Nghề... “nhặt” gió trời

GD&TĐ - Đã 20 năm trôi qua, kể từ lúc bắt đầu làm việc tại cơ quan Báo Giáo dục và Thời đại, giờ đây tôi đã là một trong số những cán bộ, phóng viên có thâm niên tại Báo. 

Nghề...  “nhặt” gió trời

Có lẽ tôi là một trong số rất ít cán bộ nhân viên của Báo có dịp trải nghiệm hầu hết các công việc của một  tòa soạn, từ khối trị sự, quảng cáo và bây giờ là phóng viên. Bạn cũ hỏi tôi: tuổi này rồi, phóng viên làm gì nữa?, chậc lưỡi: Ừ thì “dòng đời xô đẩy” mà! Nói vậy thôi chứ làm “nhà

Phóng viên…trẻ

Khi bắt đầu tôi cũng không tránh khỏi cảm giác lo lắng của một phóng viên trẻ mới vào nghề, dù trước đó cũng đã thực hiện một số bài báo. 

Lần đầu tiên được mời đi thực tế đề viết về phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương, tôi vui lắm, dù cũng rất lo vì không biết nên bắt đầu từ đâu và viết thế nào. 

Đến nơi, ông chánh văn phòng Sở hồ hởi nói, địa phương có nhiều điển hình, sáng kiến và nỗ lực, phong trào cũng đã giúp người dân nơi đây thay đổi cuộc sống... hôm nay, có cả các đồng chí đại diện chính quyền, cơ sở địa phương. 

Các nhà báo có hỏi gì thì hỏi đi, thoải mái nhé! Đang trong tâm trạng lo lắng, tôi buột miệng hỏi lại: “thế hỏi cái gì hả anh? Ông chánh văn phòng chợt ngẩn người mất vài giây rồi cười: Chú cứ đùa anh, các nhà báo hay giả vờ lắm!!!. 

Lúc đó tôi mới nghĩ, nói là phỏng vấn có phải dễ hiểu hơn không, mà kể ra mình cũng dốt thật, đúng là mới vào nghề. Sau chuyến đi tôi cũng đã ghi âm và gom được khá nhiều tài liệu để làm bài, một số tư liệu khác còn được để dành làm “lương khô” cho những bài báo sau.

Trong một chuyến đi khác cùng với mấy phóng viên trẻ của báo bạn. Sau khi đã xuống cơ sở ghi chép thực trạng, phỏng vấn người dân cẩn thận, chúng tôi trở về phòng chức năng của huyện, mặc dù đã có liên hệ trước nhưng khi đến nơi các cán bộ đều… bận việc, không tiếp được. 

Cố gọi mấy số điện thoại mà không ai nhấc máy hoặc ngoài vùng phủ sóng.  Mấy chú phóng viên tỏ ra lo lắng bảo tôi: “Anh ơi, không gặp được thì vụ này mất công toi rồi, làm thế nào bây giờ?”. 

Trong khi thời gian không cho phép ở lại lâu hơn, tôi đành trả lời: “Thôi, không gặp được thì mình về viết là không gặp được, nhà báo phải phản ánh trung thực chứ!”. 

Cứ nghĩ nói vui cho xong, ngờ đâu mấy hôm sau chú phóng viên trẻ gọi điện cho tôi nói: “Cảm ơn bác nhé! Em viết đúng như bác nói, thế là có phản hồi ngay, đúng là đi với nhà báo “lâu năm” có khác, em được học thêm “chiêu” này …”. Tôi chợt thấy vui vui, à thì ra mình cũng có kinh nghiệm làm báo đấy chứ.

Làm báo để chia sẻ

Làm báo giáo dục giúp cho tôi nhiều cơ hội tiếp xúc với nhà giáo. Tôi được gặp các thầy cô giáo từ miền xuôi đã không quản khó khăn gian khổ lên “cắm bản” nơi vùng sâu vùng xa mang con chữ đến với học trò miền núi. 

Thực sự xúc động khi tận mắt chứng kiến các thầy cô giáo đến từng nhà để gọi học sinh đến lớp hay những lớp học dựng bằng tranh tre, nứa lá với chỉ lèo tèo dăm ba học sinh người dân tộc. 

Tôi trò chuyện với những thầy cô giáo miền xuôi đã để lại tuổi thanh xuân nơi vùng sâu, vùng khó, gắn cuộc đời mình với bà con dân tộc, cống hiến tâm sức trong điều kiện sống thiếu thốn, nghiệt ngã. 

Những chuyến đi như thế đã để lại trong tôi một ấn tượng đẹp, sự cảm thông sâu sắc với những người đã và đang làm công tác giáo dục miền núi.

Trở lại với nơi đô thị, tôi gặp những thầy cô giáo tâm huyết với nghề, một giáo viên toán trường THCS đã say sưa cả một buối chiều để trao đổi về vấn đề giáo dục học sinh thời nay, cô đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong việc chạy đua theo thành tích của những trường chuyên, lớp chọn là một nguyên nhân khiến cho học sinh thiếu đi những kỹ năng sống, cô cũng cho rằng cách hành xử của học trò thời nay dù ở mặt tích cực hay tiêu cực đều “gai góc” nhiều hơn so với trước đây. 

Cô đã chia sẻ những kinh nghiệm sư phạm thực tế trong giáo dục, cách động viên, khuyến khích học tập, uốn nắn kỹ năng cho học sinh...

Những cuộc gặp gỡ này đã giúp tôi hoàn thành các bài viết có chất lượng và nhận được những phản hồi tích cực của bạn đọc, đây cũng chính là nguồn động viên lớn để tôi đến với nghề báo. 

Đi nhiều, đọc, nghe cũng nhiều hơn để có thể viết được đầy đủ hơn, những thay đổi đó dường như đã hình thành trong tôi một cái nhìn mới, tư duy mới khoáng đạt hơn. 

Giống như bài hát “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi rất thích lời hát bởi nó thật bình dị, lạc quan nhưng cũng đầy lãng mạn. 

Từ đây tôi cảm nhận nghề làm báo theo cách riêng của mình, tôi đã chọn nghề “nhặt gió trời…”, chọn đường mình đi, chọn niềm vui cho mình, chọn nghề làm báo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ