Về dạy học ở bản Mọi có nhiều cô giáo đã có “thâm niên” cắm bản, như cô Lương Thị Ba (17 năm), cô Vi Thị Hương và Lê Thị Hương Trà (hơn 12 năm)... Những nữ giáo viên này đã chứng kiến quá trình đổi thay từng bước của bản Mọi. Chỉ mới cách đây vài năm, khi con đường chưa được nâng cấp, việc đi lại hết sức gian nan, vất vả.
Nằm cách trung tâm xã 10 km, xe máy chỉ đi được nửa chặng đường, sau đó phải gửi để cuốc bộ vào bản Mọi. Vào mùa mưa, dòng khe Mọi trở nên hung dữ, nước chảy cuồn cuộn và cuốn theo bao cây cối, làm sạt lở, đứt đoạn cả tuyến đường.
Các cô vào dạy học nhà cách bản từ 10 - 30 km nên hầu hết các thầy, cô phải nghỉ lại điểm trường, chờ cuối tuần mới về thăm nhà và mua sắm lương thực, thực phẩm cho tuần mới. Có những khi mưa lũ kéo dài, nước khe Mọi dâng cao và chảy xiết nên bị “mắc kẹt” mấy tuần liền.
Những lúc như thế, gạo hết, thức ăn cũng hết, việc xoay xở vô cùng khó khăn. Vì dân bản cũng nghèo, không mấy nhà có dư lương thực, thực phẩm để bán. Vườn rau trồng được cũng bị nước lũ phá nát, bản lại bị cô lập nên việc tiếp tế lúc ấy là không tưởng.
Vậy là số gạo còn lại phải dè xẻn, mấy ngày sau phải chuyển sang nấu cháo để tiết kiệm gạo và tiếp tục chờ nước rút. Bây giờ, đường sá đã thuận lợi, các cô đều sáng đi, chiều về để có điều kiện chăm sóc con cái, gia đình.
Cô giáo Lương Thị Ba cho biết: So với trước đây, đời sống người dân bản Mọi đã có nhiều đổi thay. Nhưng so với các bản làng khác của xã Lục Dạ, bản Mọi vẫn thuộc diện đặc biệt khó khăn, vì nằm ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí còn thấp, khả năng áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế...
Vì thế, ý thức chăm lo sự học cho con em của người dân bản Mọi vẫn chưa cao, khả năng tiếp nhận kiến thức của học sinh nơi đây vẫn chưa theo kịp các bản khác. Đó cũng chính là nỗi băn khoăn, trăn trở của các thầy, cô giáo tại điểm trường bản Mọi.
Cô Lê Thị Hương Trà cho biết thêm: Mỗi khi bắt đầu năm học mới, việc động viên học sinh đến lớp là cả một vấn đề nan giải. Vì các em nhỏ thường theo bố mẹ vào rẫy nên các thầy, cô phải cất công tìm đến tận nơi để vận động.
Huy động đủ số lượng học sinh chưa phải đã xong việc, vì có những gia đình hoàn cảnh khó khăn nên không có tiền để lo các khoản đóng góp, mua sách vở, quần áo cho con cái.
Thậm chí, có người đưa con đến lớp và nói: “Theo lời cô giáo, ta cho nó đi học, bây giờ ta giao nó cho cô, cho trường nhờ giúp ta với”. Vậy là các cô phải mua sắm sách vở, bút giấy cho các em theo kịp chương trình.
Còn các khoản đóng góp, nếu phụ huynh nào chưa có tiền nộp thì giáo viên bỏ tiền túi nộp giúp, khi nào có sẽ hoàn trả. Nhưng mỗi khi hỏi, lại nhận được câu trả lời: “Ta chưa có đâu cô giáo à!”. Cho đến khi hết năm học, qua kỳ nghỉ hè, rồi lại bắt đầu năm học mới, số tiền ấy các cô đành phải “quên” luôn.
Cô Vi Thị Thìn kể rằng, đầu năm học mới, lớp cô chủ nhiệm có mấy em không có sách vở, áo quần đều bị rách, chân không có dép. Cô phải lo liệu sách vở, mua cho mỗi em một bộ đồ và đôi dép mới. Bình thường, mỗi giáo viên đều có một hộp bút dự trữ, khi học sinh nào thiếu bút sẽ đưa cho để việc học của các em không bị ngắt quãng.
Mùa Đông đến, nhiều em không đủ áo ấm, đến lớp ngồi co ro, run rẩy ở góc phòng. Không đành lòng nhìn cảnh học trò chịu rét, cô Thìn và các đồng nghiệp mang áo ấm cũ của con em mình đến cho các em mặc.
Sau đó, tiếp tục huy động anh em họ hàng, bà con làng xóm và bạn bè gần xa quyên góp áo ấm để mang đến lớp tặng cho các em, để tất cả các em đều có áo ấm chống chọi với cái rét như cắt da, cắt thịt nơi bản làng biên giới.
Trên đường trở về chúng tôi ghé vào điểm trường chính của Trường Tiểu học 2 Lục Dạ. Qua trao đổi về việc giúp đỡ học sinh khó khăn tại điểm trường bản Mọi, cô giáo Nguyễn Thị Kim Anh- Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: “Đó là việc làm không chỉ của các giáo viên ở bản Mọi mà cả toàn thể cán bộ, giáo viên và nhân viên của trường.
Đầu năm học mới, Ban Giám hiệu nhà trường phát động phong trào “Mỗi giáo viên đăng ký làm một việc tốt và nhận giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”. Cô giáo Kim Anh đưa chúng tôi xem bản danh sách cán bộ, giáo viên, nhân viên đăng ký làm một việc tốt.
Bản danh sách có 41 người, hầu hết đều đăng ký giúp đỡ quần áo đồng phục, áo ấm, sách vở, bút mực cho những em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cô giáo Kim Anh giải thích thêm: “Đây chỉ là bản đăng ký làm một việc tốt, thực tế chúng tôi xác định giúp đỡ học sinh nghèo là việc làm thường xuyên, và có những việc không thể kể ra hết”.
Trên đường trở về phố huyện lòng tôi thầm nghĩ: Đâu đó sự học của con cái còn là gánh nặng của các bậc phụ huynh, nhất là những lớp học đầu cấp, còn nơi đây nhờ có tấm lòng thương yêu học sinh của thầy cô giáo, biết nhường cơm xẻ áo, chăm lo cho các em hơn cả con em mình. Xin viết mấy dòng này để bày tỏ lòng thành và cảm thông sâu sắc với cô giáo cắm bản ở bản Mọi xã Lục Dạ huyện Con Cuông, Nghệ An.