ giải Nhất cho đến giải Khuyến khích.

Đây là một thành tích rất đáng nể bởi ngôi trường thầy đang công tác là trường thuộc vùng xa của địa phương. Nhiều học sinh của thầy, sau khi vào THPT đã tiếp tục học tốt môn Địa lý và đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh dành cho học sinh THPT. Dư luận trong giới xem đó như là một hiện tượng, một kỳ tích đối với môn học Địa lý.

Thầy Nguyễn Văn Nhân chia sẻ: “Nghề nào cũng vậy, sự đam mê và tình yêu dành cho nghề thì mình mới vượt qua mọi thử thách, khó khăn. Với tôi, đã chọn nghề giáo, chọn bộ môn Địa lý thì tôi sẽ luôn nỗ lực hết mình, tự thắp lửa cho mình để theo đuổi đến cùng sự nghiệp trồng người, đào tạo nhiều thế hệ học sinh cho quê hương. Với tôi, nghề giáo là một nghề cao quý. Mỗi giờ lên lớp, tôi thật sự hạnh phúc khi nhìn thấy những ánh mắt say sưa chăm chú lắng nghe của các em. Đó là động lực rất lớn đối với tôi trong sự nghiệp giảng dạy của mình”.

Với những đóng góp cho ngành giáo dục, thầy Nguyễn Văn Nhân đã nhiều lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; Giáo viên THCS dạy giỏi cấp tỉnh; Giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi THCS cấp tỉnh. Thầy nhiều lần được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Đặc biệt, tháng 11/2017, thầy được nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú khi vừa tròn 37 tuổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ