Chương trình nông thôn mới - đòn bẩy nâng bước học trò vùng khó

GD&TĐ - Chương trình nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, học sinh là đối tượng được  thừa hưởng nhiều lợi thế về cơ sở vật chất.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Bản Khoang (tỉnh Lào Cai). Ảnh NTCC.
Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Bản Khoang (tỉnh Lào Cai). Ảnh NTCC.

Giáo dục vùng khó thay đổi

Trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 đề ra 19 tiêu chí về xã nông thôn mới, theo đó, nhiều trường học ở vùng cao được đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học nhờ vậy mà chất lượng được nâng lên rõ rệt.

Chia sẻ về tình hình thực tế tại địa phương, ông Hoàng Hồng Giang - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Bản Khoang (tỉnh Lào Cai), cho biết: “Chương trình xây dựng nông thôn mới không chỉ thay đổi diện mạo nông thôn mà còn tạo ra chuyển biến sâu rộng trong đời sống học trò.

Trong đó 19 tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, khi được triển khai đồng bộ đã từng bước tháo gỡ rào cản mà học sinh vùng xa, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải đối mặt trong hành trình tới lớp”.

Một trong những thay đổi dễ nhận thấy nhất là quy hoạch và giao thông. Những năm qua, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, khu dân cư được phân bổ lại khoa học hơn phù hợp tình hình địa phương. Nhờ đó, học sinh được tiếp cận trường lớp dễ dàng hơn, không còn phải học tại các điểm trường lẻ, tạm bợ, xa trung tâm.

Tuy còn nhiều khó khăn, song đường sá cũng được bê tông hóa, giúp học sinh đến lớp an toàn, không còn cảnh thầy trò phải lội suối, băng đèo bám trường lớp.

Tiêu chí trọng tâm về giáo dục tạo nền tảng cho chất lượng giảng dạy, học sinh được học tập được học trong môi trường tương đối công bằng so với học sinh các vùng thuận lợi hơn, được tiếp cận môi trường giáo dục chất lượng đạt chuẩn quốc gia, cơ sở vật chất được nâng cấp, giáo viên được bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên.

Cùng với đó, hệ thống thủy lợi và các biện pháp phòng chống thiên tai được đặc biệt chú trọng cải thiện giúp giảm thiểu gián đoạn học tập vào mùa mưa lũ, vốn luôn là nỗi ám ảnh thường trực với học sinh miền núi.

Tỷ lệ hộ có đăng ký trực tiếp và được sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất đảm bảo an toàn, tin cậy và ổn định cũng tăng lên đáng kể. Khi lưới điện quốc gia vươn tới bản làng, học trò có thêm cơ hội học tập vào buổi tối, có điều kiện tiếp cận các thiết bị học tập hiện đại như máy tính, tivi, điện thoại thông minh, đây là nền tảng quan trọng để học sinh vùng cao từng bước hòa nhập với giáo dục hiện đại.

lop-hoc.jpg
Một tiết học của học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Bản Khoang (tỉnh Lào Cai).

Đời sống người dân được nâng lên

Ở khía cạnh khác, tiêu chí về thông tin và truyền thông góp phần thu hẹp khoảng cách số giữa vùng khó và thành thị. Sóng điện thoại, mạng Internet phủ rộng không chỉ giúp học sinh tiếp cận bài giảng online mà còn kết nối hiệu quả giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương trong quản lý, chăm sóc học sinh.

Y tế gần nhà, hành chính thuận tiện, phổ biến pháp luật đầy đủ, những điều tưởng chừng như xa xỉ trước đây, nay trở thành thuận lợi cơ bản. Trạm y tế được xây dựng khang trang, học sinh được khám sức khỏe định kỳ, tiêm chủng đầy đủ. Các thủ tục liên quan đến giáo dục được giải quyết nhanh chóng. Quan trọng hơn, học sinh và phụ huynh được tiếp cận thông tin pháp luật, hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình.

Về điều kiện sống, các tiêu chí về nhà ở dân cư, thu nhập, giảm nghèo đa chiều đã cải thiện rõ rệt chất lượng cuộc sống của học trò. Khi gia đình ổn định kinh tế, không còn nỗi lo về bữa ăn, mái nhà, học sinh được tiếp tục việc học trong điều kiện tốt hơn. Hạ tầng thương mại nông thôn phát triển cũng giúp phụ huynh có thêm thu nhập từ buôn bán, từ đó đầu tư trở lại cho con cái học hành.

Môi trường sống lành mạnh cũng là điểm sáng. Các tiêu chí về môi trường, chất lượng sống, quốc phòng – an ninh giúp học sinh có không gian sống sạch sẽ, an toàn, tránh xa tệ nạn, yên tâm đến trường. Trẻ em vùng khó không còn bị bỏ quên, mà đã thực sự trở thành trung tâm trong mọi chính sách phát triển.

Chứng kiến những đổi thay của quê hương trong thời kỳ mới, anh Chảo Láo Lở, phụ huynh học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Bản Khoang, ngụ tại xã Ngũ Chỉ Sơn, tỉnh Lào Cai chia sẻ: “Các con cơ bản được hưởng lợi nhiều, sự thay đổi rõ rệt nhất thực chất nằm ở cơ sở hạ tầng được đầu tư hiện đại hóa suốt nhiều năm nay.

Đường liên thôn, đường nội đồng được bê tông hóa và mở rộng, Điện được lắp đặt đến tận hộ gia đình kể cả ở xa nhất trong bản, sóng điện thoại và Internet phủ rộng, giao thương được thuận tiện, buôn bán trao đổi liên tục để phát triển kinh tế hộ gia đình. Những điều đó không chỉ thay đổi bộ mặt xã nông thôn miền núi mà còn trao cho các con cơ hội học tập đổi đời”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện trường vụ nổ trạm xăng ở Rome, ngày 5/7/2025.

Nổ trạm xăng kinh hoàng ở Rome

GD&TĐ -Một vụ nổ lớn đã xảy ra tại một trạm xăng ở phía đông Rome, làm hơn 40 người bị thương, gây thiệt hại trên diện rộng.