Thỏi nam châm
Mấy năm trước, khi NXB Trẻ công bố và trao giải “Sách bán chạy” lần thứ nhất để tôn vinh những tác giả có sách bán chạy nhất (không chỉ trong một năm hay vài năm mà trong suốt quá trình phát hành) nhiều người không hề ngạc nhiên khi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh giữ vị trí dẫn đầu.
Cuốn sách bán chạy theo tiêu chí của NXB Trẻ là ngay từ lần đầu xuất bản phải đạt 100.000 bản mới được tôn vinh. Vậy mà, trong danh sách 12 cuốn đạt các điều kiện đó đã có tới 10 đầu sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, trong đó "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" đã đạt 351.157 bản.
Mặc cho sách văn học thiếu nhi nước ngoài đang tràn ngập thị trường và được độc giả hào hứng lựa chọn, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vẫn ung dung sáng tác, mỗi năm ra ít nhất một cuốn sách mới, chiếm lĩnh thị phần và trái tim người đọc.
Nhiều người trong làng văn và giới phê bình văn học tỏ ra thán phục về sức viết của ông. Họ gọi ông là “thỏi nam châm” bởi mặc dù sinh năm 1955, ở độ tuổi U 70 ông vẫn nhạy bén nắm bắt tâm lý, tâm tư suy nghĩ và hút hồn độc giả thiếu nhi thời nay. Sức hút của thương hiệu Nguyễn Nhật Ánh khiến nhiều người cầm bút nêu câu hỏi “để chinh phục bạn đọc nhí nhà văn cần học thêm kiến thức gì ?” và đề nghị ông chia sẻ kinh nghiệm.
Câu trả lời của Nguyễn Ngọc Ánh thoạt nghe tưởng đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể học và vận dụng được: “Không giống như các nhà khoa học, đòi hỏi phải có những kiến thức đặc biệt, nhà văn viết sách cho trẻ em chỉ cần giữ gìn sự tươi trẻ của tâm hồn và nuôi dưỡng thật tốt cảm hứng sáng tạo. Còn kiến thức là thứ trí óc thu nạp mỗi ngày một cách tự nhiên, không cần phải cố…”.
Luôn coi trọng và hướng tới sự đồng cảm tâm hồn với bạn đọc nên những tác phẩm của ông trở nên lôi cuốn. Văn phong của Nguyễn Nhật Ánh không quá chú trọng yếu tố kỹ thuật nhưng lại như thỏi nam châm hút bạn đọc và hoàn toàn chinh phục họ. Người đọc luôn tìm thấy mình trong đó, cảm giác như mình cũng có những nét của một nhân vật nào đó trong cuốn sách. Bạn đọc nhí nhập tâm cùng nhà văn đi đến trang cuối cùng của cuốn sách, cùng khóc, cùng cười với nhân vật họ yêu mến do nhà văn tạo ra.
Nuôi dưỡng “đứa trẻ trong tâm hồn”
Xác định được ý nghĩa của việc cầm bút, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã chia sẻ quan điểm sáng tác của mình: "Tôi luôn tin nhà văn là trụ đỡ tinh thần của trẻ em. Tôi tin "bồi đắp tâm hồn và nhân cách một cách âm thầm và bền bỉ, đó là chức năng gốc rễ của văn chương, đặc biệt là văn chương viết cho thanh thiếu niên".
Có thời gian làm thầy giáo đứng trên bục giảng, lại có thâm niên làm báo, giữ chuyên mục “anh Bồ Câu gỡ rối”, tư vấn tình cảm cho lứa tuổi đang yêu ở một tờ báo lớn, Nguyễn Nhật Ánh đã tích lũy được vốn sống phong phú để cảm nhận và hiểu được thế giới tuổi hoa niên. Những trang viết như người kể lại câu chuyện thú vị khiến những cô cậu học trò tuổi ổi ương ở khắp mọi vùng, miền đều thấy hình bóng, tâm tư mình trong đó. Nguồn tư liệu thực tế dồi dào này đã chắp cánh cho hàng loạt tập sách của ông ra mắt bạn đọc sau đó.
Trong ấn phẩm “105 cuốn sách được đọc nhiều nhất” ở các nước trên thế giới (NXB Ten-Books - Nhật Bản, ấn hành tháng 12/2013), có 2 đầu sách Việt lọt vào thì cả hai đều là tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Nhật Ánh. Đó là “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” và “Kính vạn hoa”. Cả hai đều là những tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Nhật Ánh.
Đánh giá về bút lực của Nguyễn Nhật Ánh, nhà nghiên cứu, lý luận phê bình văn học, PGS-TS Nguyễn Văn Giá (nguyên trưởng khoa Viết văn Nguyễn Du- Trường ĐH Văn Hóa Hà Nội) nhấn mạnh: Hiếm có người viết nhiều mà viết hay được như Nguyễn Nhật Ánh. Anh viết cho thiếu nhi, nhưng không chỉ thiếu nhi say mê vì thực ra anh viết cho tất thảy người lớn – những người đã từng có một thuở thiếu nhi và đang còn giữ được con người trẻ thơ trong tâm hồn. Anh viết cho tất cả. Và Nguyễn Nhật Anh là nhà văn thuộc về tất cả”.
Cùng với “Kính vạn hoa” đã được chuyển thể thành phim, cuốn sách “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của Nguyễn Nhật Ánh đã trải qua 27 lần tái phát hành với tổng số bản in lên đến 129.000 bản. Cuốn sách vừa được NXB Trẻ mang sang Đức trưng bày tại Hội Sách quốc tế Frankfurt Book Fair.
Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn có nhiều tác phẩm được chuyển thể thành truyện tranh và làm phim nhất trong số các nhà văn Việt Nam. Đầu tiên phải kể đến truyện dài “Nữ sinh” đã thành nguồn chất liệu cho bộ phim “Áo trắng sân trường” (1990). Bộ phim “Nữ sinh” dài 10 tập xây dựng kịch bản từ 3 cuốn sách “Nữ sinh”, “Bồ câu không đưa thư” và “Buổi chiều Windows” của nhà văn.
Các cuốn truyện dài chuyển thể thành các bộ phim cùng tên có thể kể ra như “Thằng quỷ nhỏ” (1997), “Chú bé rắc rối” (1998), “Bong bóng lên trời” (1997), “Kính vạn hoa” (2004), “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (2015), “Cô gái đến từ hôm qua” (2017). Hai bộ phim mới nhất bấm máy tháng 9 năm nay và sẽ trình chiếu vào mùa hè 2019 cũng chuyển thể từ các cuốn sách cùng tên “Ngồi khóc trên cây”, “Thiên thần nhỏ của tôi” của ông.
Giữ thương hiệu “nhà văn triệu đô” nhưng Nguyễn Nhật Ánh lại không quan tâm đến thu nhập và khả năng kiếm tiền của mình. Ông ủy thác cho người bạn đời mọi việc thỏa thuận, giao dịch với các nhà xuất bản và các đạo diễn. Nhà văn chỉ tập trung vào công việc làm xiếc với những con chữ, khai thác những vẻ đẹp trong tâm hồn.