Những cây bút tâm huyết với giáo dục vùng khó

GD&TĐ - Để sẻ chia với giáo dục vùng khó, nhiều phóng viên, cộng tác viên bên cạnh việc hăng say làm nghề còn tích cực hoạt động xã hội, hỗ trợ học sinh nghèo… tại ĐBSCL.

Nhà báo Trịnh Chí Hải. Ảnh: TG
Nhà báo Trịnh Chí Hải. Ảnh: TG

Phóng viên 8X giúp trò vùng cửa biển

Anh Trịnh Chí Hải (sinh năm 1988) có thâm niên hơn 10 năm công tác tại Phòng Thời sự - Chuyên đề (Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Cà Mau). Sinh ra và lớn lên ở vùng đất mũi, nơi có hệ thống kênh ngòi dày đặc, bản thân từng có tuổi thơ phải lụy đò, nên hơn ai hết Hải thấu hiểu những khó khăn của học sinh, khi mạng lưới giao thông đường bộ vẫn chưa về đến nhiều địa bàn.

Hơn 10 năm công tác tại Đài PTTH Cà Mau, giáo dục là mảng đề tài Hải được tiếp cận nhiều nhất. Được gặp gỡ thầy cô tâm huyết, đi đến nhiều địa bàn học sinh khó khăn, gặp những tấm gương hiếu học… anh phát hiện không ít vấn đề trong ngành cần sự hỗ trợ, can thiệp kịp thời.

Niềm vui lớn nhất với Hải khi theo đuổi và thực hiện mảng đề tài này trong những năm qua chính là sự hồi đáp từ thực tế. Những trường hợp khó khăn nơi cửa biển, qua bài viết của anh, đã được quan tâm hơn trong mỗi năm học, địa phương thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, động viên.

Đặc biệt, qua bài viết “Chuyến đò chở những ước mơ”, đoạt giải Báo chí Vì sự nghiệp Giáo dục, qua đó đã giúp các em học sinh vùng cửa biển Giá Lồng Đèn xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi được đưa rước và đảm bảo an toàn đến trường cấp 2. Trong năm học 2019 - 2020 tại đây cũng có 11 học sinh tiểu học được tiếp tục đến trường.

Trong hơn 4 năm học qua, vào dịp đầu năm học, anh Hải đều vận động chi phí từ các đơn vị và các mạnh thường quân giúp trẻ em cửa biển trang trải 50% tiền đò thông qua chương trình Chuyến đò an toàn cho học sinh cửa biển, ngoài giúp tiền đò anh còn vận động học bổng, áo phao cho học sinh tại cửa biển Giá Lồng Đèn, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi.

Không chỉ góp phần ngăn tình trạng bỏ học và hỗ trợ cho các em trong mỗi năm học, chuyến đò an toàn cho học sinh cửa biển đã tạo liên kết giữa các đơn vị phối hợp, từ đó vận động được nhiều người, nhiều nguồn cùng chung tay cho công tác giáo dục.

Song song với hoạt động tại địa bàn cụ thể, nhà báo Chí Hải cùng các anh em trong chi đoàn Thời sự - Chuyên đề (Đài PTTH Cà Mau) còn tổ chức và duy trì chương trình gameshow Biệt đội Khăn quàng đỏ, hoạt động với quy mô rộng hơn dành cho học sinh tiểu học và THCS ở các điểm trường tỉnh Cà Mau. Hoạt động được tổ chức với mục tiêu giáo dục cho học sinh về an toàn giao thông, chăm sóc sức khỏe, giáo dục giới tính với phương châm “bạn giúp bạn”. Từ khi tổ chức đến nay được 3 năm, chương trình đã hỗ trợ học bổng khoảng 90 triệu đồng cho học sinh.

Đại diện chi đoàn Thời sự - chuyên đề (Đài PTTH Cà Mau) tặng quà trong chương trình Biệt đội Khăn quàng đỏ.
Đại diện chi đoàn Thời sự - chuyên đề (Đài PTTH Cà Mau) tặng quà trong chương trình Biệt đội Khăn quàng đỏ.

Người thầy viết báo

Nhà giáo Cao Xuân Lương (sinh năm 1965) quê ở miền Tây xứ Nghệ. Năm 1988, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm Vinh, anh được điều động vào công tác tại tỉnh An Giang và phân công về giảng dạy tại Trường THPT An Phú – ngôi trường biên giới của huyện Phú Châu (nay là huyện An Phú).

Năm 1995, nhà giáo Cao Xuân Lương chuyển về công tác tại tỉnh Sóc Trăng, hiện là giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Hoàng Diệu (TP Sóc Trăng). Không chỉ là nhà giáo có uy tín, luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy, mang đến cho các thế hệ học sinh niềm yêu thích và học tập tốt môn Ngữ văn, nhà giáo Cao Xuân Lương còn đam mê viết báo. Hiện, anh cộng tác với khá nhiều báo như Tiền phong, Giáo dục và Thời đại, Công an Nhân dân…

“Tôi đam mê và yêu thích nghề báo, nhưng do điều kiện gia đình nên không thể theo học nghề này. Mãi đến năm 1986, khi là sinh viên năm thứ 2 Trường ĐHSP Vinh, tôi có tác phẩm đầu tay gửi báo và được đăng. Sau lần đó, tôi mạnh dạn gửi bài nhiều hơn, nhằm lấy cái tốt “gột” cái xấu và nêu cái chưa tốt để có sự thay đổi tốt hơn... ”, thầy Lương tâm sự về cơ duyên với việc viết báo.

Dù chỉ là nghề “tay trái”, viết vì đam mê, nhưng nhà giáo Cao Xuân Lương đã đầu tư dụng cụ tác nghiệp không thua phóng viên chuyên nghiệp. Anh không chỉ đi thực tế ở Sóc Trăng mà còn đến các tỉnh trong khu vực, với mảng đề tài khá rộng.

Nhiều bài báo của anh đã đoạt các giải báo chí  như: 1 giải B (Giải báo chí quốc gia năm 2016); giải Nhất cuộc thi “Đuốc sáng Đông du” (viết về gương học sinh nghèo hiếu học ở 19 tỉnh khu vực Nam Bộ, phần thưởng ngoài tiền mặt là chuyến đi Nhật Bản 1 tuần năm 2010); giải Nhất cuộc thi viết về 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; giải Nhất cuộc thi viết về tấm gương nhà giáo Việt Nam năm 2017; hai giải Nhất trong cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do UBND tỉnh Sóc Trăng và Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Sóc Trăng tổ chức. Ngoài ra, còn có hàng chục giải Nhì, Ba và Khuyến khích ở nhiều cuộc thi khác…

Là nhà giáo nên các bài viết thầy Lương thường tập trung vào lĩnh vực giáo dục, nhất là các tấm gương yêu nghề, tận tâm với nghề, học sinh hiếu học; những mô hình hay, cách làm tốt trong ngành; các mảnh đời bất hạnh... Nhiều bài viết của nhà giáo Cao Xuân Lương có sức lan tỏa lớn trong ngành và xã hội như viết về phong trào xã hội hóa giáo dục, hiến đất xây dựng trường học ở địa phương; những tấm gương tiêu biểu trong giáo viên, học sinh…

Một số bài đã sức ảnh hưởng với cộng đồng như: Cô bé chim cánh cụt ở Cù Lao Dung, gương thầy Mai Văn Vân ở Cù Lao Dung, thầy Nguyễn Ngọc Hải ở Kế Sách… Các bài viết của anh đã lan tỏa  đến bạn đọc nhiều câu chuyện đẹp, tấm gương tiêu biểu để nhân lên cái tốt trong ngành, kêu gọi sự đồng hành của xã hội với ngành Giáo dục. Không ít bài viết của thầy Lương còn mạnh dạn đề cập đến những bất cập, mặt trái, được các cơ quan chức năng ghi nhận, từ đó có sự thay đổi tốt hơn.

Với nhà giáo Cao Xuân Lương, niềm vui khi viết báo không đơn thuần chỉ là thấy tên mình trên mặt báo, nhận nhuận bút hay giải thưởng. Niềm mong mỏi nhất của anh là thấy được bài viết của mình đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, góp phần đem lại niềm vui, niềm tin cho nhiều người, giúp học sinh nghèo được hỗ trợ để có điều kiện học tốt, thành công trong cuộc sống…

“Nghề báo đã giúp tôi làm được nhiều việc, không chỉ là viết bài phản ánh. Được đi nhiều nơi và được gặp nhiều người. Thực tiễn là những chất liệu khiến tôi có thêm suy nghĩ mới để xây dựng chương trình phù hợp với vị trí công việc hiện tại, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng, trong đó hướng đến đối tượng chủ yếu là học sinh. Những hoạt động nhỏ đó là cách tôi phát huy nghề nghiệp của mình, giúp tôi thấy nghề báo ý nghĩa, yêu nghề hơn”, anh Hải chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ