Bài 1: Mòn mỏi chờ thăng hạng?

GD&TĐ - Gần đây, rất nhiều giáo viên băn khoăn về việc họ có đủ điều kiện để thăng hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn trong cấp học đang giảng dạy rồi, nhưng bao giờ sẽ được thăng hạng?

Thăng hạng giáo viên là một trong những mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD- ĐT. Ảnh: Quý Trung
Thăng hạng giáo viên là một trong những mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD- ĐT. Ảnh: Quý Trung
 LTS: Trong các chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cấp học mầm non, phổ thông thì thăng hạng là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Được thăng hạng, với mỗi giáo viên không đơn thuần là được tăng thêm bậc lương, mà còn thể hiện sự phát triển về năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời khẳng định vị thế, vai trò của giáo viên trong tập thể sư phạm.
Mong muốn được thăng hạng là nhu cầu chính đáng của mỗi giáo viên cần được cơ quan quản lý các cấp quan tâm, tạo điều kiện cũng như có trách nhiệm tổ chức thực hiện đúng quy định để bảo đảm quyền lợi của đội ngũ. Để giúp quý thầy cô và bạn đọc có cái nhìn đầy đủ về việc thăng hạng đối với giáo viên, Báo Giáo dục và Thời đại xin giới thiệu bài chuyên sâu về vấn đề này.

Sửa đổi quan trọng liên quan đến thẩm quyền tổ chức thăng hạng

Từ năm 2018 trở về trước, việc thăng hạng giáo viên được phân cấp theo từng hạng chức danh nghề nghiệp. Theo đó, Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thăng hạng từ hạng II lên hạng I cho giáo viên trong toàn quốc. Các kỳ thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên còn lại do các cơ quan chủ quản có thẩm quyền quản lý giáo viên tổ chức (bao gồm các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương).

Thực hiện quy định về phân cấp tổ chức thăng hạng, năm 2018, kỳ thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng II lên hạng I do Bộ GD&ĐT tổ chức đã có hơn 2.500 giáo viên THCS, THPT tham dự. Tuy nhiên, các kỳ thăng hạng còn lại do các địa phương, đơn vị tổ chức không đồng loạt và thống nhất về thời điểm nên cho đến nay, kết quả thực hiện giữa các địa phương, đơn vị cũng không đồng đều, cá biệt có những địa phương chưa tổ chức được kỳ thăng hạng nào cho giáo viên các cấp.

Cuối năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có những sửa đổi quan trọng liên quan đến thẩm quyền tổ chức thăng hạng đối với viên chức (Nghị định số 161/2018/NĐ-CP).

Theo đó, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền tổ chức các kỳ thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức có chức danh tương đương chuyên viên chính trở xuống.

Đối với ngành Giáo dục, các chức danh nghề nghiệp giáo viên tương đương với chức danh chuyên viên chính bao gồm: Giảng viên chính (hạng II), giáo viên THCS hạng I, giáo viên THPT hạng I.

Điều đó đồng nghĩa với việc, từ khi Nghị định số 161/2018/NĐ-CP có hiệu lực, Bộ GD&ĐT sẽ không tổ chức kỳ thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng II lên hạng I cho giáo viên phổ thông trong toàn quốc nữa.

Bộ GD&ĐT chỉ tổ chức các kỳ thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên mầm non, phổ thông trong các đơn vị sự nghiệp thuộc và trực thuộc Bộ. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trực thuộc và UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền và trách nhiệm tổ chức các kỳ thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng IV lên hạng III, từ hạng III lên hạng II, từ hạng II lên hạng I cho giáo viên thuộc quyền quản lý.

Thăng hạng với giáo viên là nhu cầu tự thân. Ảnh: Quý Trung
Thăng hạng với giáo viên là nhu cầu tự thân. Ảnh: Quý Trung

Khó khăn lớn nhất liên quan đến phân cấp quản lý

Có lẽ, trong tất cả các ngành, lĩnh vực hiện nay, câu chuyện về phân cấp quản lý đối với ngành Giáo dục luôn là vấn đề phức tạp nhất. Bởi vì, viên chức ngành Giáo dục chiếm số lượng lớn nhất so với viên chức toàn quốc, các chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được Bộ GD&ĐT xây dựng và quy định chung, nhưng cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện đối với các chính sách nhà giáo ở các địa phương không giống nhau.

Do đó, đối với việc tổ chức thăng hạng cho giáo viên mầm non, phổ thông công lập, khó khăn lớn nhất hiện nay liên quan đến vấn đề phân cấp quản lý. Ở một số địa phương, việc tổ chức thăng hạng cho giáo viên tất cả các cấp học, các hạng chức danh nghề nghiệp được giao cho Sở Nội vụ là đơn vị đầu mối. Nhiều địa phương thì giao cho Sở GD&ĐT làm đầu mối. Một số địa phương thì lại giao theo phân cấp quản lý trực tiếp, theo đó, đối với giáo viên các cấp học mầm non, tiểu học, THCS thì do UBND các quận/huyện/thành phố đầu mối tổ chức, còn đối với cấp học THPT thì do sở GD&ĐT chịu trách nhiệm.

Việc phân cấp nêu trên dẫn đến khó khăn về tiến độ thực hiện việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên. Với đơn vị đầu mối là sở Nội vụ của các địa phương, ngoài viên chức ngành Giáo dục, cơ quan này phải chịu trách nhiệm về việc tuyển dụng, thăng hạng, nâng ngạch, bổ nhiệm… đối với cán bộ, công chức, viên chức của tất cả các ngành, lĩnh vực trên địa bàn quản lý. Do đó, việc tổ chức thăng hạng giáo viên sẽ được xếp thứ tự trong bộn bề các công việc của ngành Nội vụ. Cho đến thời điểm hiện nay, cá biệt có một số địa phương chưa tổ chức được bất cứ một kỳ thăng hạng chức danh nghề nghiệp nào cho giáo viên các cấp theo thẩm quyền được giao.

Việc chậm trễ trong công tác tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền sẽ tạo ra sự thiệt thòi cho đội ngũ nhà giáo đã có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định và có nhu cầu thăng hạng, nhất là những nhà giáo đã sắp đến tuổi nghỉ chế độ. Vì thế, thẩm quyền đã giao, các cơ quan, đơn vị, các địa phương cần có sự chủ động, kịp thời trong xây dựng kế hoạch, tổ chức thăng hạng, đừng để giáo viên mỏi mòn chờ thăng hạng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.