Thi thăng hạng tại Nghệ An: Nhiều hồ sơ bị loại

GD&TĐ - Thăng hạng giáo viên là cơ hội để các thầy cô được khẳng định, nâng cao trình độ, nâng hệ số lương và các quyền lợi khác. Nhưng thực tế khi rà soát hồ sơ đăng ký thi thăng hạng, nhiều giáo viên không đáp ứng đủ tiêu chí liên quan đến chứng chỉ tin học, ngoại ngữ không hợp lệ.

Thi thăng hạng là cơ hội để GV tăng lương và nâng cao năng lực (Ảnh mang tính minh họa)
Thi thăng hạng là cơ hội để GV tăng lương và nâng cao năng lực (Ảnh mang tính minh họa)

Đảm bảo quyền lợi cho giáo viên

Thầy Trần Đăng Ngân (GV Trường THPT Lê Viết Thuật, TP Vinh, Nghệ An) chỉ còn hơn 1 năm nữa là nghỉ hưu nhưng vẫn quyết định thi thăng hạng giáo viên lên hạng 1 vào cuối năm 2018. Hơn 30 năm trong nghề, thầy Ngân chia sẻ, đây là kỳ thi khó khăn nhất, vất vả nhất mà mình vượt qua.

Sau khi được thăng hạng, hệ số lương của thầy không tăng lên nhiều, từ 6,38 lên 6,78 nhưng thầy khẳng định là tổ trưởng tổ chuyên môn, giáo viên cốt cán của Sở GD&ĐT nên không thể tụt hậu. Trước đó, dù tuổi cao nhưng thầy luôn nỗ lực tìm tòi, sáng tạo và ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Vì vậy, trong kỳ thi, thầy đã hoàn thành tốt các bài thi Tin học, Tìm hiểu kiến thức pháp luật…

Theo quy định có các hạng 1, 2, 3 đối với GV THCS, THPT; hạng 2, 3, 4 đối với GV mầm non, tiểu học. Nếu giáo viên không thi thăng hạng vẫn được bảo đảm chế độ lương và các phụ cấp, trợ cấp khác, nhưng ở hạng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp: Trung cấp đối với giáo viên mầm non, cao đẳng đối với GV THCS và đại học đối với GV THPT. Dù trong quá trình công tác, các giáo viên này đi học để nâng cao trình độ chuyên môn và đạt trên chuẩn thì hệ số lương của họ cũng không được chi trả theo văn bằng mới. Chỉ khi thăng hạng, giáo viên mới được tăng lương theo các hạng, đồng thời cũng là cơ hội trau dồi năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.

Thầy Vũ Văn Tuấn – Hiệu trưởng Trường THPT Quỳnh Lưu 2 cũng vừa thi đạt lên hạng 1 cho biết: Thi thăng hạng không bắt buộc đối với giáo viên nhưng đem lại quyền lợi xứng đáng và giúp GV nâng cao năng lực. Bản thân thầy thi thăng hạng vừa để đáp ứng những đổi mới của giáo dục, nhưng cũng tạo động lực cho các giáo viên trong trường. Hiện đa số giáo viên trong trường đang ở hạng 3, nếu được thăng hạng 2, số lương tăng lên 4 bậc, từ 4,78 lên 6,38 nên nhu cầu thi rất lớn. Trong đó có khoảng hơn 20 giáo viên đã có đầy đủ chứng chỉ theo quy định để nộp hồ sơ.

Trước đó, từ năm 2012 việc thi thăng hạng dừng triển khai do chưa có văn bản hướng dẫn. Điều này khiến giáo viên gặp thiệt thòi. Đến năm 2017, sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 29/2017/TT-BGDĐT về quy chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập, việc thi thăng hạng mới được triển khai tại Nghệ An. Giáo viên mầm non, tiểu học và THCS đã được xét thăng hạng tại các cuộc thi do huyện triển khai. Còn bậc THPT, giáo viên thăng hạng lên hạng 2 do tỉnh chủ trì và thăng hạng lên hạng 1 do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Nhiều hồ sơ không hợp lệ

Theo các văn bản quy định về điều kiện, tiêu chí tham gia thi thăng hạng, giáo viên phải học qua lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian công tác 3 năm liên tục, có đủ phẩm chất đạo đức nghề nghiệp; có chuẩn bằng cấp theo như quy định và được cử đi thi.

Liên quan đến các điều kiện dự thi, qua rà soát có nhiều hồ sơ không đạt yêu cầu đề ra, trong đó tập trung chính vào các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ.

Theo thống kê của ngành Giáo dục Nghệ An, trong đợt thi thăng hạng năm 2018 toàn tỉnh chỉ có 470/1.400 hồ sơ đăng ký dự thi của các huyện gửi đến có đầy đủ chứng chỉ đúng theo quy định. Các hồ sơ bị loại chủ yếu do chứng chỉ ngoại ngữ, tin học được cấp bởi các đơn vị không nằm trong danh sách được Bộ GD&ĐT cho phép (gồm 8 trường đại học được cấp chứng chỉ khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc và 176 đơn vị đủ năng lực cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin). Như trường hợp cô giáo Nguyễn Thị Kim Khuyên, có chứng chỉ B, tiếng Anh do Trung tâm Tin học Ngoại ngữ Vatec cấp, nhưng trên thực tế, trung tâm này lại không có chức năng cấp chứng chỉ.

Tại huyện Thanh Chương, trong đợt thi thăng hạng đầu tiên năm 2018, chỉ có 30/100 giáo viên đăng ký đủ tiêu chuẩn dự thi. Tại huyện Nghĩa Đàn, ông Võ Văn Tú, cán bộ tổ chức Phòng GD&ĐT thông tin: Đợt thi năm 2018, hơn 200 giáo viên của huyện được thăng từ hạng 4 lên hàng 3 (đối với mầm non) và hạng 3 lên hạng 2 (đối với tiểu học, THCS). Đây là điều đáng mừng đối với giáo viên của huyện sau nhiều năm chờ đợi.

Về hồ sơ đăng ký dự thi của giáo viên đều hợp lệ, trong đó có hơn 100 người đang công tác tại trường có đông học sinh DTTS có chứng chỉ tiếng dân tộc Thái thay thế cho chứng chỉ ngoại ngữ. Tuy nhiên, vẫn có nhiều giáo viên của huyện thi và lấy chứng chỉ tiếng Anh A2 do một số trường đại học trên địa bàn tỉnh tổ chức, không đúng theo quy định của Bộ GD&ĐT khi tham gia xét thăng hạng.

Trên toàn tỉnh, có rất nhiều giáo viên tham dự khóa học ngắn hạn ở một số trường ĐH tại Nghệ An để lấy các chứng chỉ ngoại ngữ A2. Chứng chỉ này cũng không được dùng để xét thăng hạng, gây tốn kém thời gian và tiền bạc cho giáo viên. Để giúp giáo viên nắm rõ thông tin, mới đây Sở GD&ĐT Nghệ An đã ra văn bản về việc thi chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Văn bản khẳng định trên địa bàn tỉnh Nghệ An chưa có trường ĐH hoặc trung tâm ngoại ngữ nào đủ điều kiện để Bộ cho phép thi cấp chứng chỉ tiếng Anh 6 bậc theo Thông tư 23. Giáo viên nếu muốn có chứng chỉ ngoại ngữ đúng quy định khi làm hồ sơ xét thăng hạng, phải đến địa chỉ trong danh sách được công nhận của Bộ GD&ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.