Kết nối nguồn lực tạo việc làm cho sinh viên sau khi ra trường

GD&TĐ - Việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp là một trong những chỉ số đo lường chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, làm thế nào để sinh viên ra trường có việc làm đúng với chuyên ngành được đào tạo là nỗi băn khoăn lớn.

Tốt nghiệp Học viện Ngân hàng được 2 năm nhưng Nguyễn Hải Anh chưa thể tìm đúng công việc phù hợp với ngành nghề đào tạo vì những khó khăn của thị trường lao động do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Dù đã thi tuyển vào nhiều ngân hàng khác nhau nhưng không trúng tuyển, Hải Anh đành xin việc tại một công ty tư nhân để làm nghiệp vụ kế toán.

Còn Nguyễn Văn Dũng - cựu sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tốt nghiệp đại học được 4 năm nhưng công việc hiện nay lại không đúng với ngành nghề đào tạo. Sau khi ra trường, có cơ hội việc làm tại một công ty khác chuyên ngành, thu nhập tốt nên em đã dành thời gian học hỏi, tìm hiểu về lĩnh vực hoàn toàn mới.

Theo nghiên cứu về tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm của nhóm nghiên cứu Viện châu Á - Thái Bình Dương (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân), có 90% sinh viên tìm được việc làm sau 6 tháng, nhưng trong số này chỉ có 50% sinh viên có việc làm phù hợp với chuyên môn được đào tạo. Mặc dù, tỷ lệ sinh viên có việc làm lớn nhưng mức thu nhập không cao hơn mức trung bình của người lao động.

Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trong năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp, sinh viên có xu hướng “nhảy việc” thường xuyên. Mặt khác, đa số sinh viên tìm được việc làm ở khu vực tư nhân, có đầu tư nước ngoài; trong khi đa số trường đại học lại liên kết với doanh nghiệp lớn, hoặc doanh nghiệp Nhà nước.

Ngoài ra, nhiều sinh viên tìm được việc làm thông qua quan hệ cá nhân và Internet. Đây là kênh tìm việc thông dụng nhất, còn dịch vụ tư vấn việc làm của các trường đại học ít khi được sinh viên sử dụng. Nhiều sinh viên thiếu kinh nghiệm thực tiễn, hiểu biết về bối cảnh và chuẩn mực nghề nghiệp. Đây là trở ngại trong quá trình tìm kiếm việc làm của các em.

Ông Bùi Văn Linh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực (Bộ GD&ĐT) - cho biết: Nguồn nhân lực chất lượng cao có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc sinh viên ra trường không làm đúng ngành nghề đào tạo sẽ gây lãng phí. Có một thực tế là nhiều doanh nghiệp cần nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng lại không thể kết nối được với những sinh viên đã tốt nghiệp đúng chuyên ngành.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Trung tâm đang xây dựng hệ sinh thái gồm nhiều hợp phần: Khu vực bên cung gồm toàn bộ khối giáo dục, khu vực bên cầu là các doanh nghiệp, người sử dụng lao động cùng các công ty công nghệ Edutech sẽ đóng vai trò tham gia nội dung chương trình đào tạo, cung cấp chuyên gia giỏi.

Thời gian vừa qua, Trung tâm đã có buổi làm việc và ký kết hợp tác với nhiều địa phương, đơn vị nhằm từng bước xây dựng hệ sinh thái này. Khi hệ sinh thái được hình thành sẽ giúp các địa phương kết nối tốt hơn với Bộ, giữa các thành tố liên quan gồm phía cung là ngành GD và phía cầu là các doanh nghiệp địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.