Người luôn dõi theo những cây bút trẻ

GD&TĐ - Quê cha ở Hải Phòng, quê mẹ ở Thừa Thiên – Huế, nhưng nhà thơ Nguyễn Liên Châu sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt. Ông vào đời bằng nghề dạy học, nhưng trụ lại với nghề biên tập viên, làm báo và làm sách ở TPHCM. Vậy nên nếu hỏi nguồn cội, ông sẽ đọc thơ mình mà rằng: “Có người đến tự ấu thơ/ Hỏi mây phố núi xưa giờ dạt đâu?/ Tha hương lận đận bạc đầu/ Quê nhà vẫn đó mà lâu chưa về…”.

Nhà thơ Nguyễn Liên Châu
Nhà thơ Nguyễn Liên Châu

1.

Tôi biết đến thơ Nguyễn Liên Châu từ năm thứ hai đại học, qua tập thơ Ngẫu hứng, in chung 5 tác giả, gồm Nguyễn Liên Châu và 4 người bạn của ông.

Nhiều câu thơ của Nguyễn Liên Châu tôi đọc độ ấy đến giờ vẫn nhớ, như: “Trăm năm dồn lại một chiều/ Em đi cho chén quạnh hiu mãi đầy/ Dòng trôi tôi kể từ đây/ Hai bờ lau lách sa lầy nhớ thương”, hay “Hóa vàng một mối tình con/ Tiễn tàn tro những mất còn qua sông”.

Nhớ thương mà bị sa lầy rồi đem hóa vàng cả mối tình thì với một tên đang tuổi yêu tập sự như tôi, nghe phát hoảng và “chịu” liền.

Nhưng phải ba năm sau lần hạnh ngộ trên bề mặt chữ, tôi mới có dịp gặp ông ngoài đời, trong con hẻm nhỏ đường Lê Văn Sỹ, nơi đặt văn phòng tuyển tập thơ văn Tuổi Ngọc mà ông là chủ biên, vào buổi sáng Sài Gòn hanh hao nắng và hiu hắt gió.

Trước khi gặp nhà thơ Nguyễn Liên Châu, không ít lần tôi thấy ông qua các bức tranh ông được bạn bè ký họa. Trong tưởng tượng của tôi, ông là người có vóc dáng nhỏ con, thư sinh. Nhưng thực tế vẫn khiến tôi suýt ngã ngửa.

Chắc chắn ngoại hình Nguyễn Liên Châu khiến không ít người gặp ông phải nghi ngại, rồi đặt câu hỏi, không lẽ chơi với chữ nghĩa cũng là trò… mạo hiểm, theo nghĩa đen? Cứ như thể chữ nghĩa đã ăn mòn con người ông. Nguyễn Liên Châu nhỏ bé như không thể nhỏ bé hơn được nữa.

Ông chỉn chu quần tây “đóng thùng” cùng áo sơ mi. Đúng hơn là ông lọt thỏm, bơi trong bộ đồ của mình. Cảm giác như không phải ông mặc áo mà áo nó mặc ông. Áo làm chủ ông chứ ông không phải chủ của cái áo.

Sau lần gặp đầu tiên, chẳng hiểu sao, mỗi khi nhắc đến nhà thơ Nguyễn Liên Châu, tôi lại liên tưởng sang hình ảnh một chú ve, chú ve trưởng lão. Chú ve cất lời tấu lên bản nhạc chữ cần mẫn theo nhịp bước thời gian.

2.

Nhà thơ Nguyễn Liên Châu do họa sĩ Việt Hải ký họa

Đầu năm 2005, Áo Trắng, tập san thơ văn dành cho học sinh – sinh viên, đình bản, “chết lâm sàng” cho tới năm 2007. Các cây viết trẻ đang bỡ ngỡ tập tành đến với văn chương trở nên bơ vơ không nơi nương tựa.

Đúng thời điểm ấy, nhà thơ Nguyễn Liên Châu quăng ra chiếc phao, là tuyển tập thơ văn Tuổi Ngọc do ông làm chủ biên, nối dài tiếp sân chơi cho các bạn viết trẻ, như điền vào chỗ trống một cách vừa vặn mà Áo Trắng để lại.

Tôi vẫn nhớ nhà thơ Nguyễn Liên Châu là người nhắc tôi: “Thử viết truyện lớn hơn một chút xem sao. Viết cho tuổi mới lớn vậy đủ rồi. Đã đến lúc viết lớn hơn”.

Được kích hoạt, tôi vốn điếc không sợ súng liền liều mình tập làm người lớn trên giấy. Tuổi Ngọc chính là nơi in những truyện dạng “vượt lên chính mình” đầu tiên của tôi. Là động lực để tôi dấn thêm lên.

Sau này đọc lại tôi hiểu, nếu Tuổi Ngọc và nhà thơ Nguyễn Liên Châu cứ nhìn thẳng băng, thẳng tay hơn, khắt khe hơn, thì chưa chắc những truyện ấy lên được mặt báo. Và như vậy, có khi tôi đâm sợ không dám ra gió nữa, quẩn quanh với truyện cho tuổi mới lớn là cùng.

Nhờ sự chăm chút của nhà thơ Nguyễn Liên Châu mà hồi ấy một số cây viết trẻ chúng tôi quần tụ với nhau trên đặc san Tuổi Ngọc cũng như ngoài đời. Đấy là Đinh Anh Tuấn, Thiên Di, Nguyễn Quỳnh, Mễ Thành Thuận, Xuân Huy, Lưu Đình Long, Văn Thành Lê… Người viết truyện ngắn, người viết thơ, người viết tạp bút.

Lâu lâu chúng tôi ngồi lại với nhau. Tán gẫu chuyện viết lách. Rồi tổ chức các chuyến rong ruổi xa Sài Gòn ít ngày. Chúng tôi, những chàng trai cô gái mới tốt nghiệp đại học, chập chững vào đời, mơ mộng văn chương và đôi khi còn bồng bột ảo tưởng sức mạnh của chữ nghĩa.

Thuở ấy đẹp và hừng hực sức trẻ. Sau này mỗi người ổn định theo cách riêng của mình. Có người còn đắm đuối theo con chữ, bắt đầu được ghi nhận, có người rẽ ngang đứt gánh giữa đường. Nhưng lâu lâu vẫn ngồi lại, và khơi gợi nhớ về tháng ngày dan díu với Tuổi Ngọc vô vàn hồn nhiên.

3.

Quê cha Hải Phòng. Quê mẹ Thừa Thiên – Huế, nhưng nhà thơ Nguyễn Liên Châu sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt. Ông vào đời bằng nghề dạy học mãi tận Cà Mau. Rồi trụ lại với nghề biên tập viên, làm báo và làm sách ở TPHCM từ sau năm 1975 đến nay.

Vậy nên nếu hỏi nguồn cội, ông sẽ đọc thơ mình mà rằng: “Có người đến tự ấu thơ/ Hỏi mây phố núi xưa giờ dạt đâu?/ Tha hương lận đận bạc đầu/ Quê nhà vẫn đó mà lâu chưa về (…) Tha hương bạc nhược tự trầm/ Cội nguồn hun hút vọng âm rối bời/ Nhiều tôi dồn hỏi một tôi/ Ấp úng lí nhí đáp lời… sượng trân!”

Ngoài bút danh Nguyễn Liên Châu, ông còn ký các tên khác, là Bùi Hữu Miên, Hồ Quốc Nhạc, Hắc Ngưu, từng như một tay giang hồ đất Cảng quê cha vùng vẫy trên khắp các mặt báo TPHCM, đủ các thể loại từ thơ, thơ thiếu nhi đến truyện cười rải từ báo tuổi nhi đồng đến báo tuổi mới lớn và báo tuổi… hết lớn. Ông chịu khó nhập vai và nhập vai rất nhanh, thành thục trên các trang báo.

Khá nhiều thơ viết cho lứa tuổi học sinh – sinh viên, với nắng ấm sân trường, với nóng lạnh tình yêu đầu đời của Nguyễn Liên Châu được nữ sinh chép vào sổ tay một thời.

Nhiều trường hợp mượn thơ Nguyễn Liên Châu để… tán gái. Có đôi về ở với nhau rồi, thuận vợ thuận chồng rủ nhau đi tát biển Đông thì cảm ơn ông, nhưng cơm không lành canh không ngọt thì lôi tên ông ra mà rủa.

Thêm chuyện chẳng biết nên vui hay buồn, là vào mạng Internet, lâu lâu ông lại thấy thơ mình được khoác bởi tên người khác. Oái oăm hơn, có bạn trẻ liều lĩnh lấy thơ ông rồi “sáng tác” thêm tên mình để dự thi và đoạt giải, khi bị độc giả phát hiện, ban tổ chức mới tá hỏa.

Những chuyện đại loại vậy ông chỉ tặc lưỡi cười, nói đấy cũng là một cách thơ đi vào đời sống. Chẳng biết với ông là không có gì to tát, hay có “to” nhưng ông không muốn “tát” lại, nên đành… cười.

4.

Nhà thơ Nguyễn Liên Châu là người chịu ngồi tỉ tê với các bạn viết trẻ. Ở khoảng không gian nào đó, bên ly cà phê đen ít đường, ông sẵn sàng rút ruột lộn hết túi vốn của mình có để tâm sự truyền lửa cho thế hệ sau.

Những kinh nghiệm viết. Những câu chuyện trong làng văn Sài Gòn trước 1975 đến sau này. Rồi kiến văn của ông. Mỗi lần ngồi với ông kiểu gì cũng cóp nhặt được nhiều điều hay, cần thiết cho nghề viết, đồng thời như được tiếp thêm năng lượng, muốn viết hơn, hăm hở hơn với câu chữ, như được khai thông kinh mạch chữ.

Nghe ông kể chuyện thực hiện các tủ sách/ tập san/ tạp chí văn chương mà không khỏi bồi hồi. Vẫn là muốn tạo sân chơi cho bạn bè và các bạn viết trẻ nên Nguyễn Liên Châu đã tham gia hoặc đích thân làm chủ biên các tờ như: Tuổi hồng, Sinh viên, Hoa niên, Gieo & Mở, Văn chương, Mỹ thuật Thời Nay, Mỹ thuật cười, Áo Trắng, Tuổi Ngọc, Hạnh Ngộ, Văn Tuyển… Mà thời đại bây giờ thì mọi thứ, nhất là các loại hình giải trí, diễn ra nhanh hơn chứ không thể nhấn nha nhấn nhá bình thản như trước.

Không phải Nguyễn Liên Châu không đủ tỉnh táo để biết điều đó. Nhưng ông vẫn lầm lũi đi. May thì có khúc có người đồng hành. Không thì mình ông vẫn đi. Như trót mang kiếp tằm thì phải nhả tơ, chỉ biết nhả tơ, kiên trì nhả tơ…

5.

Vài năm gần đây, nhà thơ Nguyễn Liên Châu bỗng nhiên đi nhiều hơn. Con gái dẫn ông đi nước ngoài. Rồi ông ra Trung tìm về quê mẹ, ra Bắc tìm về quê cha. Tranh thủ rong ruổi theo dọc dài các cung đường khác nữa. Ông đi như cách để thanh lọc tâm hồn. Và rồi thơ, rồi văn lại bủa vây ông.

Bất ngờ nữa là ông cũng cập nhật facebook như các bạn trẻ, lướt trên từng cây số. Cảm giác như ông trẻ ra. Riêng vóc dáng vẫn vậy. Áo quần mặc ông chứ không phải ông mặc áo quần.

Lâu lâu ông gọi điện hoặc gửi email hỏi tôi có truyện gì hay gửi ông đọc để ông in báo nào đấy. Ít gặp ông và không còn tụ tập ở Tuổi Ngọc như xưa, nhưng tôi biết, ông vẫn dõi theo bước đường chữ nghĩa của những người trẻ chúng tôi, như thuở ban đầu ông chỉ dạy cặn kẽ từng chỗ hay chỗ dở.

Ông vẫn vậy, chọn lối yên bình cho thơ và cho cả cách làm sách báo thuở Sài Gòn thuở xa của mình, bởi như cách ông từng nghiệm ở trong thơ, là: “Ngửa lòng đón nhận sắc không/ Hiểu ra cát bụi cũng mong yên bình”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ