Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất
Năm học 2023 – 2024, huyện Bình Gia có 54 trường Tiểu học và THCS, là địa phương có số trường bán trú nhiều nhất tỉnh, thời gian qua ngành giáo dục đã được UBND huyện bố trí kinh phí, huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các nhà trường.
Ông Nông Minh Nhường, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bình Gia cho biết: Qua rà soát cơ sở vật chất, Phòng GD&ĐT huyện đã tham mưu UBND huyện đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các phòng học; hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho các trường. Đến nay, hầu hết các trường học ở các bậc học đã được đầu tư xây dựng khang trang, nhiều trường xây dựng được nhà bán trú cho học sinh. Trong năm học, về cơ bản tình hình các trường, lớp được duy trì ổn định, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học, đáp ứng tốt các yêu cầu triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông. Cũng theo trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Gia việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất đã tạo động lực nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Đơn cử như trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn đây là trường có tỷ lệ học sinh người DTTS chiếm tỷ lệ cao với trên 98% chủ yếu là dân tộc Tày và Nùng. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, địa phương nên cơ sở vật chất của nhà trường hiện khá khang trang với đầy đủ các phòng học, phòng bộ môn, khu hiệu bộ.
Thầy giáo Trần Văn Quỳnh, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ chia sẻ: Năm học 2023 – 2024 trường có tổng số 10 lớp với 228 học sinh, đến thời điểm hiện tại cơ sở vật chất của nhà trường cơ bản đáp ứng đủ với 10 lớp học văn hoá, 4 phòng học đặc thù, các trang thiết bị dạy học được cấp đủ cho lớp 1, lớp 3. Đối với một số thiết bị dạy học còn thiếu, thầy cô cũng linh hoạt chế tạo nhằm giúp học sinh nhanh chóng tiếp cận với chương trình học.
Việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất , trang thiết bị dạy học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. |
Đáp ứng nhu cầu, nâng cao chất lượng dạy và học
Còn tại trường mầm non thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, Cô giáo Hoàng Thị Hương, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ năm học 2023 – 2024 trường có tổng số 274 học sinh, với trên 80% là học sinh người DTTS, trường có diện tích 2738,7m2 với 3 điểm trường với 12 phòng học. Các phòng học cơ bản được trang bị đầy đủ các thiết bị như tivi, máy chiếu, đồ dùng đồ chơi theo từng danh mục.
Cũng theo cô Hoàng Thị Hương, cơ sở vật chất được trang bị cho trường mầm non phải đáp ứng được nhu cầu giảng dạy cũng như sinh hoạt của trẻ tại trường. Tạo môi trường thuận lợi nhất để trẻ có thể học tập cũng như phát triển bản thân của mình. Xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng cho trường mầm non cần phải đảm bảo được không gian vui chơi và học tập. Đồng thời đảm bảo một môi trường sạch sẽ thoáng mát và không chứa các yếu tố gây hại đến sức khỏe của bé.
Việc lựa chọn trang thiết bị cũng như đồ chơi phải phù hợp với độ tuổi giảng dạy, ưu tiên lựa chọn các trang thiết bị giảng dạy cũng như đồ chơi có thể hướng đến tính giáo dục toàn diện cho trẻ. Ngoài ra, hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng cần được đảm bảo chất lượng và số lượng phù hợp với học sinh theo học tại trường, giúp trẻ có thể tiếp xúc được cơ sở vật chất hạ tầng tiên tiến để phục vụ tốt hơn cho nhu cầu giảng dạy.
Như vậy, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng nhờ nỗ lực tranh thủ các nguồn lực để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp, đến nay, hệ thống trường lớp học, cơ sở vật chất trên địa bàn huyện đã và đang từng bước được cải thiện đáng kể, góp phần quan trọng vào việc thu hút học sinh đến lớp và nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập.