Tạo hứng thú cho học sinh trong giờ học
Là giáo viên dạy tiếng Anh ở vùng nông thôn, nên việc dạy – học của cô – trò cũng gặp một số khó khăn nhất định. Cô Tuấn Anh cho hay: phần lớn các em có quan niệm học để thi lấy bằng tốt nghiệp, rồi đi làm công ty ở các khu công nghiệp nên không cần giỏi tiếng Anh vì cũng không sử dụng đến nó. Với quan niệm đó, nhiều em không thích, thậm chí là ghét học tiếng Anh.
Trước thực trạng trên, cô Tuấn Anh đã tìm nhiều giải pháp để kích thích hứng thú học tập cho các em trong mỗi giờ lên lớp. Theo đó, cô áp dụng các phương pháp dạy – học tích cực, đồng thời giúp các em hiểu được tầm quan trọng và lợi ích khi biết sử dụng tiếng Anh trong công việc như: thuận lợi trong công việc và cuộc sống; có được việc làm tốt; thu nhập cao hơn….
Song điều quan trọng là phải tạo hứng thú cho học sinh trong giờ học. Cô Tuấn Anh bật mí: với kỹ năng nghe, cô dạy học sinh những thủ thuật để học nghe và làm bài nghe. VD: chỉ cần tập trung vào nghe lấy thông tin để trả lời cho câu hỏi, không cần tập trung nghe chi tiết từ đầu đến cuối…
Ngoài ra, cô Tuấn Anh đã có 1 bộ gồm 3 đĩa nghe tiếng Anh lớp 10 – 11 – 12 – Chương trình hệ 7 năm được biên tập lại làm đơn giản hoá bài nghe, giúp học sinh biết được thủ thuật, kỹ năng nghe tiếng Anh, tạo hứng thú trong giờ Listening.
Với kỹ năng nói, cô thường sử dụng bản đồ tư duy, cho học sinh hoạt động cặp, nhóm…. Với kỹ năng đọc, cô giúp các em biết một số mẹo làm bài đọc hiểu. Với từng loại câu hỏi, nên sử dụng cách nào để dễ đạt điểm cao.
Bên cạnh đó, cô thường xuyên áp dụng bản đồ tư duy. Cô đã có đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành: Bộ bản đồ tư duy dạy và học kỹ năng nói tiếng Anh THPT lớp 10, 11, 12 - Chương trình sách giáo khoa hệ 10 năm. Đề tài đã được bảo vệ thành công. Qua đó, giúp học sinh tự tin khi nói tiếng Anh, tạo hứng thú, sôi nổi trong giờ học nói (Speaking).
Với kỹ năng viết, căn cứ cụ thể của từng tiết học viết, cô hướng dẫn học sinh viết thư, viết luận, mô tả biểu bảng, trình bày về một ý kiến, quan điểm…
Cô cung cấp cho học sinh Form chung của từng loại bài, cấu trúc ngữ pháp, từ vựng cần sử dụng để viết… Thậm chí, đối với những học sinh rất yếu, thì bài viết có thể chỉ là thay đổi, điền một số thông tin trong bài viết mẫu.
“Trong giờ dạy tiếng Anh, dựa vào từng chủ đề của bài học, từng kỹ năng, nội dung cụ thể của giờ học, tôi thực hiện dạy lồng ghép giáo dục đạo đức học sinh như: biết yêu thương, chia sẻ và tinh thầm trách nhiệm.
Tôi luôn cập nhật tình hình xã hội, đất nước và trên thế giới, phải tìm hiểu và chọn lọc những thông tin phù hợp. Cách này làm cho bài học trở lên ấn tượng tốt đẹp, dễ nhớ và có ý nghĩa, bổ ích, lý thú hơn” – cô Tuấn Anh chia sẻ.
Giáo dục yêu thương chia sẻ và trách nhiệm
Theo cô Tuấn Anh, mỗi làng quê đều có di sản riêng, có thể là các di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể hoặc phi vật thể. Căn cứ nội dung cụ thể của bài học, giáo viên có thể khéo léo lồng ghép vào bài học về bảo vệ và phát huy giá trị di sản tại địa phương.
Bằng cách này, cô Tuấn Anh đã giúp học sinh không chỉ hiểu được trách nhiệm gìn giữ và phát huy các giá trị di sản, mà còn biết quảng bá hình ảnh của quê hương, đất nước, giúp các em hiểu nhau hơn, đoàn kết hơn.
Không chỉ là giáo viên dạy giỏi, tâm huyết, sáng tạo, cô Tuấn Anh còn tích cực tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm. Cô tâm đắc nhất là sáng kiến: “Lồng ghép giáo dục học sinh chủ đề yêu thương chia sẻ và trách nhiệm trong giờ dạy tiếng Anh”.
“Tôi luôn tâm niệm, ngoài dạy chữ cần chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân cho học sinh. Vì thế, tôi rất tâm đắc với quan điểm: Dạy người – Dạy chữ - dạy nghề” – cô Tuấn Anh bày tỏ.
Chính vì thế, trong giao tiếp, ứng xử với học sinh, cô Tuấn Anh chủ động thay đổi để rút ngắn khoảng cách thầy – trò; từ đó thầy – trò gần gũi, thân thiện và học sinh sẽ thấy hạnh phúc trodayng mỗi giờ lên lớp.
Cô Tuấn Anh cũng vận dụng dạy - học phát triển năng lực theo mô hình giáo dục của UNESCO:
Năng lực | Các trụ cột giáo dục của UNESCO |
Năng lực chuyên môn | Học để biết |
Năng lực phương pháp | Học để làm |
Năng lực năng lực xã hội | Học để cùng chung sống |
Năng lực cá nhân | Học để tự khẳng định mình |