Giáo viên có “Tâm” - học sinh “than đá” cũng hóa “kim cương”

GD&TĐ - Trong một buổi họp phụ huynh của lớp đầu năm học 2017- 2018, Đoàn Thanh Trang (HS lớp 11, Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội) đã lấy nước mắt và sự xúc động của không ít bậc cha mẹ khi kể lại câu chuyện về sự chuyển hóa kỳ diệu của chính Trang- một cô bé “ngỗ ngược” trong mắt bạn bè và thầy cô trước đây- nhờ cô giáo có “tâm” Hoàng Diệu Thúy.

Giáo viên có “Tâm” -  học sinh “than đá” cũng hóa “kim cương”

Không phải học sinh nào cũng dễ dàng là con ngoan, trò giỏi

Trang kể: Những năm cấp 2, em là một đứa trẻ ngỗ ngược, nghịch ngợm, luôn đầu trò phá thầy cô, trêu chọc bạn bè. Kết quả học tập và ý thức kỉ luật tệ hại đến mức trở thành “điểm đen” trên mọi “cung đường” mà em bước chân qua. “Mọi người ví con như than đá, tránh xa con vì: “chạm vào thì bẩn tay, không may còn rách tay chảy máu”…

Giữa đám đông không có một người cảm thông, thấu hiểu, là thành viên trong lớp học nhưng lạc lõng không được coi trọng lắng nghe. Những mặc cảm ấy đã đẩy con vào sự nổi loạn”- Trang nhớ lại - “Con chẳng thèm quan tâm đến cảm xúc của người khác. Sở thích quái dị của con đó chính là tranh cãi với các thầy cô giáo, cợt nhả láo xược với bạn bè,…càng chán nản, buồn tủi, con càng thích đi gây sự với mọi người.

Đến năm lớp 8 có lẽ là thời gian mà con tụt dốc nhanh nhất, con tìm đến các thú vui như chất kích thích để quên đi. Đã có khi con muốn chối bỏ cuộc đời. Lúc đó con cảm nhận cuộc sống của con đã không còn ý nghĩa. Có những sáng thức dậy trong ngày, con chỉ muốn được thiếp ngủ vĩnh viễn….Tất cả mọi thứ và mọi người đều quay lưng lại với con, thầy cô giáo không tin tưởng, bạn bè xa lánh, gia đình thì thất vọng và chính con còn ghét bỏ bản thân mình. Dẫu cố gắng, song đơn độc trong hành trình vượt lên chính mình, con không thể làm được những gì mong ước. Những năm cấp 2 khép lại. Con vẫn như một vỉa than đá đen đúa tối tăm. Con cần một môi trường để thay đổi, con cần tới một cú hích”.

Học trò chưa ngoan luôn cần một “cú hích”

Trường mới Trang được bố mẹ chuyển đến khác hẳn với trường cấp 2 Trang từng học. Tuy nhiên, những ngày đầu lớp 10, do thói quen cũ của thời cấp 2, Trang vẫn thích đi gây sự, chia bè phái trong lớp. Đi học được một tuần đã phải vào phòng cô chủ nhiệm để “nói chuyện”. Nhưng buổi nói chuyện đó khiến cô học trò “ngỗ ngược” mãi không quên.

Trang kể lại: “Con vẫn không quên được cái buổi nói chuyện giữa hai cô trò hôm đó. Bước chân vào với tâm trạng của một tội đồ, sẵn sàng nổ tung để che đậy cảm giác xấu hổ, sợ hãi….Nhưng khi bước chân ra khỏi phòng cô, con như tưởng mình có thể bay lên vì hạnh phúc. Lần đầu tiên con đã cảm nhận lòng yêu thương tin tưởng từ một cô giáo - mà là lúc con đang mắc lỗi!”

Chính cuộc nói chuyện của cô giáo chủ nhiệm với Trang đã làm thay đổi cách sống cách nghĩ của HS này: “Rất nhẹ nhàng, không một lời trách mắng, kết tội…. cô kể cho con về “than đá” và “kim cương”. Cô nói với con về việc phải tự nhận biết giá trị của mình, vì sự có mặt của ta trên đời là kết tinh của tình yêu thương của cha mẹ. Hơn cả kim cương, con luôn là báu vật mà mẹ cha trân quí. Hãy tỏa sáng và trân trọng giá trị của mình… Cô cho con cảm giác an yên đến độ chính tự con nhận thấy lỗi lầm của mình”.

Buổi nói chuyện với cô giáo chủ nhiệm hôm đó là khởi đầu cho hành trình thay đổi bản thân của Trang. Suốt 2 năm qua, Trang cho biết em luôn có cô giáo đồng hành.

Những người từng biết tới Đoàn Thanh Trang thời cấp 2 nổi loạn như thế nào đã không khỏi kinh ngạc khi gặp lại cô bé nay đã là một HS lớn 11- Một vỉa than đá “đen đúa hắc ám, chạm vào lấm bẩn không cẩn thận rách tay”… nay đã tự thanh lọc mình với ước mong thành kim cương lấp lánh trong mắt gia đình, thầy cô, bạn bè.

Cô giáo Hoàng Diệu Thúy- GV chủ nhiệm của Trang lớp 10, lớp 11 đã tin tưởng vào sự thay đổi của cô học trò nổi tiếng “ngỗ ngược”, cô cho Trang làm lớp trưởng. Cô Thúy không chỉ thấu cảm chia sẻ mà còn giúp nữ sinh vốn “ngỗ ngược” theo thời gian “lột xác” hoàn toàn. Trang ngày trưởng thành trong vai trò lớp trưởng của một tập thể gắn kết yêu thương.

Giờ Trang đã biết cách giải quyết các công việc, tổ chức sự kiện, chủ động lập kế hoạch cho những hoạt động chung của cả lớp, phát hiện khả năng của mỗi bạn, giúp từng thành viên đều được tỏa sáng và quan trọng hơn cả là cách giao tiếp và cách sống. Còn bố mẹ Trang như tìm lại được đứa con tưởng “đã mất” của mình.

Câu chuyện mà Đoàn Thanh Trang trong buổi họp phụ huynh đã khiến cả tất cả những người có mặt như lặng đi vì xúc động. Không ít vị phụ huynh đã khóc. Những giọt nước mắt hạnh phúc nhất chính là của bố Đoàn Thanh Trang.

“Phương pháp giáo dục tốt nhất là biết yêu thương, tin tưởng!”- Cô Hoàng Diệu Thúy (Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội) tâm niệm- Triết lý GD này tôi đã rút ra sau nhiều năm làm GV chủ nhiệm. Ta vẫn biết, giá trị than đá và kim cương là khoảng cách hơn 10 con số, nhưng chúng có chung tính chất hóa học và cùng nguồn gốc các bon. Cái làm nên sự khác biệt của chúng nhiều người cho là ở sự quí thì hiếm. Than đá không hiếm, mà kim cương lại chẳng có nhiều… Trong lĩnh vực giáo dục để một “vỉa than đá” nhân cách thô nhám thành một “viên kim cương” phẩm hạnh long lanh không chỉ cần thời gian mà còn cần tới sự tâm huyết công phu của GV, sự tự nhận thức của từng người học mà trong đó tình yêu thương của GV chủ nhiệm, của gia đình đóng vai trò chủ đạo”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.