Đến nay, cơ quan chức năng ở địa phương chưa có kết luận về vụ việc này nhưng thông tin do các “nạn nhân” cung cấp được phản ánh đậm nét trên các báo và mạng xã hội, hé lộ góc khuất đáng buồn liên quan đến nghề giáo, vốn được xem là nghề cao quý.
Dư luận cho rằng một số cán bộ quản lý giáo dục và cả quan chức cũng dính líu đến những hành vi “chạy” việc, tiêu cực ở huyện Krông Pắk. Trong đó, giáo viên hợp đồng là nạn nhân khốn khổ nhất. Họ bị lợi dụng hoàn cảnh khó khăn trong công việc để bị “làm tiền” và bị lừa đảo. Thậm chí có Hiệu trưởng còn ăn chặn cả đồng lương còm cõi của giáo viên hợp đồng.
Báo chí đã dẫn lời Thượng tá Nguyễn Văn Dân, Phó Trưởng Công an huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) cho biết, cơ quan điều tra đã triệu tập ông Huỳnh Bê (Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây, xã Vụ Bổn) lên làm việc do người dân, giáo viên gửi đơn tố cáo nhận tiền chạy việc, cắt xén lương của giáo viên.
Cuối năm 2017, Công an huyện nhận được đơn tố cáo của bà C.T.L (trú huyện Krông Pắk) kèm bằng chứng là giấy biên nhận tiền do ông Huỳnh Bê viết, ký tên nhận 300 triệu đồng hứa lo cho con gái bà L. vào dạy tại một trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Trong quá trình triệu tập lên làm việc, ông Huỳnh Bê đã thừa nhận có nhận tiền của bà L. để lo xin việc và thừa nhận chữ ký trong giấy biên nhận là của ông này.
Thượng tá Dân còn cho biết thêm, ngày 14/3, Công an huyện cũng tiếp nhận đơn tố cáo của tập thể giáo viên Trường THCS Ngô Mây tố cáo ông Huỳnh Bê cắt xén lương. Đơn tố cáo do Thanh tra huyện Krông Pắk chuyển sang. Trong 5 tháng (từ tháng 8-12.2017), tổng số tiền 7 giáo viên này nhận tại trường chỉ là 17 triệu đồng, còn chứng từ ở kho bạc là gần 70 triệu đồng…
Trong vụ việc tiêu cực này trách nhiệm trước hết thuộc Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk là ông Nguyễn Sỹ Kỷ từ năm 2011 đến năm 2016 liên tục ký hợp đồng tuyển dụng giáo viên, khiến cho số lượng giáo viên ở các trường trên địa bàn dư thừa nhiều như vậy.
Rồi người kế nhiệm Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk là ông Y Suôn Byă vẫn tiếp tục ra quyết định ký hợp đồng với 109 giáo viên càng làm cho dư thừa nhiều thêm.
Thế nhưng ông Nguyễn Sỹ Kỷ chỉ bị kỷ luật cảnh cáo về Đảng, lại được thuyên chuyển làm Phó Ban nội chính Tỉnh uỷ Đắk Lắk. Còn ông Y Suôn Byă vẫn đương nhiệm Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk đang trong quá trình kiểm tra, xem xét để áp dụng mức độ xử lý phù hợp.
Nhiều ý kiến bức xúc mức độ kỷ luật về Đảng đối với ông Nguyễn Sỹ Kỷ như thế là quá nhẹ và những người như ông Kỷ không nên để trong hàng ngủ của Đảng,cần phải xử lý nghiêm về mặt chính quyền, kể cả trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nếu dính líu đến tiêu cực trong khâu tuyển dụng. Việc thuyên chuyển công tác của ông Kỷ là lên chức, không tương xứng với mức độ kỷ luật về Đảng.
Liên quan đến việc 2 đời Chủ tịch huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) ký tuyển dụng “bừa” với hàng trăm giáo viên, Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, nếu đúng như giáo viên tố có mất tiền để “chạy việc” thì cần phải khởi tố vụ án, làm rõ về hành vi “nhận hối lộ”.
Luận bàn về vấn đề này, ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội trả lời báo chí, cho rằng đã là giáo viên thì không thể làm những việc trái pháp luật, còn cấp có thẩm quyền đừng vì tiền bạc mà nhận họ làm việc để rồi ngày hôm sau lại "ném" họ ra đường.
Tuy nhiên, Luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng không thể và không nên đặt vấn đề liệu giáo viên chấp nhận bỏ tiền chạy việc có bị xử lý về tội đưa hối lộ hay không? Hơn 500 giáo viên huyện Krông Pắk đứng trước nguy cơ bị mất việc là “nạn nhân” cùng cực, chúng ta phải thông cảm, chia sẻ với họ, để họ vượt qua khủng hoảng này.
Bởi không có quan tham thì giáo viên đâu phải làm vậy. Do đó, dứt khoát phải xử lý những quan chức vi phạm thật nghiêm. Điều này sẽ làm gương để các địa phương khác rút ra bài học, cũng như làm trong sạch môi trường giáo dục, lấy lại niềm tin cho những người làm nghề giáo và toàn thể nhân dân.
Sự việc đã dần sáng tỏ khi không ít giáo viên là “nạn nhân” bị dồn vào bước đường cùng đứng trước nguy cơ mất việc đã lên tiếng tố giác nhưng đến nay cơ quan chức năng huyện Krông Pắk và tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa khởi tố vụ án để điều tra? Nếu thế thì đến bao giờ mới giải quyết được vụ hơn 500 giáo viên mất việc ở Krông Pắk?
Từ bài học đắt giá này, trong tuyển dụng, chúng ta cần thiết phải có một quy trình chung thống nhất, chuẩn chỉ, kiên quyết không nhận những giáo viên có chất lượng thấp và những người đút lót để trở thành giáo viên, bởi những người không đủ trình độ sẽ làm “hỏng” cả nền giáo dục, ảnh hưởng đến tương lai của đất nước.