​Nỗi hờn kim cổ trong Vườn thơ Nguyễn Du

GD&TĐ - Cảm thương cho thân phận người phụ nữ, nhất là người phụ nữ tài sắc mà bị vùi dập, vốn là tình cảm mãnh liệt ở Nguyễn Du. Đấy cũng là nguồn cảm hứng để Đại Thi hào làm nên một tiếng kêu thương ai oán lay động cả đất trời: Truyện Kiều, một tác phẩm sừng sững đứng trên nhiều thời đại thi ca.

​Nỗi hờn kim cổ trong Vườn thơ Nguyễn Du

Độc Tiểu Thanh kí, cũng nẩy sinh từ cảm hứng “hồng nhan mệnh bạc” ấy. Cảm hứng của bài thơ nổi lên trong dịp Nguyễn Du đi sứ sang Trung Quốc, bắt gặp phần dư cảo tập thơ của nàng Tiểu Thanh, họ Phùng (đời Nguyên, Trung Quốc).

Nỗi đau đời của con người tài sắc, đã phải chịu phận lẽ mọn, lại còn bị vợ cả ghen ghét, đuổi ra gò Cô Sơn, cạnh Tây Hồ (thuộc tỉnh Chiết Giang). Khi chết rồi mà tập thơ của nàng còn bị vợ cả đốt, đã làm cho Nguyễn Du chạnh lòng.

Lòng thương người, cùng với nỗi đau cho mình, đã dồn nén vào tám câu thơ ngắn ngủi nhưng đã vượt lên sức nặng của thời gian hơn hai trăm năm để đến với chúng ta hôm nay.

Tình cảm là gốc của thơ ca, mà ngôn từ chỉ là những chiếc lá. Lòng đau thì lời thơ cũng bật máu. Vốn sẵn trong lòng một nỗi xót thương cho kiếp tài hoa phận bạc, nên khi đọc mấy dòng thơ của Tiểu Thanh mà động lòng. Đây đâu chỉ là chuyện đọc thơ mà còn là “độc điếu”, nghĩa là gửi vào thơ những dòng nước mắt tiếc thương:

  • Tây Hồ hoa uyển tận thành khư
  • Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.
  • Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
  • Văn chương vô mệnh lụy phần dư.
  • Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
  • Phong vận kỳ oan ngã tự cư.
  • Bất tri tam bách dư niên hậu,
  • Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Thơ của Tiểu Thanh, vốn đã là nước mắt, giờ đây một lần nữa, lại được nước mắt của tâm hồn vĩ đại hòa lẫn vào, để thành những trang đời đầm đìa nước mắt. Nỗi đau được nhìn bằng tâm trạng thương đau nên càng thấu tỏ. Vì thế mà Đại Thi hào đã vượt lên khỏi biên giới tình cảm Việt - Hoa, vượt lên được thời gian đằng đẵng ba trăm năm để khóc thương cho nàng. Mở đầu bài thơ là một tiếng thở dài thể hiện nỗi xót xa, u hoài:

Tây Hồ hoa uyển tận thành khư

Giọng thơ như đã gói trọn trong đó sự giật mình thảng thốt của Tố Như, khi đứng trước cảnh đời “dâu bể”, sự vật biến cải vô thường. Mới khi nào, Tây Hồ còn là cảnh đẹp với cỏ hoa muôn sắc đó thôi, thế mà bây giờ đã thành gò hoang cả rồi. Hình ảnh hoa uyển đặt trong sự đối chiếu với thành khư, đã tạo nên sự so sánh thầm lặng trong trí tưởng tượng của người đọc, từ đó mà gợi cảm giác buồn lạnh lẽo về cảnh hoang phế.

Cũng có ý cho rằng gò hoang ở đây, không phải là cảnh Tây Hồ mà là mộ của Tiểu Thanh nhưng nào ai biết được Tiểu Thanh đã ngã xuống ở chốn nào? Tuy nhiên hình ảnh thơ này dễ gợi ta liên tưởng đến nấm mồ của nhân vật Đạm Tiên trong “Truyện Kiều”. Khi nàng còn là ca nhi “nổi danh tài sắc một thì”, thì “xôn xao ngoài cửa thiếu gì yến anh”. Nhưng đến khi “nửa chừng xuân thoắt gẫy cành thiên hương”, thì chỉ còn là nấm mồ vô chủ:

  • Trải bao thỏ lặn ác tà
  • Nấm mồ vô chủ ai mà viếng thăm.

Tiểu Thanh còn đau đớn hơn cả Đạm Tiên nữa. Nàng đã đi đến tận cùng con đường “hồng nhan bạc mệnh”. Đến nỗi chỉ còn lại mấy lời tâm sự trên giấy mà cũng bị vợ cả thiêu đốt:

  • Chi phấn hữu thần liên tử hậu
  • Văn chương vô mệnh lụy phần dư

Bằng hình thức giả định: Nếu như son phấn có hồn thì nó sẽ cảm nhận được nỗi đau khủng khiếp của chủ nó sau khi chết, tác giả đã phơi bày được hành động tàn ác đến tột cùng của người vợ cả.

Son phấn là biểu tượng cho dung nhan, văn chương là biểu tượng cho vẻ đẹp tâm hồn, xét cho cùng, nó chỉ là những vật vô tri vô giác, có tội tình gì mà cũng chịu liên lụy, bị người ta chà đạp một cách phũ phàng.

Vùi hoa dập liễu, khi hoa còn thắm, liễu còn xanh đã là một kẻ không có trái tim xúc cảm rồi, nhưng khi hoa đã rụng, liễu đã tàn, mà vẫn còn đang tay vùi dập thì đó là tội ác man rợ. Để viết lời tố cáo về hành động ghê tởm này, nhà thơ đã dùng hình thức tương phản giữa văn chương vô mệnh với lụy phần dư.

Tiểu Thanh có làm gì nên tội mà nỗi khổ đau, không chỉ đeo đuổi nàng khi sống, lại còn truy đuổi nàng xuống tận huyệt sâu mãi không thôi. Đúng là “nhân tình nhắm mắt chưa xong” vậy.

Từ hiện trạng bi thương của một số phận mà Tố Như khái quát lên thành cái triết lý siêu hình:

  • Cổ kim hận sự thiên nan vấn
  • Phong vận kỳ oan ngã tự cư

Người ta nói rằng: Trời làm ra mệnh, nhưng lại không cắt nghĩa được số phận. Xét cho cùng, trời chỉ là một cái bóng hư vô, gửi vào đấy một tiếng kêu thương thì được, còn đòi hỏi một câu trả lời thì tuyệt nhiên không. Trời thì ở cao xa, còn quỷ dữ thì ở gần, ở ngay mặt đất. Từ cổ chí kim không ai tránh khỏi nghiệp chướng của số phận. Số phận là một cái gì không hình, không bóng mà tàn nhẫn mà khốc liệt vô cùng. Trong “Truyện Kiều”, Tố Như đã để cho Thúy Kiều cất lên tiếng kêu thảm thiết về số phận:

  • Rằng hồng nhan tự thuở xưa
  • Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu!

Hồng nhan bạc mệnh là điều chung, nhưng cớ chi lại dồn đổ xuống đôi vai bé bỏng của Tiểu Thanh, đến mức nằm dưới mấy tấc đất rồi mà vẫn không thoát được nỗi oan khiên. Vậy cái nỗi oan ấy là gì mới được chứ? Và vì sao mà phải chịu oan? Cái nỗi oan ấy là nỗi oan của khách phong nhã. Cũng vì tài sắc, vì phong nhã mà mắc oan, thực là trớ trêu! Lẽ ra con người tài sắc phải được hưởng hạnh phúc hơn đời, chứ sao lại phải chịu nhiều đau khổ đến thế? Phải chăng là do “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”!

Từ số phận của Tiểu Thanh mà Nguyễn Du liên hệ đến mình: Ngã tự cư. Nghĩa là tự nhận mình cùng hội cùng thuyền với khách má hồng. Trong thực tế, cuộc đời của Tố Như cũng nhiều phen điêu đứng. Ông đã từng lang thang phiêu bạt, long đong nơi đất khách quê người, đã từng nếm đủ mùi cay đắng của cảnh bần hàn, có lúc cơm không có ăn, áo không có mặc, ốm đau không có thuốc. Như vậy, Tố Như đã khóc thương Tiểu Thanh với nỗi đau của người cùng cảnh ngộ. Khóc thương người mà cũng là khóc cho số phận của mình đấy thôi!

Ngã tự cư, còn có một ý khác: Biết rằng sống phong nhã sẽ mắc nhiều oan trái nhưng thà mãi mãi sống hào hoa phong nhã chứ không chịu nhập mình vào sự xô bồ, vào cái thô bỉ của cuộc sống ô trọc. Biết rằng kiếp hoa thì chóng tàn, còn cỏ rác thì dai dẳng sống. Nhưng thà làm hoa để dâng hương dâng sắc cho đời trong chốc lát, chứ không chịu hạ mình làm thân cỏ, để bị chà đạp bởi những bàn chân bẩn thỉu. Từ thực tế thương đau của thân phận Tiểu Thanh mà Tố Như buông ra một câu hỏi bất ngờ cho mình về phía tương lai :

  • Bất tri tam bách dư niên hậu
  • Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ?

Từ khi Tiểu Thanh mất, đến khi Tố Như đọc tập thơ bị đốt dở của nàng, đã ba trăm năm rồi. Thơ của nàng, chí ít còn được một trái tim vĩ đại đồng cảm. Còn văn chương của Tố Như thì sẽ ra sao đây? Thi hào băn khoăn: Sau ba trăm năm nữa, liệu có ai khóc cho mình không? Khóc cho mình thì cũng có nghĩa là đã có sự đồng cảm, là đã được thế hệ sau cảm thông, chia sẻ đó thôi.

Qua nỗi băn khoăn đó, ta thấy lúc sinh thời, Nguyễn Du ít có bạn tri âm tri kỷ, người đời hầu như đã không hiểu được niềm tâm sự của ông. Chẳng thế mà khi “Truyện Kiều” ra đời, đã bị chính quyền phong kiến tìm cách cấm đoán và kết tội là “dâm thư”:

  • “Đàn ông chớ kể Phan-Trần
  • Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”
  • Vua Tự Đức rất say mê “Truyện Kiều”:
  • “Mê gì như mê tổ tôm
  • Mê ngựa hậu bổ, mê nôm Thúy Kiều”

Ấy thế mà còn đòi nọc Nguyễn Du ra đánh cho ba trăm roi, về cái tội khi quân, nếu như ông còn sống. Ngay đến thi sĩ Tản Đà, một con người tài hoa, uyên bác, luôn thấu lẽ đạt tình là thế mà cũng có lúc đánh giá sai về nhân vật Thúy Kiều, khi đọc đến đoạn thơ Nguyễn Du tả cảnh nàng đánh đàn hầu rượu Hồ Tôn Hiến. Đây là lời phê phán Thúy Kiều của Tản Đà:

  • “Đôi hàng nước mắt đôi làn sóng
  • Nửa đám ma chồng, nửa tiệc quan
  • Tổng đốc có thương người dưới phận
  • Tiền Đường chưa chắc mộ hồng nhan”.

Ngày nay, không cần đến ba trăm năm, thế hệ chúng ta đã đáp ứng nỗi lòng mong ước của Tố Như. Chúng ta đã đến với Đại Thi hào bằng tấm lòng đồng cảm sâu sắc qua việc khôi phục lại vị trí xứng đáng của ông trên thi đàn. Bằng chứng cụ thể là rất nhiều sách báo viết để ca ngợi ông và đặc biệt hơn là đưa ông lên vị trí quang vinh của danh nhân văn hóa thế giới.

Hà Nội ngày 10/11/2018

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ